Lâu nay, một vấn đề khá tế nhị không phải ai cũng muốn nói ra, nhưng dư luận vẫn băn khoăn - đó là việc tiếp tân, tiếp khách có xu hướng phô trương, hình thức, gây lãng phí nhất là ở cấp trung gian và cấp cơ sở.
Một thực tế thường thấy việc đón tiếp khách, nhất là khách cấp trên ở cơ sở mà ta có thể hình dung là: có băng rôn khẩu hiệu; phòng đón tiếp bài trí rất trang trọng; rồi sau đó thể nào cũng có “một bữa cơm thân mật” nhưng lại rất thịnh soạn, bày vẽ tốn kém… Những lễ nghi này dù là biểu hiện tình cảm trân trọng khách quý của địa phương nhưng nó cần được thực hiện một cách tiết kiệm do địa phương nói riêng, do đất nước chúng ta còn nghèo.
Có thể cho đây là biểu hiện của “bệnh” hình thức, phô trương, không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của địa phương mình, đồng thời gây ra sự lãng phí không cần thiết.
Để góp phần xây dựng, thực hiện nếp sống văn hóa nơi công sở và triệt để tiết giảm chi tiêu công - một nội dung quan trọng trong Nghị quyết 11/NQ-CP Chính phủ, xin đề xuất một số giải pháp về việc tiết kiệm trong hoạt động lễ tân và đón tiếp khách.
Trước hết cần làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các địa phương và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ trung ương đến cơ sở hiểu biết đầy đủ ý nghĩa, vai trò của công tác lễ tân, đón tiếp khách nơi công sở. Trên cơ sở đó, cần xác định và bảo đảm việc đón tiếp khách đúng nghi lễ, quy định mà vẫn thể hiện được nét đẹp văn hóa ứng xử theo phong tục, truyền thống của địa phương, đơn vị mình.
Hai là tiếp tục đổi mới quan niệm “hiếu khách”. Việc “hiếu khách” là cần thiết và nên duy trì, nhưng cần chú trọng cải tiến hình thức, phong cách để cho việc tiếp đón khách được nhẹ nhàng, giản dị hơn, bớt rườm rà, phô trương mà vẫn thể hiện phép lịch sự, đúng nghi lễ, làm hài lòng khách và tránh được sự phiền hà cho những người tổ chức đón tiếp khách và cấp dưới.
Ba là mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương trên cơ sở những quy định chung của công tác lễ tân Nhà nước, cần cụ thể hóa những hình thức, nội dung, biện pháp và cách thức đón tiếp khách vừa bảo đảm trang nghiêm, trọng thị, vừa triệt để thực hành tiết kiệm… để ngăn chặn, phòng chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động lễ tân và đón tiếp khách.
Bốn là đối với các đoàn cán bộ, đoàn kiểm tra cấp trên khi đi kiểm tra, làm việc ở địa phương, cơ quan cấp dưới (không kể đoàn công tác của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các đoàn khách quốc tế quan trọng) cần xác định thành phần gọn nhẹ, thời gian hợp lý, nội dung làm việc, kiểm tra thiết thực, bảo đảm hiệu quả; tránh dây dưa, kéo dài khi đến địa phương, cơ sở làm việc, kiểm tra.
Năm là trong quá trình làm việc, phục vụ các đoàn cán bộ cấp trên đến thăm và kiểm tra, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch đón tiếp với thành phần thật cần thiết nhằm khắc phục cho được tình trạng “Khách ba, chủ nhà bảy” như đã từng diễn ra ở không ít địa phương trong thời gian qua.
Sáu là những người đứng đầu cơ quan với tư cách là chủ tài khoản, cần phải nêu cao trách nhiệm trong việc xem xét, ký duyệt các khoản chi tiêu phục vụ hoạt động lễ tân và đón tiếp khách; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc cơ quan văn phòng, hành chính, hậu cần và những bộ phận liên quan thực hiện nghiêm túc việc chi tiêu tiết kiệm, hợp lý trong hoạt động lễ tân và đón tiếp khách.
Bảy là cơ quan kiểm toán phối hợp với Kho bạc Nhà nước, cơ quan tài chính các cấp tích cực kiểm toán, kiểm tra, rà soát các khoản chi tiêu trong hoạt động lễ tân, đón tiếp khách của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước; kiên quyết không “hợp pháp hóa”, “hợp lý hóa” các khoản chi tiêu không đúng nguyên tắc, mục đích sử dụng trong hoạt động này.
Tám là có thể xác lập cơ chế, chế tài và đề ra quy định yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước phải minh bạch hóa, công khai hóa các khoản chi tiêu lễ tân và đón tiếp khách để nhân dân, công luận giám sát, góp phần ngăn ngừa những tiêu cực có thể xảy ra.
Theo Nguyễn Hải/Chinhphu.vn