180 hình ảnh tư liệu, hiện vật lịch sử được trưng bày tại Triển lãm “Đường Trường Sơn-Đường Chiến thắng” ở Đà Nẵng đã tái hiện cuộc chiến đấu cam go trên tuyến lửa Trường Sơn trong kháng chiến.
Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2019), Cục Chính trị Quân khu 5 tổ chức Triển lãm “ Đường Trường Sơn-Đường Chiến thắng” tại Bảo tàng Quân khu 5 vào ngày 16/5.
Với trên 180 hình ảnh tư liệu, hiện vật lịch sử, Ban Tổ chức triển lãm đã phân làm hai phần chính: “Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” và “Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh tiếp tục sứ mệnh quang vinh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.”
Các tư liệu, hình ảnh đã góp phần tái hiện một cách phong phú, chân thực cuộc chiến đấu cam go, quyết liệt trên tuyến lửa Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Từ yêu cầu tăng viện cho miền Nam đấu tranh, thống nhất đất nước, ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh.
“Đoàn quân sự đặc biệt” (sau đó gọi là Đoàn 559) được thành lập, có nhiệm vụ mở đường vào Nam, nhằm xây dựng tuyến chi viện chiến lược, vận chuyển vật chất, binh lực từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam.
Cũng chính từ đây, đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh huyền thoại chính thức được hình thành, xuyên qua 20 tỉnh thuộc 3 nước Đông Dương. Đường Hồ Chí Minh là khúc ruột nối các tuyến vận tải của hậu phương lớn miền Bắc, các tuyến vận tải của các chiến trường thuộc 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia, đã tạo nên hệ thống liên hoàn vững chắc, là mạch máu giao thông quan trọng với 5 hệ thống trục ngang dọc, 21 đường trục ngang ở Đông và Tây Trường Sơn.
Tổng chiều dài của tuyến đường gần 20.000km, một tuyến “kín” dài 3.140km; hệ thống đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400km.
Trong 16 năm (1959-1975), quân và dân đã chuyển được hơn 1 triệu tấn vật chất, vũ khí đến các chiến trường, vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường; góp sức và tiếp sức cho chiến trường đánh bại lần lượt các chiến lược chiến tranh xâm lược của địch, góp phần quyết định vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Thiếu tướng Hà Huy Long, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5, cho biết: Nói đến Trường Sơn là nói đến sự hy sinh, gian khổ, đồng thời cũng nói đến khát vọng “không có gì quý hơn độc lập, tự do” của con người Việt Nam.
Bất chấp sự hủy diệt của kẻ thù và những trở ngại, khó khăn do thời tiết, địa hình, các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn đã vượt qua muôn vàn gian lao, thử thách, dũng cảm, kiên cường để góp phần làm nên Đại thắng Mùa Xuân 1975.
Triển lãm “Đường Trường Sơn-Đường Chiến thắng” không những tái hiện công cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và nhân dân ta với kẻ thù mà còn tri ân công lao, cống hiến vô bờ bến của Bộ đội trường Sơn, trong đó có quân và dân Khu 5.
Từ đây, khơi dậy, cổ vũ, động viên, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường trong lực lượng vũ trang Quân khu và mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ra sức thi đua giành những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.
Nguyễn Sơn (TTXVN/Vietnam+)