(TCTG) - Sáng nay, 26/6, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Cán sự Đảng Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Kết luận 234 – TB/TW của Bộ Chính trị khoá X về Báo cáo kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) về KH&CN và nhiệm vụ, giải pháp phát triển Khoa học và Công nghệ từ nay đến 2010.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Cùng với giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đã được Đảng ta xác định từ rất sớm là “quốc sách hàng đầu”. Đó là tầm nhìn xa, tư duy khoa học chiến lược. Sau 12 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII), nền KHCN nước ta đã có những bước phát triển mới, với những kết quả và thành công. Tuy nhiên, việc thực hiện các quan điểm, định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế và yếu kém cần khắc phục và tiếp tục triển khai đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020.
Quán triệt Hướng dẫn triển khai thực hiện Kết luận 234-TB/TW, đồng chí Phùng Hữu Phú, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định lại giá trị của Nghị quyết Trung ương 2 đã định hướng chiến lược phát triển KHCN trong thời kỳ CNH, HĐH từ rất sớm. Đồng chí cũng lưu ý, trong thời kỳ mới, trước bối cảnh khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới, đặt lại hàng loạt vấn đề về lý luận, càng cần phải nghiên cứu sâu, triển khai để nhân dân, cán bộ thấu hiểu sâu sắc các quan điểm của Nghị quyết Trung ương 2.
Đồng chí nhấn mạnh cần làm rõ 5 quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) về KH&CN: là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội; là nội dung then chốt trong mọi hoạt động của tất cả các ngành, các cấp; là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố quốc phòng – an ninh; là sự nghiệp cách mạng của toàn dân; phát huy năng lực nội sinh kết hợp với tiếp thu thành tựu khoa học và công nghệ thế giới; gắn với bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Đồng chí Phùng Hữu Phú cũng lưu ý một số điểm mới mà KL 234-TB/TW đã kịp thời bổ sung, làm sâu sắc thêm quan điểm của NQ Trung ương 2 về KH&CN trong tình hình mới. Đồng thời nhấn mạnh 4 giải pháp phát triển khoa học công nghệ: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và trình độ lãnh đạo của các cấp uỷ đảng và chính quyền đối với khoa học và công nghệ; Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh đổi mới tổ chức và quản lý khoa học và công nghệ; đẩy mạnh phát triển và hoàn thiện thị trường khoa học và công nghệ; Thể chế hoá nội dung về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức về khoa học và công nghệ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) “xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Bộ Khoa học công nghệ cũng đã đưa ra Chương trình hành động thực hiện Kết luận 234-TB/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ ngày 28/5/2009 được ban hành kèm theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương khoá X về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng. Chương trình xác định mục tiêu chung là nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học, năng lực sáng tạo và đổi mới công nghệ, tăng tỷ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ nhằm đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; tập trung xây dựng được một nền khoa học và công nghệ có trình độ trung bình tiên tiến trong vực, thực sự là động lực đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Chương trình của Bộ Khoa học và công nghệ cũng đã nêu 4 giải pháp chủ yếu:
Một là, tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh đổi mới tổ chức và quản lý khoa học và công nghệ;
Hai là, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, phát triển và hoàn thiện thị trường công nghệ.
Ba là, tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, thể chế hoá các nội dung liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức về khoa học và công nghệ
Bốn là, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.
TG