Chủ Nhật, 17/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 2/8/2009 22:42'(GMT+7)

Triển vọng hòa bình ổn định ở Sudan

Người dân Abyei chào mừng quyết định của Tòa án La Haye.

Người dân Abyei chào mừng quyết định của Tòa án La Haye.

Theo đường biên giới mới này, các giếng dầu chính là Heglig và Bamboo nằm ngoài khu vực Abyei và thuộc về chính quyền trung ương ở miền bắc của Sudan, một phần lãnh thổ phía Bắc, Tây, Đông của Abyei, gồm dải đất màu mỡ  khoảng 10.000 km2 cũng được phân lại cho chính quyền phía bắc.

Các nhà lãnh đạo miền bắc và miền nam Sudan cam kết tôn trọng quyết định của Tòa án La Haye. Người dân Abyei vui mừng chào đón sự kiện này vì đường biên giới của họ được phân định rõ ràng và phần lớn lãnh thổ vẫn thuộc về miền Nam, trong đó có thị trấn Abyei đất đai màu mỡ và có giếng dầu quan trọng Defra.

Liên Hợp quốc hoan nghênh quyết định trên, coi đây là giải pháp cho những tranh chấp kéo dài ở khu vực này. Ðặc phái viên LHQ tại Sudan A.Ca-di cho rằng, đây là quyết định mang lại thắng lợi cho cả hai phía nhằm thực hiện thỏa thuận hòa bình toàn diện ký năm 2005 giữa hai miền Nam-Bắc. Các nhà lãnh đạo từ hai miền đã chấp nhận việc phân chia này như một sự thỏa hiệp mặc dù Tổng thống miền nam Sudan S.Kiir bày tỏ thất vọng về một số điểm trong quyết định trên khi Abyei mất một số giếng dầu lớn.

Tuy nhiên, đối với người dân ở miền Nam, đường biên giới Abyei rất quan trọng vì người dân Abyei đã cam kết tổ chức trưng cầu ý dân vào tháng 1-2011 về việc họ có sáp nhập vào miền nam hay không, đồng thời người dân miền nam cũng sẽ bỏ phiếu để quyết định có trở thành quốc gia tự trị hay không theo Hiệp ước hòa bình đã ký giữa hai miền.

Cuộc nội chiến giữa Chính phủ của người A-rập Hồi giáo ở phía bắc và lực lượng nổi dậy Quân đội Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLA) của những người theo đạo Thiên chúa và thuyết vạn vật hữu linh ở miền nam Sudan bùng phát từ năm 1983 và kéo dài đến năm 2005. Xung đột đã làm hơn hai triệu người chết và bốn triệu người mất nhà ở.

Theo Hiệp định hòa bình toàn diện năm 2005 chấm dứt hơn 20 năm nội chiến, một chính phủ liên hiệp chia sẻ quyền lực được thành lập, hai bên thỏa thuận sẽ tổ chức các cuộc bầu cử vào năm 2010 và tổ chức  trưng cầu ý dân vào tháng 1-2011 về việc khu vực miền nam có trở thành quốc gia tự trị hay không.

Tuy nhiên, việc phân định đường biên giới ở khu tranh chấp Abyei giàu dầu mỏ vẫn chưa được giải quyết trong Hiệp định hòa bình toàn diện năm 2005 vì đây là vấn đề nhạy cảm. Cả miền Bắc và miền Nam Sudan đều tuyên bố Abyei, khu vực trung tâm nằm giữa biên giới hai miền trong nhiều thập kỷ qua, thuộc quyền kiểm soát của mình. Ðảng Ðại hội Dân tộc (NCP) của chính phủ miền Bắc đã bác bỏ đường biên giới được vẽ bởi một nhóm chuyên gia năm 2005. Tranh chấp đã đẩy căng thẳng lên tới đỉnh điểm khi quân đội miền Bắc và miền Nam  xung đột ở Abyei hồi tháng 5 năm ngoái, làm chết khoảng 100 người và buộc hàng chục nghìn người phải chạy nạn. Tháng 6-2008, hai bên đã thỏa thuận đưa vấn đề này lên Tòa án La Haye điều chỉnh đường biên giới đưa ra hồi năm 2005. Ngày 23-6 vừa qua, các nhà lãnh đạo hai miền nam-bắc của Sudan đã gặp nhau tại Washington (Mỹ) để đàm phán giải quyết tranh chấp cuối cùng.

Việc các bên ở Sudan cam kết tôn trọng quyết định của Tòa án La Haye được coi như bước giải quyết những tranh chấp kéo dài, mở ra triển vọng thúc đẩy thực hiện thỏa thuận hòa bình toàn diện ở quốc gia rộng lớn nhất châu Phi này. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái diễn xung đột ở khu vực trung tâm Abyei khi ảnh hưởng thật sự của tòa án quốc tế này đã bị giảm mạnh trong các cộng đồng người sống ở đây.

Sự phân chia mới đồng nghĩa với việc cả chính quyền ở miền Nam và các cộng đồng địa phương Dinka và Miseriya bị tước mất quyền lợi về dầu mỏ mà họ từng được bảo đảm trong Hiệp ước hòa bình năm 2005. Riêng người dân du mục Miseriya bị đe dọa mất vùng đất có nhiều đồng cỏ truyền thống. Thêm vào đó, khu vực tranh chấp Abyei cũng kéo dài một phần tới Dafur, nên nếu bạo lực tái phát ở Abyei thì khó có thể thiết lập một nền hòa bình và sự ổn định lâu dài ở Sudan, trong đó có Dafur, khu vực vốn xảy ra nhiều xung đột./.

(Theo: Nhân dân)


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất