Ngày 26/5, bên lề kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội
đã bày tỏ quan điểm, phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép
giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa
của Việt Nam.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí
Minh khẳng định, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong
vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành vi sai trái, bất hợp
pháp.
Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình ở
quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu các tổ chức tài phán quốc tế, kể cả Liên hợp
quốc, bác bỏ việc Trung Quốc viện dẫn cho mình có chủ quyền ở quần đảo
Hoàng Sa.
Hành vi của Trung Quốc đã vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật
Biển năm 1982, bởi khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981
nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Mọi hành động khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia khác
là vi phạm, Trung Quốc không thể đơn phương, tùy tiện làm việc đó nếu
không có sự đồng ý của quốc gia ven biển có vùng đặc quyền kinh tế.
Là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, Quốc hội Việt Nam sẽ triển
khai nhiều biện pháp kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ
quyền lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế, buộc Trung Quốc rút
giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam; đồng thời
kiên trì giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển
đất nước và luôn mong muốn giữ gìn quan hệ hữu nghị truyền thống
giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
Phương châm hành động của Quốc hội thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân
dân; phù hợp với tình hình thực tế diễn ra và đem lại những tác động,
hiệu quả mạnh mẽ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền
và quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Hằng, tình hình
Biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp, đe dọa hòa bình cũng như ổn
định trong khu vực. Hành động Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải
Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là
vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam.
Quốc hội đã thảo luận và có thông cáo số 2. Đây là thông điệp mạnh mẽ
của Quốc hội, thể hiện ý chí, nguyện vọng của cử tri cả nước, đúng với
chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh bảo vệ chủ
quyền của Việt Nam.
Thông điệp này không những được cử tri, nhân dân trong nước ủng hộ mà
qua theo dõi, dư luận thế giới cũng đồng tình với các biện pháp của Việt
Nam.
Dư luận quốc tế hiện đang bày tỏ quan ngại đối với tình hình “nóng” ở
Biển Đông do Trung Quốc gây ra; lên án hành động phi pháp của Trung
Quốc; coi hành động của Trung Quốc là khiêu khích nguy hiểm, xâm phạm
chủ quyền, đe dọa ổn định và hòa bình trong khu vực….
Ông Nguyễn Văn Hằng cho rằng, thông qua các Đại sứ quán Việt Nam tại các
nước, Quốc hội Việt Nam cần phối hợp với Bộ Ngoại giao thông tin cho
Quốc hội các nước hiểu rõ được bản chất vụ việc. Qua đó, Quốc hội các
nước có tiếng nói trước hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung
Quốc./.
Theo TTXVN