Thứ Sáu, 27/9/2024
Chính sách
Chủ Nhật, 27/12/2009 20:0'(GMT+7)

TS Đặng Kim Sơn: Phải phát triển sức nông dân

TS. Đặng Kim Sơn

TS. Đặng Kim Sơn

TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách & Phát triển Nông nghiệp, Bộ NN &PTNT, trao đổi xung quanh vấn đề này.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến không ít gia đình nông dân phải cắt giảm chi tiêu, nhất là những chi tiêu không thường xuyên. Để đánh giá mức độ ảnh hưởng này mới đây chúng tôi đã có cuộc điều  tra mang tên “Ảnh hưởng của suy giảm kinh tế đến lao động, việc làm và đời sống nông dân”. Trong đó có điều tra chi tiết đến ba khoản chi tiêu lớn của gia đình.

Thứ nhất, 68% số xã được điều tra có sự giảm chỉ tiêu về thịt cá ở gia đình và mức giảm trung bình là 18,5%.

Thứ hai, về chi tiêu cho mua sắm đồ dùng đắt tiền 65% số xã được đánh giá có sự giảm chi tiêu và mức độ giảm trung bình là 24%.

Thứ ba, về chi tiêu cho xây dựng, 52% xã được khảo sát có chi tiêu gia đình cho xây dựng giảm, với mức độ trung bình là 26%.

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả các chính sách hỗ trợ nông dân?

Ở Việt Nam, nông dân chiếm 60% tổng lao động và tạo ra 20% GDP; giá trị sản phẩm do nông dân làm ra chỉ bằng 1/3 so với bình quân sản phẩm đầu ra tính theo đầu người đối với mọi ngành nghề.

Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm và có những chính sách như xóa đói giảm nghèo có tác dụng rất tốt. Nó giúp cho số ít nông dân đói nghèo không bị trầm trọng hơn.

Bên cạnh đó, có những chính sách tác động không đồng đều như hỗ trợ tiền ăn tết cho nông dân nghèo, cho sinh viên vay vốn. Có những chính sách không rõ ràng như cho nông dân vay vốn mua máy móc và chính sách bồi hoàn cho người mất việc.

Theo đánh giá chung, các chính sách này chưa thật sự thành công.

Chính phủ đã ưu tiên dành 23.140 tỷ đồng để nông dân học nghề với mục tiêu mỗi năm sẽ có một triệu nông dân qua đào tạo. Ông quan niệm thế nào về một nông dân của thế kỷ 21?

Nông dân của thời đại này không chỉ có kỹ năng làm việc mới mà còn phải thay đổi phong cách làm việc, nếp sống. Họ phải biết kinh doanh nông sản, biết tính toán lợi ích ngắn hạn và dài hạn trên mảnh ruộng của mình.

Đào tạo nghề cho nông dân phải căn cứ vào những gì thị trường đang cần đang thiếu chứ không  không phải dạy theo những gì mình biết, mình có. Cần phải chú ý cả các nhu cầu phát triển khác của quá trình đô thị hóa và hội nhập.

Theo ông, chất lượng giáo dục đào tạo hiện nay có giúp hình thành nên những những người nông dân hiện đại?

Chất lượng giáo dục còn thấp thể hiện ở các bậc  học phổ thông, đại học và dạy nghề. Đa số nông dân vẫn làm nông nghiệp theo kiểu cha truyền con nối, dùng kinh nghiệm của cha ông để lại chứ chưa có được những kỹ năng sản xuất và quản lý hiện đại.

Sức lực nông dân đang giảm

Với 70 % dân số tập trung ở nông thôn, nhưng có vẻ như  cuộc vận động  “Người Việt Nam ưu tiên  dùng hàng Việt Nam” chưa quan tâm đúng mức tới thị trường rộng lớn  này?

Muốn thực hiện tốt chính sách này, phải có nguồn hàng hóa, chất lượng phải tốt. Bên cạnh đó, bản thân người tiêu dùng phải có sức mua, nghĩa là họ phải có nhu cầu.  Song cốt lõi của vấn đề là phải phát triển sức dân với việc làm phi nông nghiệp và phi nông nghiệp tại chỗ.

Sức lực nông dân đang giảm. Lần này đứng trước thách thức ở quy mô toàn cầu, nông nghiệp tuy cố vươn lên nhưng khác với hai lần khủng hoảng trước. Nhiều lao động nông thôn sẽ khó có việc làm, nông dân khó cải thiện được thu nhập.

Sản phẩm hàng hóa của Việt Nam tuy có thị trường nông thôn rộng lớn nhưng cư dân nông thôn không có tiền để mua sắm.

Muốn phát triển sức nông dân thì phải đầu tư cho tam nông. Nông thôn là địa bàn duy nhất xuất luôn cao hơn nhập nhưng tại sao Nhà nước  lại đầu tư cho công nghiệp và dịch vụ nhiều hơn, thưa ông?

Đầu tư cho nông nghiệp cho đến giờ là có lợi nhưng tính giá trị lợi nhuận thì thấp mà rủi ro lại cao do cơ sở hạ tầng thấp kém. Lực lượng lao động chất lượng cao không nhiều, lại vướng mắc một số thủ tục. Vì thế môi trường để các doanh nghiệp đầu tư vào là không thuận lợi.

Rất ít doanh nghiệp đầu tư dù biết rằng đầu tư cho nông nghiệp có hiệu quả hơn. Theo điều tra của Viện Chính sách & Phát triển Nông nghiêp, nếu đầu tư cho nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ 1% thì GDP của nông nghiệp là 1,2%, công nghiệp 0,64% và dịch vụ cũng là 0,64%.

Có kết quả như trên là do nông nghiệp có hệ số liên kết cao. Nông nghiệp tạo ra các ngành công nghiệp khác có sự liên kết chặt chẽ./.
 
(Theo: Hà Nguyên/TP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất