Thứ Sáu, 4/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 16/9/2011 9:59'(GMT+7)

Triển vọng và thách thức kinh tế của Việt Nam

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Lạm phát cao, dự trữ ngoại tệ thấp và tiền đồng suy yếu là những quan ngại chính khiến Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2011 xuống còn 5,8%, so với mức dự báo 6,1% hồi tháng 4 năm nay. Theo ADB, Nghị quyết 11 – gói các biện pháp thắt chặt tài chính và tiền tệ đã góp phần trong ổn định tỷ giá ngoại hối, nâng cao dự trữ ngoại tệ và kiềm chế lạm phát trong 3 tháng gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm nếu quyết định nới lỏng các chính sách kinh tế vĩ mô bởi lạm phát vẫn ở mức cao. ADB dự báo, lạm phát năm nay sẽ ở mức 18,7% so với mức dự báo 13,3% hồi tháng 4. Sang năm 2012, lạm phát giảm dần và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn sẽ kích thích các nhà đầu tư và tăng niềm tin của người tiêu dùng. Những áp lực tăng đối với giá cả được dự đoán sẽ giảm, mặc dù lạm phát cả năm sẽ vẫn ở mức cao hơn so với dự báo trước đây. Hiệu quả đạt được đối với việc ổn định kinh tế sẽ phụ thuộc vào việc duy trì thắt chặt chính sách cho tới khi lạm phát thực sự dịu đi. Theo Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Tomoyuki Kimura, các nhà đầu tư và người dân sẽ có niềm tin hơn vào quản lý kinh tế nếu các chính sách và việc xây dựng chính sách mang tính rõ ràng, thống nhất và minh bạch hơn. Chính phủ cố gắng giảm lạm phát nhưng cần cẩn trọng khi cần bằng nỗ lực hỗ trợ ngân hàng và doanh nghiệp, tạo nên hệ thống cân bằng tài chính nói chung. Tình hình hiện nay người dân đang chuyển từ đồng Việt Nam sang đầu tư vàng. Do vậy, không nên hạ thấp lãi suất huy động nhanh quá, vì khi người dân cảm thấy lãi suất bù cho lạm phát thì mới giữ tiền đồng, mới góp phần ổn định tỷ giá và giảm lạm phát. Chính phủ cần điều chỉnh chính sách tiền tệ hợp lý, minh bạch trong thời điểm hiện tại mới thu hút đầu tư của nước ngoài.

Khôi phục, ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên trước mắt, nhưng việc giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng lạm phát cao đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn trong việc cải cách cơ cấu. Những cải cách này bao gồm việc giảm dần những nút thắt cổ chai trong sản xuất và lưu thông, bảo đảm an toàn cho ngành tài chính, tăng cường hiệu quả đầu tư công và áp đặt những nguyên tắc thị trường đối với doanh nghiệp lớn của Nhà nước. Những rủi ro chính đối với Việt Nam trong thời gian tới là chính sách tiền tệ hỗn hợp, vị thế tài khóa không rõ ràng. Hệ thống ngân hàng dễ bị tổn thương khi chất lượng tín dụng ngày càng giảm, cho vay ngắn hạn bằng USD tăng nhanh tạo áp lực đối với tỷ giá vào cuối năm. Việc thắt chặt chính sách kinh tế vĩ mô, sau một giai đoạn tăng trưởng tín dụng nhanh sẽ tạo ra áp lực đối với người vay và ngân hàng. Lạm phát của Việt Nam hiện đang ở mức cao nhất trong khu vực (trên 20%, so với mức bình quân ở các nước đang phát triển châu Á là 5,8%). Dự trữ ngoại hối ở mức thấp nhất trong khu vực. Tình hình kinh tế yếu kém ở Mỹ và cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu cũng là nhân tố có thể ảnh hưởng tiêu cực tới Việt Nam. Chuyên gia kinh tế của ADB Ông Dominic Mellor cho rằng, vốn đổ vào nền kinh tế Việt nam sẽ bị ảnh hưởng, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vì toàn bộ các nước châu Á đang cạnh tranh để thu hút nguồn vốn này. Các nước sẽ tiếp tục đổ tiền vào Việt Nam khi kinh tế ổn định vì nếu dòng tiền nóng đổ vào Việt nam sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế.

Tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm dự đoán cao hơn so với nửa đầu năm. Tuy nhiên, triển vọng ngắn hạn phụ thuộc nhiều vào việc Chính phủ thể hiện được cam kết tiếp tục hướng tới khôi phục và ổn định kinh tế vĩ mô. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, từ 2008, chúng ta liên tục điều chỉnh lãi suất, lãi suất cơ bản 9%, lãi suất tái cấp vốn 14%, tỷ giá hối đoái cứ giữ ở mức 1%, các chuyên gia nước ngoài dự báo tỷ giá hối đoái của nước ta rất cao. Từ khi phá tỷ giá 12%, nhưng cách đây 2 tháng quay lại cố định nó. Lạm phát đã đến đỉnh, chúng ta cần có những biện pháp hiệu quả từ phía doanh nghiệp và Chính phủ trong việc giảm lãi suất khi chúng ta kiểm soát được lạm phát.

Theo các chuyên gia kinh tế, để ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm chính sách tiền tệ ổn định thì 4 vấn đề cần được giải quyết trong những tháng cuối năm là: thực hiện kiên trì Nghị quyết 11 sẽ kiềm chế lạm phát và góp phần giảm lãi suất; cần có những chính sách rõ ràng, nhất quán và minh bạch để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư; cân bằng giữa nỗ lực hỗ trợ ngân hàng và các doanh nghiệp với nhu cầu bảo vệ giá trị tiết kiệm thực của người gửi tiền; ưu tiên trước mắt là khôi phục sự bình ổn, nhưng cần thực hiện các cải cách cơ cấu, nhằm giải quyết nguyên nhân cốt lõi của lạm phát cao.

Xuân Lan/ĐBND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất