1. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã đề ra nhiệm vụ: “Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề”. Trong đó, nội dung chương trình phải theo hướng “tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn”…
Để triển khai chủ trương của Đảng, Chính phủ và Quốc hội về việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập: Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Ban Chỉ đạo đổi mới đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; Ban Phát triển chương trình các môn học và hoạt động giáo dục. Đồng thời đã thành lập Hội quốc gia thẩm định chương trình tổng thể và Hội đồng quốc gia thẩm định các chương trình môn học. Bộ cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị định số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Quyết định số 404/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đồng thời, tổ chức quán triệt và tuyên truyền trên phạm vi cả nước về mục tiêu, nguyên tắc, định hướng và các giải pháp chủ yếu xây dựng, biên soạn và thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đánh giá xác định những ưu điểm, hạn chế của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp thiết phục vụ xây dựng, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
2. Đến nay, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn học đã xây dựng xong, được Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình tổng thể và Hội đồng quốc gia thẩm định các chương trình môn học thẩm định 2 vòng và đang thực hiện các thủ tục theo quy định để ban hành.
Nội dung Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển những ưu điểm của các chương trình giáo dục phổ thông đã có của Việt Nam; đồng thời, tiếp thu thành tựu nghiên cứu về khoa học giáo dục và kinh nghiệm xây dựng chương trình theo mô hình phát triển năng lực của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới gắn với nhu cầu phát triển của đất nước, những tiến bộ của thời đại khoa học - công nghệ và xã hội.
Nội dung chủ yếu của Chương trình giáo dục phổ thông mới được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9); giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Đối với cấp Trung học phổ thông: Giáo dục cấp trung học phổ thông gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương); 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2; chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học): Nhóm môn khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật; Nhóm môn khoa học tự nhiên: Vật lí, Hóa học, Sinh học; Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật).
Nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp nội dung ở cấp trung học phổ thông còn có một số chuyên đề được thiết kế theo cụm chuyên đề học tập của môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật.
Cụ thể, thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 tiết hoặc 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/ năm học. Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Thời lượng giáo dục ở cấp trung học phổ thông là 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày).
Có thể khẳng định, nội dung chương trình tổng thể đã được xây dựng với quy định cụ thể về những biểu hiện về phẩm chất, năng lực học sinh ở cuối mỗi cấp học; định hướng nội dung của 14 lĩnh vực giáo dục; từ đó quy định hệ thống môn học, hoạt động giáo dục ở từng lớp học, cấp học. Đây là những quy định làm căn cứ để xây dựng các chương trình môn học, hoạt động giáo dục nhằm khắc phục hạn chế của chương trình hiện hành; bảo đảm sự giảm tải, “liên thông ngang, dọc” và không trùng lặp về nội dung kiến thức giữa các môn học, cấp học, đáp ứng nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
3. Mặc dù Chương trình giáo dục phổ thông mới đến nay về cơ bản đã hoàn thành, bảo đảm tính khoa học và khả thi trên cơ sở tiếp thu ý kiến từ các cơ quan, tổ chức hữu quan, nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, người dân trong cả nước và các chuyên gia tư vấn quốc tế; thể hiện sự nỗ lực, rất cố gắng, rất thận trọng, cầu thị và quyết tâm thực hiện của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là công việc rất khó khăn, phức tạp, để đảm bảo việc triển khai có chất lượng và hiệu quả cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần phải nâng cao nhận thức của toàn xã hội, trước hết là nội bộ ngành giáo dục, cán bộ, đảng viên, phụ huynh, học sinh nhằm tạo sự thống nhất và đồng thuận trong cách tiếp cận cũng như trong tổ chức triển khai thực hiện chương trình trình giáo dục phổ thông mới. Luôn quán triệt trong chương trình tổng thể và chương trình các môn học liên quan đến khoa học xã hội phải phù hợp với quan điểm của Đảng đối với các vấn đề về mục tiêu, con đường phát triển nền tảng tư tưởng, về vai trò lãnh đạo của Đảng, về lịch sử Việt Nam, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, về đường lối đối ngoại, đường lối văn hóa-văn nghệ, về chủ trương, thái độ đối với các vấn đề tác giả, tác phẩm...
Thứ hai, cần phải quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong quản lý và xây dựng phát triển đội ngũ của ngành giáo dục. Đồng thời, sớm hoàn thiện các quy định về chuẩn của nhà giáo nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng tiếp cận với những nội dung đổi mới chương trình nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Bên cạnh đó, phải có cơ chế, chính sách, cách thức để tạo động lực cho giáo viên tự thay đổi nhận thức, tự đổi mới trong cách dạy và học.
Thứ ba, thực trạng thiết bị dạy học và cơ sở vật chất hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là đáp ứng việc dạy 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học và đáp ứng việc tổ chức dạy các môn tích hợp, chuyên đề học tập nhằm định hướng ở nghề nghiệp ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Do vậy, cần rà soát theo quy định hiện hành về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu và tiêu chuẩn bàn ghế học sinh phổ thông để sớm ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới; bổ sung trang thiết bị dạy học hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ.
Thứ tư, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông quy định: “Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông”. Tuy nhiên, triển khai thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa là một việc mới, phức tạp nên sẽ gặp nhiều khó khăn nảy sinh trong quản lý xuất bản. Do vậy, trước mắt, nên cân nhắc biên soạn một bộ sách giáo khoa đưa vào triển khai thí điểm. Trong quá trình triển khai, cần có sự giám sát, kiểm tra, đúc rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp tránh lãng phí trước khi áp dụng triển khai đại trà.
Thứ năm, công tác truyền thông đối với quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới là một việc khó khăn và cũng là điểm nghẽn của ngành. Do vậy, cần phải đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông thông qua việc thiết kế các sản phẩm truyền thông phù hợp với đối tượng nhằm tăng cường hiểu biết về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; tạo sự yên tâm và đồng thuận trong toàn xã hội.
Thứ sáu, tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, cần tăng tính chủ động, thường xuyên nắm bắt tình hình, phối hợp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện./.
Hưng Phong