(TG) - Với thầy giáo Hoàng Văn Nghĩa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người - Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, một trong những phẩm chất của một công dân tốt đối với Tổ quốc là có tinh thần thi đua và phải luôn thực hành việc thi đua để qua đó tự tu dưỡng, hoàn thiện chính mình.
Trở thành cán bộ nghiên cứu và giảng dạy của Học viện từ năm 1995, thầy giáo Hoàng Văn Nghĩa hiện nay đã là giảng viên chính, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người - Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Anh luôn tích cực tham gia vào các phong trào học tập, thi đua, công tác đoàn thể của đơn vị và học viện. Từ một đoàn viên, anh đã phấn đấu trở thành Bí thư Chi đoán, Uỷ viên Ban Chấp hành Đoàn Học viện. Từ một cán bộ, anh đã phấn đấu trở thành lãnh đạo của đơn vị.
Cuối năm 2004, Hoàng Văn Nghĩa được Học viện cử đi học nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp thành phố Manchester (Anh). Ngay sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án tiến sỹ chuyên ngành Luật học, năm 2009, anh quyết định trở về quê hương và đơn vị công tác.
Một trong những lý do thôi thúc anh trở về công tác tại quê hương – nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách, nơi đã chắp cánh cho ước mơ của tôi – đó chính là khát vọng cháy bỏng được góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của đơn vị, Học viện và đất nước” - anh tâm sự.
Nói về tinh thần thi đua yêu nước, anh cho biết: “Ban đầu, không phải những tấm huy chương và bằng khen lấp lánh đã thôi thúc tôi có tinh thần thi đua hay động lực phấn đấu. Trái lại, chính ý thức tự giác về sự hoàn thiện năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, tinh thần kỷ luật và xây dựng đơn vị vững mạnh đã thôi thúc tôi ủng hộ phong trào thi đua, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Kết quả từ sự phấn đấu đó đạt được thật sự bất ngờ và vượt ngoài mong đợi của anh khi hai năm liền, anh đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua và bằng khen của Giám đốc Học viện.
Trong ba năm học liên tiếp, anh Hoàng Văn Nghĩa đã hoàn thành vượt kế hoạch nhiệm vụ được giao, cả trong công tác nghiên cứu giảng dậy, hợp tác quốc tế và các hoạt động khác. Trong lĩnh vực nghiên cứu của mình, anh Hoàng Văn Nghĩa cũng đã xã hội hoá nhiều công trình nghiên cứu thành sách, tài liệu giảng dạy, bài báo, tạp chí khoa học; trong đó có hơn 30 bài viết đăng trên tạp chí chuyên ngành, bản tin trong nước, 1 bài viết trên tạp chí quốc tế, đồng tác giả của 1 cuốn sách bằng tiếng Anh, 6 cuốn sách trong nước, tác giả của 20 bài tham luận tại hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế. Anh cũng là chủ nhiệm 1 đề tài khoa học nhà nước trọng điểm, chủ nhiệm 2 đề tài cấp Bộ, 2 đề tài cơ sở và là cộng tác viên của nhiều đề tài các cấp trong và ngoài Học viện.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực giảng dạy, thầy giáo Hoàng Văn Nghĩa đã tham gia tích cực vào việc xây dựng chương trình và giảng dạy, tập huấn và đào tạo cả ngắn hạn và dài hạn trực tiếp các học phần về quyền con người, tham gia hướng dẫn luận văn cao học….
Anh Hoàng Văn Nghĩa chia sẻ: “Quyền con người là một bộ môn khoa học, nhưng đồng thời cũng là một vấn đề chính trị, pháp lý nhạy cảm, phức tạp. Vì vậy, tôi luôn cố gắng rèn luyện phẩm chất chính trị và lập trường tư tưởng vững vàng và không ngừng tiếp thu các tri thức và kinh nghiệm quốc tế nhằm làm giàu tri thức chuyên môn trên lĩnh vực này. Tôi cũng đã tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phê phán các luận điệu vu cáo, xuyên tạc trên lĩnh vực nhân quyền, cũng như tham gia vào các hoạt động tham mưu, tư vấn chính sách và xây dựng pháp luật liên quan đến công tác dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo”.
Luôn đau đáu lời căn dặn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Thi đua là yêu nước, yêu nước là thi đua”, anh Hoàng Văn Nghĩa luôn không ngừng học hỏi, tu dưỡng, rèn luyện bản thân để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Anh luôn nghĩ làm thế nào để góp phần cổ vũ, lan toả phong trào thi đua của đơn vị và của Học viện. Với anh, “Một trong những phẩm chất của một công dân tốt đối với Tổ quốc là có tinh thần thi đua và phải luôn thực hành việc thi đua để qua đó tự tu dưỡng, hoàn thiện chính mình. Thi đua chính là hoạt động để chiến thắng mình, để vươn đến những tầm cao mới, đủ năng lực và phẩm chất, vững vàng về lập trường tư tưởng, quan điểm chính trị…”.
Với những thành tích đã đạt được, anh Hoàng Văn Nghĩa luôn khiêm tốn cho biết có được kết quả của cá nhân anh chính là nhờ tổ chức, thông qua tổ chức, là thành quả nỗ lực chung của đơn vị, của tổ chức.
Luôn tự hào là cán bộ của Học viện mang tên Bác Hồ kính yêu, với anh Hoàng Văn Nghĩa, thành tích lớn nhất mà phong trào thi đua đã mang lại cho anh chính là việc không ngừng tự hoàn thiện năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức và nhân cách, là sự vượt lên chính mình. Với ý nghĩa sâu sa đó, chỉ cần mỗi người có ý thức tự tu dưỡng, phấn đấu và rèn luyện không ngừng sẽ luôn luôn là một động lực và phần thưởng vô giá – đó cũng là tấm huy chương và bằng khen cao nhất cho tập thể và cá nhân.
Thầy giáo Hoàng Văn Nghĩa đã vinh dự là 1 trong 13 cá nhân được biểu dương tại Hội nghị Giao lưu điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua năm 2013 do Khối thi đua các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức./.
Nam Hải