Ngày 15/1, Triều Tiên đã yêu cầu Hàn Quốc và Mỹ hủy cuộc tập
trận chung thường niên giữa hai nước này, dự kiến sẽ được bắt
đầu trong tháng tới.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời phát ngôn viên
của Ủy ban Tái thống nhất Hòa bình Triều Tiên (CPRK) cho rằng việc Hàn
Quốc và Mỹ thông báo tiến hành tập trận chung "tương đương tuyên bố
một cuộc chiến tranh hạt nhân."
Phát ngôn viên của CPRK nêu rõ Bình Nhưỡng "nghiêm khắc cảnh báo Mỹ
và Hàn Quốc không được tiến hành các cuộc tập trận có thể khiến tình
hình bán đảo Triều Tiên cũng như quan hệ giữa hai miền Triều Tiên trở
thành thảm họa."
Hồi đầu tháng này, Triều Tiên đã từ chối đề xuất của Tổng
thống Hàn Quốc Park Geun-hye về việc nối lại hoạt động tổ
chức đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong Chiến tranh Triều
Tiên (1950-1953) nhân dịp Tết Nguyên đán sắp tới, với lý do hoàn
cảnh không thích hợp để tổ chức đoàn tụ do các cuộc tập trận của
Hàn Quốc.
Mỹ hiện diện quân sự tại Hàn Quốc kể từ sau Chiến tranh Triều
Tiên, với quân số hiện nay là 28.500 binh sĩ. Hai nước tiến
hành tập trận chung hàng năm với quy mô không cố định.
Triều Tiên cáo buộc các cuộc tập trận này là "diễn tập cho một
cuộc xâm lược." Từ cuối tháng Hai đến tháng Tư tới, Hàn Quốc và
Mỹ có kế hoạch tiến hành cuộc tập trận mô phỏng trên máy tính
mang tên "Key Resolve" và tiếp đó là cuộc tập trận trên thực
địa mang tên "Foal Eagle."
Trong một động thái phản ánh các diễn biến khó lường tại khu vực Đông
Bắc Á, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates mới đây tiết lộ, sau vụ
đấu pháo trên đảo Yeonpyeong hồi năm 2010, Seoul đã có ý định tấn
công trả đũa ồ ạt vào các mục tiêu ở Triều Tiên.
Phóng viên TTXVN tại Washington trích dẫn những thông tin được tiết lộ
trong cuốn hồi ký mới xuất bản của ông Gates mang tên “Nhiệm vụ: Hồi
ức của một bộ trưởng trong thời chiến” (Duty: Memoirs of a Secretary
at War), cho biết sau vụ nã pháo của Triều Tiên ngày 23/11/2010 để phản
đối cuộc tập trận bắn đạn thật của Hàn Quốc, chính phủ của Tổng thống
Hàn Quốc thời đó là ông Lee Myung-Bak đã tăng cường triển khai quân và
khí tài quân sự mới gồm tên lửa, radar và máy bay trực thăng trên đảo
Yeonpyeong với ý định thực hiện một đòn tấn công trả đũa ồ ạt, không
kích và pháo kích vào các mục tiêu của Triều Tiên.
Nắm được ý đồ này, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Mỹ hồi đó,
bà Hillary Clinton, đã liên tục điện đàm với những người đồng cấp Hàn
Quốc nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.
Kết quả, Chính phủ Hàn Quốc đã rút bỏ kế hoạch tấn công trả đũa Triều
Tiên. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc cũng đã góp phần
làm giảm tình trạng căng thẳng trên đây.
Tuy nhiên, khi được truyền thông Mỹ phỏng vấn, phát ngôn viên của
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã từ chối xác nhận thông tin trên.
Vụ đấu pháo trên đảo Yeonpyeong xảy ra vào chiều 23/11/2010, ngay sau
khi hải quân Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận bắn đạn thật ở vùng biển
gần Triều Tiên.
Hai binh sĩ Hàn Quốc và một số cư dân trên đảo đã thiệt mạng,
căn cứ quân sự và một số tòa nhà trên đảo bị phá hủy trong vụ đấu pháo
này./.
(TTXVN)