Thứ Ba, 1/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 1/10/2008 19:30'(GMT+7)

Triển khai các biện pháp đối phó với bão Higos

Đường đi của bão Higos

Đường đi của bão Higos

Tiếp tục tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả

Ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương cho biết theo thống kê sơ bộ tính đến 7 giờ sáng nay 1/10, cơn bão số 7 đổ bộ vào các tỉnh Bắc Trung bộ đã làm 3 người chết và 14 người mất tích.

Cùng với thiệt hại về người, bão số 7 còn làm hơn 6.000 ngôi nhà bị sập và hư hỏng, đánh chìm 38 tàu, với tổng thiệt hại vật chất ước tính 108 tỷ đồng.

Quảng Bình là tỉnh chịu thiệt hại nhiều nhất với 2 người chết và 6 người mất tích. Tỉnh Hà Tĩnh có 1 người chết, 2 người mất tích, Thanh Hóa có 4 người mất tích và Quảng Trị có 2 người mất tích.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết ,lực lượng cứu hộ của bộ đội biên phòng đã cứu được 24 người và 3 phương tiện gặp nạn trong cơn bão số 7.

Triển khai các biện pháp đối phó với cơn bão mới
 

Theo Trung tâm dự báo khí tượng Thuỷ văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 1/10, vị trí tâm bão Higos ở vào khoảng 14,3 độ Vĩ Bắc; 122,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão Higos di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km và có khả năng mạnh thêm. Như vậy, đêm nay (1/10) bão Higos sẽ đi vào vùng biển phía Đông Biển Đông. Đến 13 giờ ngày 2/10 vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 117,2 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 80 km một giờ), giật cấp 11. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão Higos di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 20 km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 3/10 vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 113,6 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 13. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.

Trong 48 đến 72 giờ tới, bão Higos di chuyển theo hướng Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10 – 15 km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 4/10 vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 111,4 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 60 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 15. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảmg 100 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực phía Đông Biển Đông có gió mạnh cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 11. Biển động rất mạnh.

Tại cuộc họp ngày 1/10, Ban Chỉ đạo Phòng, chống Lụt bão Trung ương đã yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm người mất tích và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của bão.

9 giờ sáng cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương-Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã gửi Công điện số 54/CĐ, yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà, các Bộ Quốc phòng, Giao thông Vận tải chủ động triển khai các biện pháp đối phó với bão Higos.

Theo đó, để chủ động các biện pháp đối phó với bão, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn yêu cầu: Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ:

1. Thông báo cho chủ các tàu, thuyền và chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển, đặc biệt là các phương tiện hoạt động xa bờ biết vị trí, diễn biến, vùng ảnh hưởng của bão để chủ động di chuyển vào bờ và không đi vào vùng nguy hiểm (vùng nguy hiểm là khu vực Bắc vĩ tuyến 13 độ N và phía đông kinh tuyến 110 độ E bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, khu vực giữa và Bắc Biển Đông). Đối với các phương tiện khi về nơi neo đậu, kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền để đảm bảo an toàn. Kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu để tránh bị thiệt hại.

2. Kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi của các tàu, thuyền và phương tiện, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các tàu, thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển để xử lý kịp thời các sự cố.

3. Đề phòng bão diễn biến phức tạp, có thể thay đổi hướng, yêu cầu các tỉnh  ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi cần chủ động các phương án đối phó với bão, mưa, lũ.

4. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.

5. Bố trí trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chủ động ứng phó và xử lý kịp thời và báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất