Thứ Năm, 10/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 21/7/2009 21:59'(GMT+7)

Tri ân các anh hùng liệt sĩ bên dòng Thạch Hãn


Đến Thành Cổ- Quảng Trị trong những ngày tháng 7 đầy nắng, như được hòa mình vào không khí hối hả, khẩn trương của cán bộ, nhân dân vùng đất anh hùng đang gấp rút thi công thêm nhiều công trình chào mừng 200 năm lỵ sở Quảng Trị và kỷ niệm 62 năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7. Nằm bên Bến Vượt ở bờ nam sông Thạch Hãn, công trình Quảng trường Tưởng niệm- Nhà hành lễ- Bến thả hoa đang được thi công hối hả đêm ngày. Các đơn vị đang tổ chức thi công nước rút phấn đấu hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 62 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7).

Bến thả hoa bên mép nước Thạch Hãn

Ông Lê Công Vinh, Giám đốc Ban Quản lý công trình cho biết: Dự án được chia làm 3 hạng mục do 3 đơn vị là các Công ty TNHH Hưng Nghiệp, Hải Triều và An Phú đảm nhận xây dựng, phấn đấu hoàn thiện và đưa vào sử dụng sau 100 ngày thi công, đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ- 27/7 năm nay. Là hạng mục được tổ chức sau cùng, Quảng trường Tưởng niệm do Công ty TNHH Hải Triều đảm nhận gói gọn trong vòng 45 ngày.

Tháp chuông Thành Cổ nhìn từ Quảng trường Tưởng niệm-TX Quảng Trị

 Không gian nối liền Tháp chuông Thành cổ ra sát bờ sông; Quảng trường Tưởng niệm với 2 hàng cau xanh mướt trải dài trên nền đá trắng đặc trưng của xứ Thanh đang dần được hoàn thiện. Ông Lê Trí Nguyện, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hải Triều nói: “Chúng tôi được giao hoàn thành công trình trong vòng 45 ngày, nên phải đổ sức thi công 2-3 ca/ngày, kể cả làm đêm để công trình hoàn thành đúng vào dịp 27/7”.

Khẩn trương dám mái ngói gian nối Lầu Chuông- Lầu Trống

 Soi mình bên dòng Thạch Hãn, Thành Cổ Quảng Trị uy nghi, trầm mặc như biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng với khát vọng tự do, độc lập của cả dân tộc Việt Nam. Vào năm 1972, bờ bắc sông Thạch Hãn trở thành cửa ngõ để quân ta tiếp lương tải đạn, tăng viện vào chiến trường. Còn đó, dưới lớp cỏ xanh non tơ hay tận thẳm sâu của dòng Thạch Hãn, đến giờ vẫn lưu giữ xương máu của hàng nghìn chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh, quyết tâm đẩy lùi các đợt phản kích tái chiếm Thành Cổ- Quảng Trị của ngụy quyền Sài Gòn trong suốt 81 ngày đêm lịch sử năm 1972.

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ....

Đã thành lệ, vào dịp lễ, tết, người dân Quảng Trị, các chiến sỹ, cựu chiến binh Thành cổ cùng nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc lại về thăm chiến trường xưa, tổ chức thả hoa đăng trên sông tưởng nhớ các liệt sĩ. Nghĩa cử này đã hình thành nên một lễ hội văn hóa đậm chất truyền thống cách mạng của dân tộc. Quảng trường Tưởng niệm- Nhà hành lễ- Bến thả hoa là một công trình văn hóa lịch sử có ý nghĩa về chính trị, xã hội, mang đậm tính nhân văn.

  

Lầu Chuông- Lầu Trống

Việc có một đền thờ trên bến sông cùng một quảng trường, tuyến lễ hội nối liền sông Thạch Hãn với Thành Cổ được đặt ra như một yêu cầu bức thiết.  “Công trình từ ý tưởng đến thi công chưa đến 100 ngày. Chúng tôi quyết tâm hoàn thành vào ngày kỷ niệm 62 năm Ngày thương binh liệt sĩ. Công trình sẽ trở thành nơi hội tụ của con em mọi miền đất nước về tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh”. Ông Lê Công Vinh, Giám đốc Ban Quản lý công trình, tiết lộ.

Thể hiện lòng tri ân sâu nặng đối với các liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này, hơn 14 ngàn cán bộ, nhân viên Ngân hàng Công thương Việt Nam đã đóng góp kinh phí, cùng “chung tay” với thị xã Quảng Trị xây dựng một công trình đầy ý nghĩa bên bờ Nam sông Thạch Hãn. Gồm các hạng mục Quảng trường rộng 10.000 m2; Nhà hành lễ, lầu chuông, lầu trống 1.700 m2. Tổng vốn đầu tư 15,6 tỷ đồng.

Công trình có ý nghĩa này hoàn thành sẽ cùng với tháp chuông Thành Cổ tạo nên điểm nhấn trong quần thể di tích lịch sử ở thị xã Quảng Trị, từ Thành cổ đến Tháp chuông- Quảng trường- Nhà tưởng niệm và Bến thả hoa trên sông Thạch Hãn. Đồng thời, sẽ là nơi dành cho người dân cả nước ghé thăm Thành cổ, thị xã Quảng Trị dâng hương, thả hoa đăng... tri ân những những người đã ngã xuống trên mảnh đất này.

Ông Lê Vũ Bằng, Giám đốc Sở LĐ TB & XH Quảng Trị, cho biết: “Trong phong trào phát động các cơ quan doanh nghiệp có tri ân đối đối với Anh hùng liệt sĩ... đã ủng Quảng Trị làm được một số công trình. Đặc biệt Ngân hàng Công thương Việt Nam đã ủng hộ xây dựng tháp chuông và năm nay là công trình bến thả hoa. Đây là việc làm có nghĩa và có trách nhiệm, có ý nghĩa rất lớn.”

Mô hình Quảng trường Tưởng niệm- Nhà hành lễ- Bến thả hoa

Ý tưởng đưa đất thiêng Thành Cổ- Quảng Trị thành khu di tích lịch sử, công viên văn hóa tưởng niệm đang thành hình trong mỗi công trình mà nhân dân cả nước, thị xã Quảng Trị và tỉnh Quảng Trị đang chung tay xây đắp hôm nay. Cùng với việc được Nhà nước nâng cấp, bảo tồn nguyên hiện trạng Di tích Thành cổ Quảng Trị, công trình văn hóa này sẽ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, điểm đến đầy ý nghĩa của các chương trình du lịch hoài niệm không chỉ cho thế hệ trẻ vùng đất “non Mai, sông Hãn”./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất