Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2017, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm công tác lập hồ sơ sức khỏe cá nhân tại tỉnh Phú Thọ, Bắc Ninh. Theo kế hoạch, thành phố Hà Nội sẽ triển khai công tác này trong tháng Ba này.
Tại cuộc họp cung cấp thông tin cho báo chí do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức, chiều 21/2, ông Khoa nhấn mạnh, hồ sơ sức khỏe cá nhân sẽ giúp mỗi người dân có 1 hồ sơ sức khỏe duy nhất và thống nhất lưu trữ trong hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia.
Hồ sơ quản lý sức khỏe bao gồm các thông tin chung về nhân thân và một số thông tin tiền sử sức khỏe, bệnh tật phù hợp nhóm đối tượng chia theo độ tuổi: Trẻ em dưới 5 tuổi; Độ tuổi học đường (6-18 tuổi); Người trưởng thành (18-59 tuổi); Người cao tuổi (từ 60 tuổi); Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi).
Với hồ sơ quản lý sức khỏe này, người dân khi đi khám bệnh có thể dịch chuyển thông suốt trong hệ thống y tế, các thông tin về sức khoẻ người bệnh được cung cấp cho thầy thuốc nhanh chóng, chính xác. Bác sỹ có thể tìm được nhanh chóng các thông tin về sức khỏe của người bệnh, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, giảm bớt chi phí của mỗi người dân cho việc khám, chữa bệnh.
Việc quản lý sức khỏe toàn diện sẽ giúp người bệnh giải quyết sớm các bệnh thông thường tại tuyến dưới, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh nặng giúp giảm tải bệnh viện.
Phân tích lợi ích của vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chỉ rõ, việc chẩn đoán điều trị bệnh sỡm sẽ giảm bớt chi phí bảo hiểm y tế, đồng thời khi thông tin người bệnh thông suốt thì việc quản lý chi phí bảo hiểm y tế sẽ dễ dàng hơn, hạn chế việc gian lận, lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế./.
TTX