Ngày 29/8, tại thành phố Huế, đã diễn ra triển lãm "Một số tư liệu về
tiến sỹ Việt Nam dưới các triều đại phong kiến" do Trung tâm Bảo tồn Di
tích Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn
Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức, thu hút đông đảo công chúng và khách du lịch
đến tham dự, thưởng lãm.
Triển lãm trưng bày nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý về bằng tiến
sỹ; sắc phong quan chức cho các tiến sỹ, các Nho sinh đỗ Tam trường, Tứ
trường; sắc phong tước hiệu cho gia đình các tiến sỹ, và một số tài liệu
khác liên quan đến tiến sỹ và các dòng họ khoa bảng ở Việt Nam.
Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho
biết các triều đại phong kiến Việt Nam đã cho xây dựng Văn Miếu (1070)
và mở trường Quốc Tử Giám (1076), cùng nhiều khoa thi qua các triều đại
dần hình thành và phát triển nền giáo dục khoa cử nho học Việt Nam.
Tính tổng cộng có 183 khoa thi đại khoa, từ khoa thi đầu tiên năm 1075
đến khoa thi cuối cùng năm 1919 đã tuyển chọn được 2.897 vị tiến sỹ nho
học, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân tài, xây dựng đất nước như lời khẳng
định của vua Lê Thái Tông "Muốn có được nhân tài, trước hết phải lựa
chọn kẻ sỹ, mà kén chọn kẻ sỹ, phải lấy thi cử làm đầu…"
Triển lãm lần này nhằm góp phần giới thiệu đến đông đảo công chúng và
khách du lịch trong và ngoài nước một cách nhìn khái quát và trân trọng
đối với vấn đề khoa cử, học vấn dưới thời quân chủ.
Hoạt động này cũng nhằm cổ vũ giới trẻ, khuyến khích các em tiếp tục
truyền thống hiếu học của cha ông, tiếp tục rèn luyện, phấn đấu để đưa
đất nước "sánh vai với các cường quốc năm châu" như lời Bác Hồ từng căn
dặn vào ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
cách đây vừa tròn 70 năm (năm 1945)./.
(TTXVN)