Nếu được Bộ VH-TT&DL và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, thì đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng hồ sơ cho một lễ hội và đây cũng là việc làm hết sức có ý nghĩa trước thềm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam.
PV: Thưa ông, hiện tại đã có bao nhiêu lễ hội đã được UNESCO vinh danh?
- PGS-TS Nguyễn Chí Bền: Qua 3 đợt công nhận Di sản phi vật thể của UNESCO vào các năm 2001, 2003 và 2005, có 90 di sản phi vật thể của nhân loại đã được công nhận. Nhưng theo tôi được biết, các di sản được công nhận này, có cái bao hàm cả lễ hội, chẳng hạn như Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Còn việc công nhận một lễ hội độc lập thì... chưa có.
- PV: Khi đối chiếu với những tiêu chí để trở thành Di sản phi vật thể của nhân loại, Di sản lễ hội làng Gióng của chúng ta đáp ứng được những tiêu chí nào?
- PGS-TS Nguyễn Chí Bền: Nếu đăng ký Lễ hội Thánh Gióng vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tôi nghĩ, căn cứ vào điều 2 của Công ước năm 2003, sẽ lựa chọn thành tố “các sự kiện lễ hội” để làm hồ sơ. Nói đến giá trị của Lễ hội Thánh Gióng, đây là bản anh hùng ca của dân tộc Việt Nam. Lễ hội lưu giữ những tín ngưỡng cổ xưa của người Việt cổ như tín ngưỡng thờ đá, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp... Lễ hội Thánh Gióng đã tồn tại qua hàng ngàn năm lịch sử. Nét độc đáo của lễ hội này là cư dân Việt cổ đã lịch sử hóa một nhân vật huyền thoại, biến thành một nhân vật tín ngưỡng và từ đó phát triển thành lễ hội. Đặc biệt, lễ hội này có sức thu hút, hấp dẫn mãnh liệt các thế hệ.
- PV: Trước đây đã từng có rất nhiều công trình nghiên cứu về lễ hội đền Gióng, điều này sẽ là một thuận lợi việc xây dựng hồ sơ, thưa ông?
- PGS-TS Nguyễn Chí Bền: Lễ hội Thánh Gióng được các học
Tại Hà Nội, hiện thống kê được 5 làng có đền thờ Thánh Gióng là Đền Sóc - Phù Ninh - Sóc Sơn, đền Thánh Gióng ở làng Phù Đổng - Gia Lâm, đền Sóc ở Xuân Đỉnh - Từ Liêm, đền Gióng ở Đông Bộ Đầu - Thường Tín, và đền Gióng ở Chi Nam - Gia Lâm. |
giả trong và ngoài nước quan tâm từ lâu. Thời quân chủ, các nhà Nho đã ghi chép về Thánh Gióng trong các công trình như “Việt điện u linh”, “Lĩnh Nam chích quái”, “Thiên Nam ngữ lục”... Cho đến nay, việc nghiên cứu, sưu tầm lễ hội Thánh Gióng đã được đánh dấu với những tên tuổi như Nhà nghiên cứu người Pháp G.Doumetrie, GS.TS Nguyễn Văn Hiên, GS Trần Quốc Vượng, Nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Tự Cường... Những công trình nghiên cứu trước đây tạo thuận lợi cho công tác làm hồ sơ về di sản này.
- PV: Thưa ông, trải qua rất nhiều biến thiên, những phong tục lễ hội ngày nay có thay đổi nhiều so với trước kia không?
- PGS-TS Nguyễn Chí Bền: Lễ hội là một thực thể, nó vận động trong không gian và thời gian, trong dòng chảy lịch sử, có nhiều phôi pha nhưng cũng có nhiều cái được đắp bồi. Chúng ta còn chưa xác định được lễ hội này bắt đầu từ khi nào. Khi đánh giá một di sản vật thể chúng ta có thể căn cứ vào hoa văn này, đao mác kia, hay những câu đối, sắc phong, trong khi đánh giá di sản phi vật thể lại khá phức tạp bởi di sản tồn tại trong ký ức của con người nên có sự biến thiên và thay đổi. Bây giờ hỏi cái nào là gốc thì không dễ xác định.
- PV: Hiện chưa có sự thống nhất giữa cách viết, người viết là “Thánh Gióng”, người lại viết là “Thánh Dóng”, theo ông cách gọi nào đúng?
- PGS-TS Nguyễn Chí Bền: Cũng có nhiều quan niệm về cách gọi. “Thánh Dóng” là quan niệm của nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh - quan niệm này được rất nhiều ý kiến tán thành, còn việc viết là “Thánh Gióng” lại cũng được một số nhà nghiên cứu tán thành.
- PV: Được biết, đến cuối tháng 8, việc xây dựng hồ sơ sẽ phải hoàn tất. Cho tới thời điểm này, việc xây dựng hồ sơ đang được triển khai như thế nào?
- PGS-TS Nguyễn Chí Bền: Hiện tại mới có đề xuất của UBND thành phố Hà Nội, việc xây dựng hồ sơ hay không còn phải đợi Chính phủ phê duyệt. Dự kiến, công tác xây dựng hồ sơ sẽ do Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đảm nhiệm. Sau khi có quyết định chính thức, chúng tôi sẽ bắt tay vào xây dựng hồ sơ một cách khẩn trương và thận trọng nhất để hoàn thành hồ sơ kịp tiến độ.
Vân Quế (ANTĐ)