Thứ Hai, 25/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Năm, 18/6/2009 20:34'(GMT+7)

Truyền hình số thay thế truyền hình analog: chỉ là chuyện sớm muộn

Bản đồ tình hình số hóa truyền hình trên thế giới

Bản đồ tình hình số hóa truyền hình trên thế giới

Số hóa là tất yếu
 
Nói một cách đơn giản hơn chuyển đổi từ truyền hình analog sang truyền hình số là quá trình thay thế công nghệ truyền hình analog đã có tuổi đời đến 60 năm bằng công nghệ truyền hình số phát triển trên nền tảng công nghệ mới với nhiều ưu điểm hơn.
 
Quá trình chuyển đổi sang truyền hình số nói chung được đánh giá là rất phức tạp bởi nó yêu cầu phải thay đổi toàn bộ nền tảng cơ sở hạ tầng và thiết bị truyền hình. Đối với người dùng, sự chuyển đổi là phải đầu tư một chiếc TV số hay một bộ giải mã tín hiệu truyền hình số. Đài truyền hình thì phải thay thế công nghệ phát sóng, thiết bị truyền dẫn tín hiệu, sản xuất nội dung chương trình …
 
Quy mô chuyển đổi có sự khác nhau giữa các quốc gia. Có những quốc gia chỉ tiến hành chuyển đổi trên quy mô nhỏ với các đài truyền hình nhỏ như đã diễn ra tại Anh. Nhưng cũng có quốc gia đặt mục tiêu tiến hành chuyển đổi trên quy mô toàn quốc.
 
Ngoài ra còn có một số quốc gia thực hiện chuyển đổi từng bước, cho phép sự tồn tại song song cùng một lúc của cả truyền hình analog và truyền hình số. Tương lai khi mà truyền hình số ngày càng trở nên phổ biến hơn thì chắc chắn khi đó các dịch vụ truyền hình analog sẽ bị “khai tử”.
 
Sự thành công của việc chuyển đổi sang truyền hình số không chỉ phụ thuộc vào phạm vị quy mô chuyển đổi, số lượng các đài truyền hình tham gia, số lượng thiết bị truyền dẫn được thay thế … mà còn phải phụ thuộc vào số lượng người dùng còn đang phải sử dụng truyền hình analog.
 
Đối với những trường hợp này thường các nước sẽ có nhiều chính sách khuyến khích người dùng chuyển đổi sang sử dụng truyền hình số. Đối với các cơ quan quản lý thì đó có thể là chính sách khuyến khích – thậm chí đôi khi có thể là bắt buộc – chuyển đổi sang truyền hình số. Còn đối với đài truyền hình thì họ cũng có nhiều biện pháp khuyến khích khách hàng của mình tiến hành chuyển đổi.
 
Sự can thiệp vào sự chuyển đổi của các chính phủ thông thường là cung cấp một số vốn đầu tư nhất định cho các hãng truyền hình hoặc hỗ trợ chính người dùng đầu cuối trong đầu tư thiết bị mới. Nhìn chung sự can thiệp chỉ diễn ra khi chính phủ muốn hoàn toàn quá trình chuyển đổi vào một thời điểm xác định nào đó.
 
Hoàn tất chuyển đổi
 
Luxembourg là quốc gia đầu tiên trên thế giới hoàn tất thành công quá trình chuyển đổi thành công từ truyền hình analog sang truyền hình số. Ngày 01/09/2006 là ngày đánh dấu kỷ nguyên truyền hình số ở quốc gia.
 
Quốc gia thứ hai trên thế giới chuyển đổi thành công sang truyền hình số là Hà Lan. Ba tháng sau khi Luxembourg chuyển đổi thành công thì Hà Lan – ngày 11/12/2006 – cũng tuyên bố chuyển đổi thành công.
 
Có thể nói sự chuyển đổi sang truyền hình số của Hà Lan có rất nhiều thuận lợi. Tại thời điểm mà Hà Lan bắt đầu tiến hành chuyển đổi sang truyền hình số thì đã có tới 90% người dân nước này đang sử dụng truyền hình cáp. Người dùng hầu như không phải thay thế nhiều thiết bị đầu cuối. Nhờ đó mà sự chuyển đổi diễn ra nhanh chóng.
 
Phần Lan chính thức tuyên bố chuyển đổi thành công sang truyền hình số vào lúc 4 giờ sáng ngày 01/09/2007. Thực chất quốc gia này đặt mục đích tuyên bố chuyển đổi thành công vào lúc nửa đêm ngày 31/08/2007 nhưng đã phải hoãn lại ít giờ do một số trục trặc kỹ thuật phát sinh vào phút cuối.
 
Trên thực tế mặc dù nói là chuyển đổi thành công nhưng hệ thống truyền hình cáp của Phần Lan vẫn tiếp tục phát sóng analog đến hết tháng 2/2008 mới chính thức ngừng.
 
Việc chuyển đổi sang truyền hình số của Thụy Điển được tiến hành theo phương pháp chuyển đổi từng khu vực một. Điểm bắt đầu là đảo Gotland vào ngày 15/09/2009 và hoàn tất chuyển đổi ngày 15/10/2007 bằng việc chính thức ngừng vận hành bộ phận phát tín hiệu analog SVT1 ở Scania và Blekinge.
 
Tương tự Phần Lan, sau khi chuyển đổi thành công sang truyền hình số, Thụy Điển vẫn tiếp tục cho phép các đài truyền hình cáp được tiếp tục phát sóng analog.
 
Thụy Sĩ khởi động quá trình chuyển đổi sang truyền hình số ngày 24/07/2006 và hoàn tất quá trình chuyển đổi vào ngày 26/11/2007. Quá trình chuyển đổi sang truyền hình số của Andorra hoàn tất ngày 25/09/2007.
 
Quá trình chuyển đổi sang truyền hình số của Đức bắt đầu ở Berlin ngày 01/11/2002. Nhưng phải đến tận ngày 04/08/2003 thì Berlin mới hoàn tất được quá trình chuyển đổi. Các khu vực khác vẫn sử dụng hình thức phát sóng song song truyền hình số và analog. Đến ngày 25/11/2008 Đức hoàn tất việc chuyển đổi sang truyền hình số.
 
Mỹ là nước mới nhất tuyên bố hoàn toàn quá trình chuyển đổi sang truyền hình số. Quá trình chuyển đổi chính thức hoàn tất thành công ngày 13/06/2009 vừa qua.
 
Đang chuyển đổi
 
Trong khi danh sách các nước đã chuyển đổi thành công còn hạn chế thì danh sách các nước đang trong quá trình chuyển đổi cứ ngày một lại được bổ sung thêm những cái tên mới.
 
Trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2015 sẽ có thêm một loạt các quốc gia mới hoàn tất việc chuyển đổi sang truyền hình số. Cụ thể, đến cuối năm nay sẽ có thêm Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Ukraina và Na Uy sẽ gia nhập thêm vào danh sách những nước đã chuyển đổi thành công.
 
Úc, Slovenia, Croatia, Estonia và Tây Ban Nha hiện đã công bố kế hoạch sẽ hoàn tất quá trình chuyển đổi sang truyền hình số trong năm 2010. Nhưng năm 2011 mới là năm được mùa của truyền hình số thế giới với sự chuyển đổi thành công của nhiều nước lớn như Pháp, Canada, CH Séc, Hy Lạp, Serbia, Nam Phi và đặc biệt là Nhật Bản.
 
Song năm 2012 cũng không hề kém cạnh về số lượng các quốc gia đã lên kế hoạch chuyển đổi thành công sang truyền hình số - gồm Bulgaria, Hồng Kông, Hungary, Ireland, Italy, Ba Lan, Romania, Slovakia, và cái tên được chú ý nhiều nhất là Hàn Quốc.
 
Năm 2013 có một “đại gia” hoàn tất việc số hóa ngành truyền hình là Anh. Ngoài ra còn có thêm một cái tên khác là New Zealand cũng sẽ hoàn tất chuyển đổi trong năm đó.
 
Chưa thấy có quốc gia nào đặt mục tiêu chuyển đổi hoàn tất trong năm 2014 nhưng bước sang năm 2015 sẽ có thêm Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Nga. Năm 2016 mới chỉ thấy có Brazil đặt kế hoạch hoàn tất chuyển đổi.
 
Sau thời điểm 2016 thì phải bẵng đi tới 4 năm tiếp mới thấy có Colombia, Peru và hiện có thêm Việt Nam đặt kế hoạch “khai tử” truyền hình analog. Năm 2022 cso thêm Mexio. Áo, Kenya và nhiều nước khác hiện chưa công bố thời điểm sẽ hoàn tất việc chuyển đổi.
 
Số hóa là một xu hướng tất yếu trong ngành truyền hình thế giới nên chắc chắn sẽ ngày càng có thêm nhiều quốc gia khác đặt kế hoạch chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình số. Mục tiêu là cả thế giới được sử dụng truyền hình số.

(Theo VnMedia)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất