Ngày 22/11, tại thủ đô Moskva của Liên bang Nga đã diễn ra cuộc hội thảo quốc tế "Tranh chấp trên Biển Đông và nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế" do Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Quỹ Quốc tế "Con đường Hòa bình" của Liên bang Nga và Trung tâm "Luật Hòa bình" phối hợp tổ chức.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia về luật, chuyên gia về
Biển Đông của Liên bang Nga, Việt Nam, Philippines và Ấn Độ. Đoàn Hội
Luật gia Việt Nam tham dự hội thảo do Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trần
Công Phàn dẫn đầu.
Giáo sư, Tiến sỹ luật Irina Umnova, Chủ tịch Quỹ Quốc tế "Con đường
Hòa bình" và Luật sư Edre Olalia - Chủ tịch chuyển tiếp, Ủy viên Thường
vụ Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Chủ tịch Liên minh Luật sư nhân
dân quốc gia Philippines đồng chủ trì cuộc hội thảo.
Hội thảo chia làm hai phần, phiên đầu cập nhật những diễn biến mới
nhất ở Biển Đông bao gồm các động thái pháp lý, đối ngoại và thực địa
tại Biển Đông trong giai đoạn 2019-2021, sự điều chỉnh chính sách của
các nước trong và ngoài khu vực đối với vấn đề Biển Đông trong thời gian
qua, cũng như những sự kiện và thay đổi trong môi trường quốc tế có
liên quan.
Các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến thú vị, đặc biệt trong số này
có tham luận của Giáo sư, Tiến sỹ Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm
ASEAN, Australia và châu Đại dương với những nhận xét sắc sảo về các
tranh chấp tại Biển Đông trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Phiên thứ hai chủ yếu tập trung thảo luận và đưa ra các giải pháp
nhằm tăng cường xây dựng lòng tin, thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên
Biển Đông, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982; thúc
đẩy các cơ chế hợp tác trong và ngoài khu vực để hỗ trợ giải quyết tranh
chấp và tránh leo thang căng thẳng trên Biển Đông.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Giáo sư, Tiến sỹ luật
Irina Umnova cho rằng: "Cuộc hội thảo này có ý nghĩa lớn… và điều quan
trọng đối với chúng ta hôm nay là việc khẳng định chúng ta ủng hộ Công
ước về luật biển, chúng ta ủng hộ việc làm việc theo luật pháp chung,
chúng ta tiếp tục lập ra các biện pháp an ninh cùng chung trách nhiệm ở
Biển Đông. Mặt khác chúng ta tiếp tục ủng hộ việc trong khuôn khổ ASEAN thúc đẩy việc thông qua Qui tắc ứng xử chung của các bên ở Biển Đông.
Hôm nay chúng ta cũng tìm kiếm cách tiếp cận, con được mới khác để giải
quyết những tranh chấp ở Biển Đông".
Trong khi đó luật sư Edre Olalia, Chủ tịch Liên minh Luật sư nhân dân
quốc gia Philippines nhận xét: "Hội nghị này rất hữu ích, nhiều thông
tin. Nó hữu ích cho không chỉ với các chính phủ hiện nay hay các quốc
gia tuyến bố chủ quyền mà điều quan trọng nhất là nó hữu ích với người
dân các quốc gia, bởi vì xét cho cùng, chính người dân bị ảnh hưởng bởi
tranh chấp. Chẳng hạn, như các ngư dân có thể bị ảnh hưởng đến sinh kế
của họ do tranh chấp. Và tất nhiên, vấn đề về tài nguyên cũng là một
điều quan trọng, với chúng tôi, những luật sư của nhân dân, chúng tôi
cho rằng cuối cùng vẫn cần tính đến người dân trên thế giới khi bạn tìm
giải pháp hoặc thậm chí đưa ra đề xuất để giải quyết tranh chấp".
Tiến sỹ Lại Thái Bình, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông,
Học viện Ngoại giao Việt Nam cho biết: Hợp tác quốc tế đóng vai trò rất
quan trong trong vấn đề Biển Đông.
Chính sách của Việt Nam rất nhất quán từ trước đến nay. Việt Nam luôn
chú trọng: Một là, phải kiên trì xử lý các tranh chấp, đặc biệt liên quan
đến chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình. Hai là, chú trọng giữ một môi trường hòa bình để phát triển.
Thứ ba là đảm bảo ổn định về chính trị xã hội, trật tự xã hội. Trong
tiến trình đó, tất cả các nước trên thế giới, bao gồm các nước trong và
ngoài khu vực đều có thể có những đóng góp tích cực.
Cũng theo Tiến sỹ Lại Thái Bình, các diễn đàn như ASEAN hoặc các diễn đàn khu vực khác là rất
quan trọng. Có thể nói, khi các tổ chức lớn hơn như
Liên hợp quốc ngày càng quan tâm đến vấn đề Biển Đông thì việc hợp tác
không chỉ trong khu vực mà là đa phương hoặc thậm chí là tiểu đa phương
đều có vai trò rất lớn trong việc giúp thúc đẩy phát triển và ổn định
hợp tác tại khu vực Biển Đông./.
TTXVN