(TG) -Ngày 14-7-2015 sẽ đi vào lịch sử quan hệ quốc tế với sự kiện Nhóm P5+1 gồm đại diện 5 quốc gia thành viên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh) và Đức đã đạt được Thỏa thuận cuối cùng với I-ran về Chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran, đặt dấu chấm hết cho quá trình đàm phán kéo dài gần 10 năm qua về một trong những hồ sơ quốc tế phức tạp nhất trong thế kỷ XXI và tạo ra cục diện chính trị quốc tế mới.
Thỏa thuận có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới
Sẽ là không cường điệu khi dư luận quốc tế đánh giá thỏa thuận toàn diện và cuối cùng về Chương trình hạt nhân của I-ran là sự kiện “có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới” bởi dựa trên cơ sở những lập luận sau.
Một là, I-ran là một trong những tâm điểm cạnh tranh địa-chính trị quan trong nhất và quyết liệt nhất giữa các cường quốc trong và ngoài khu vực Trung Đông, trong đó “hồ sơ hạt nhân” của Tê-hê-ran chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Vì thế, việc hóa giải “hồ sơ” này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó đáng chú ý nhất là Mỹ mượn cớ hóa giải chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran để bao vây và cấm vận I-ran, kết hợp với “cách mạng màu” để lật đổ chính thể của quốc gia này và dựng lên một chế độ chính trị mới nhằm thực hiện mục đích chính trị toàn cầu ở Trung Đông.
Hai là, thỏa thuận này là kết quả của các các cuộc đàm phán kéo dài gần một thập kỷ, cực kỳ phức tạp, đầy mâu thuẫn và kịch tính, đã từng nhiều lần đứng trước nguy cơ đổ vỡ và đặt I-ran trước nguy cơ một cuộc chiến tranh hủy diệt do Mỹ và I-xra-en tiến hành mượn cớ là “loại bỏ các cơ sở hạt nhân của Tê-hê-ran.
Ba là, thỏa thuận này là thành công ngoại giao đạt được vào thời điểm Liên Hợp Quốc kỷ niệm 70 năm thành lập, ghi dấu ấn quan trọng vào lịch sử của tổ chức lớn nhất thế giới này.
Bốn là, thỏa thuận này có ý nghĩa toàn cầu bởi đặt bút ký vào thỏa thuận này là 5 thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc có đủ thẩm quyền đại diện cho Liên Hợp Quốc. Trên cơ sở đó, ngày 20-7-2015, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết đặc biệt về thỏa thuận này.
Năm là, thỏa thuận này tạo cơ sở và tiền đề để khu vực Trung Đông và thế giới tránh được một cuộc chiến tranh lớn tiềm tàng giữa một bên là I-ran với bên kia gồm Mỹ, I-xra-en và các đồng minh trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.
Sáu là, tạo ra cục diện chính trị mới, thậm chí là chưa từng có, ở Trung Đông trong nhiều thập kỷ qua.
Trật tự thế giới mới nhìn từ thỏa thuận về Chương trình hạt hân của I-ran
Tại Hội nghị an ninh quốc tế Mu-nich năm 2007, Tổng thống Nga V.Pu-tin đã từng nói tới “trật tự thế giới mới”. Theo ông, trật tự thế giới đó có nghĩa là nói về hệ thống quan hệ quốc tế mà trong đó chủ quyền và lợi ích của mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, dù mạnh hay yếu, dù giàu hay nghèo, đều được tôn trọng. Do đó, Tổng thống Nga V.Pu-tin tuyến bố, nước Nga không chấp nhận một trật tự thế giới mà trong đó chỉ có một quốc gia đóng vai trò “lãnh đạo" và áp đặt ý chí chính trị cho các quốc gia còn lại. Theo V.Pu-tin, trật tự đó hoàn toàn xa lạ với các giá trị dân chủ đã trở thành tài sản chung của toàn nhân loại.
Nhìn từ góc độ đó, thỏa thuận cuối cùng và toàn diện về Chương trình hạt nhân của I-ran đã phản ánh hình hài của một trật tự thế giới mới đa cực, xuất phát từ những động thái sau.
Thứ nhất, sẽ không thể đạt được thỏa thuận lịch sử về Chương trình hạt nhân của I-ran nếu Mỹ vẫn khăng khăng bám lấy quan điểm của họ và áp đặt nó cho I-ran cũng như cho các nước đối thoại. Do đó, cấn có sáng kiến và nỗ lực của các cường quốc khác đóng vai trò không thể thiếu trong trật tự thế giới mới, đa cực, ngoài Mỹ ra còn có Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh vốn đang có những bất đồng sâu sắc về nhiều vấn đề trong các chương trình nghị sự của thế giới như cuộc khủng hoảng ở Xy-ri, U-crai-na và Y-ê-men, cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) và nhiều “điểm nóng” khác trên thế giới.
Thứ hai, từ trước tới nay, Mỹ luôn tự coi mình là siêu cường duy nhất sau Chiến tranh lạnh, có “sứ mệnh lãnh đạo thế giới” và không chấp nhận vai trò của nước Nga trong các chương trình nghị sự toàn cầu. Thậm chí, nhiều quan chức cấp cao trong bộ máy cầm quyền của Mỹ luôn coi Nga là “kẻ bại trận” trong Chiến tranh lạnh. Các cuộc đàm phán về Chương trình hạt nhân của I-ran đã buộc Mỹ thay đổi quan điểm đó. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ "Thời báo New York" sau lễ ký thỏa thuận, Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma đã đánh giá cao vai trò của nền ngoại giao Nga cũng như lập trường cá nhân của Tổng thống Nga V.Pu-tin và cho biết Nga đã tích cực tham gia cùng các nhà trung gian quốc tế để thuyết phục I-ran đặt bút ký cam kết lịch sử. Ông Ô-ba-ma thẳng thắn thừa nhận, nếu không có nỗ lực của Nga, Mỹ và nhóm P5+1 khó có được cái bắt tay hợp tác từ phía I-ran.
Thứ ba, những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc-cơ sở nền tảng của một trật tự thế giới đa cực, đã được tôn trọng và được sử dụng làm xuất phát điểm cho các cuộc đàm phán về Chương trình hạt nhân của I-ran. Đó là, tôn trọng chủ quyền và nền độc lập của các quốc gia là thành viên của Liên Hợp Quốc. Nguyên tắc này được thể hiện ở một trong những nội dung cơ bản và có ý nghĩa then chốt của thỏa thuận về Chương trình hạt nhân của I-ran, theo đó Tê-hê-ran có quyền phát triển công nghệ hạt nhân nhằm mục đích phát triển kinh tế, hòa bình.
Với những gì mà các cường quốc đã đóng góp nỗ lực chung để hóa giải “hồ sơ hạt nhân” của I-ran, hy vọng họ sẽ cùng hợp tác để giải quyết nhiều “điểm nóng” khác trên thế giới như vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, cuộc khủng hoảng Xy-ri, Y-ê-men... và cuộc đấu tranh nhằm tiêu diệt IS-tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất đối với cả thế giới./.
Lê Thế Mẫu