Tính đến chiều 16/6, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại 57 tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng số lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy hơn 2,5 triệu con. Hiện còn 6 tỉnh chưa có dịch gồm: Phú Yên, Bến Tre, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu và Tây Ninh.
Trước diễn biến phức tạp của DTLCP,
các địa phương đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng,
chống dịch bệnh này.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hưng Yên
cho biết, tỉnh đã có 10 xã công bố hết bệnh DTLCP. Mặc dù vậy,
tại các xã này vẫn tiếp tục khoanh vùng phòng, chống dịch, thường
xuyên rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng xung quanh khu vực chuồng nuôi
để tránh lây lan. Hiện nay, các hộ chăn nuôi đang áp dụng các
phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học nhằm tránh tình trạng
dịch tái phát.
Từ đầu tháng 2 đến nay, khi bệnh DTLCP
đã bùng phát và lây lan ra 151/161 xã, thị trấn, ban chỉ đạo phòng
chống dịch bệnh động vật các cấp ở Hưng Yên cùng với người chăn nuôi đã
tăng cường các biện pháp phòng chống, ngăn chặn và xử lý triệt để dịch
bệnh.
Ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục
phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp khoanh
vùng, chống dịch; nghiêm cấm việc tái đàn tại các hộ đã xảy ra dịch
khi tỉnh chưa công bố hết dịch.
Cùng với đó, tập trung chỉ đạo các trang
trại, cơ sở chăn nuôi tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh
học, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP; chăm sóc đàn lợn giống tốt, đảm
bảo an toàn dịch bệnh nhằm chủ động nguồn giống tốt để phát triển chăn
nuôi sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Khuyến khích và tạo điều kiện cho
người chăn nuôi chuyển đổi sang chăn nuôi thủy cầm, gia cầm, chăn nuôi
đại gia súc theo hướng an toàn sinh học và VietGAP.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội,
đến nay, DTLCP đã xảy ra tại 22.489 hộ thuộc 24 quận, huyện, thị xã,
với tổng số lợn bị mắc bệnh gần 375.000 con, gây thiệt hại cho người
chăn nuôi khoảng 620 tỷ đồng.
Để phòng, chống dịch, Hà Nội đã tập
trung mọi biện pháp để khống chế dịch bệnh, triển khai nhiều đợt tiêu
độc, khử trùng, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, cơ sở giết mổ…
Ngày 14/6 vừa qua, Sở NN&PTNT Hà Nội
tổ chức hội nghị bàn các giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững với
diễn biến bệnh DTLCP, trong đó, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, chăn
nuôi an toàn sinh học là biện pháp quan trọng nhất hiện nay để có thể
ngăn ngừa, kiểm soát bệnh dịch. Cùng với đó là khuyến khích các hộ chăn
nuôi tham gia vào trang trại, hợp tác xã, hạn chế tối đa việc chăn nuôi
nhỏ lẻ trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, dễ lây lan mầm bệnh.
Đến nay, tỉnh Cà Mau có
7 xã thuộc 5/9 huyện và thành phố xuất hiện bệnh DTLCP. Chủ tịch UBND
tỉnh Nguyễn Tiến Hải đã chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các địa
phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc phòng, chống bệnh dịch.
Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, giám sát
chặt chẽ tình hình bệnh dịch; quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc vận
chuyển, giết mổ, mua bán lợn và các sản phẩm từ lợn trên địa bàn. Đối
với những địa phương đã xuất hiện bệnh DTLCP, tổ chức dập dịch theo đúng
quy trình nhằm khống chế bệnh dịch lây lan ra diện rộng.
Ngành chăn nuôi và thú y tỉnh Cà Mau
khuyến cáo các hộ chăn nuôi phải tuân thủ thực hiện chăn nuôi an toàn
sinh học, không sử dụng thức ăn thừa chưa qua nấu chín cho lợn ăn, không
vứt xác lợn chết ra môi trường. Khi phát hiện đàn lợn nuôi bị bệnh,
chết phải nhanh chóng thông báo với chính quyền địa phương để kịp thời
hỗ trợ, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dịch có hiệu quả.
Bên cạnh đó, tỉnh nghiêm cấm việc vận
chuyển, giết mổ, mua bán, tiêu thụ lợn hơi và các sản phẩm từ lợn bị
bệnh, chết hoặc không có chứng nhận nguồn gốc và dấu kiểm soát của ngành
chăn nuôi và thú y.
Ngày 16/6, UBND tỉnh Long An
đã công bố bệnh DTLCP xuất hiện trên địa bàn. Theo đó, ổ dịch xuất hiện
tại hộ gia đình bà Phạm Thị Bảy, ngụ ấp Hậu Hòa, xã Đức Hòa Thượng,
huyện Đức Hòa.
Như vậy, Long An là tỉnh thứ 12 của ĐBSCL có bệnh DTLCP.
Hiện ngành nông nghiệp Long An đề nghị
địa phương tiến hành rà soát, nắm chính xác tổng đàn của từng hộ gia
đình thuộc huyện Đức Hòa; thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp xã
và tăng cường giám sát dịch bệnh trên địa bàn trong vòng bán kính 3 km.
Trường hợp phát hiện lợn có dấu hiệu
nghi mắc bệnh cần lập tức tiêu hủy; tăng cường công tác truyền thông về
dịch bệnh. Đối với các xã không có lực lượng thú y hoặc không có người
phụ trách thú y, các địa phương cử người phụ trách giám sát dịch bệnh,
nhất là tại các điểm có nguy cơ và thực hiện tiêu độc khử trùng ở các xã
đang bị dịch uy hiếp vào trong vùng dịch./.
VGP (tổng hợp)