Thứ Năm, 10/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 16/7/2009 20:14'(GMT+7)

Nhà thơ Tế Hanh qua đời

Nhà thơ Tế Hanh - Ảnh tư liệu

Nhà thơ Tế Hanh - Ảnh tư liệu

Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh, sinh ngày 20-6-1921, tại thôn Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Thuở nhỏ học trường làng, trường huyện sau ra học tại trường Quốc học Huế. Tế Hanh được biết đến nhiều với các tác phẩm như Nhớ con sông quê hương, Quê hương - 2 bài thơ từng được đưa vào chương trình học phổ thông.

Năm 1947, Tế Hanh làm việc trong Ban phụ trách Trường trung học bình dân Trung bộ, năm 1948, ông ở trong Ban phụ trách liên đoàn văn hóa kháng chiến Nam Trung bộ ủy viên thường vụ chi hội Văn nghệ Liên khu V.

Năm 1957 khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, ông là Ủy viên thường vụ Hội khóa I, II, ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1963), tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiều khóa, giữ các chức vụ: Trưởng ban đối ngoại (1968), Chủ tịch Hội đồng dịch thuật (1983), Chủ tịch Hội đồng thơ (1986).

Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.

Tế Hanh ra đi, giờ đây những thi sĩ của "Thi nhân Việt Nam" chỉ còn lại mỗi Xuân Tâm!

Ông là một trong những nhà thơ thành công trong cả phong trào Thơ mới và sau cách mạng tháng Tám với những bài thơ tinh tế và giàu cảm xúc về tình yêu quê hương đất nước.

Ông sáng tác thơ từ sớm và đã đứng trong phong trào Thơ mới với tập Nghẹn ngào giành giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn. Tham gia Việt Minh từ tháng 8 năm 1945, Tế Hanh đã trải qua các công tác văn hóa, giáo dục ở Huế, Đà Nẵng, là Ủy viên giáo dục trong ủy ban lâm thời thành phố Đà Nẵng sau khi Cách mạng tháng Tám thành công.

Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đã từng giành nhiều tình cảm khi viết về ông như: "Trong thơ Việt Nam tiền chiến, ông chưa bao giờ tạo được một sự hấp dẫn lạ lùng như Hàn Mặc Tử hoặc Nguyễn Bính, cũng không có lúc nào làm chủ thi đàn như Thế Lữ hoặc Xuân Diệu. Nhưng ông vẫn có chỗ của mình. Tập Nghẹn ngào từng được giải thưởng Tự Lực văn đoàn. Từ sau 1945, ông vẫn làm thơ đều đều, những tập thơ mỏng mảnh, giọng thơ không có gì bốc lên nồng nhiệt, nhưng được cái tình cảm hồn nhiên, và tập nào cũng có một ít bài đáng nhớ, khiến cho ngay sau Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu người ta nghĩ ngay đến Tế Hanh." (Vương Trí Nhàn, Cây bút đời người).

Những tập thơ tiêu biểu của ông bao gồm: Hoa niên (1944); Tập thơ tìm lại (1945 ); Hoa mùa thi (1948); Nhân dân một lòng (1953); Lòng miền Nam (1956 ); Gửi miền Bắc (1958); Tiếng sóng (1960); Bài thơ tháng bảy (1961), Hai nửa yêu thương (1963); Khúc ca mới (1966);  Đi suốt bài ca (1970), Câu chuyện quê hương (1973); Theo nhịp tháng ngày (1974), Giữa những ngày xuân (1977), Con đường và dòng sông (1980); Bài ca sự sống (1985), Tế Hanh tuyển tập (1987); Thơ Tế Hanh (1989 ); Vuờn xưa (1992); Giữa anh và em (1992);  Em chờ anh (1993 ); Tuyển tập Tế Hanh (tập II, 1997).  

TTO trích đăng 2 bài thơ nổi tiếng của ông:

Quê Hương

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong, gió nhẹ sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá


Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thân góp gió


Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng lũ lượt kéo ghe về
Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng

Dân chài lưới lần da ngăm rám nắng
Tỏa thân hình nồng thở vị xa xăm
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vó.

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Mầu nước xanh, cá bạc, cánh buồm vôi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!

Nhớ con sông quê hương

Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng.
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỉ niệm giữa dòng trôi?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ

Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu
Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy
Bầy chim non bơi lội trên sông
Tôi giơ tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ

Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả
Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông
Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn, gió biển
Vẫn trở về lưu luyến bên sông

* * *

Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc
Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng "miền Nam"
Tôi nhớ không nguôi ánh nắng màu vàng
Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả những người không quen biết...

Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây
Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy
Hình ảnh con sông quê mát rượi
Lai láng chảy lòng tôi như suối tưới
Quê hương ơi! Lòng tôi cũng như sông
Tình Bắc Nam chung chảy một dòng
Không ghềnh thác nào ngăn cản được

Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước
Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương...

DT (theo TTO)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất