(TG) - Trong 4 tháng đầu năm cả nước giải quyết việc làm cho trên 484.000 lao động; đưa trên 44.000 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị giao ban công tác xã hội và người có công 4 tháng đầu năm 2019 do Bộ Lao động- Thương binh và xã hội vừa tổ chức mới đây.
Theo đó, trong 4 tháng đầu năm, toàn ngành đã thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động, giải quyết việc làm và XKLĐ, ước 4 tháng đầu năm cả nước đã tuyển sinh trên 490.000 người. Trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp gần 63.000, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác trên 427.000.
Ngành đã theo dõi, nắm bắt tình hình lao động để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cung ứng lao động, không để xảy ra tình trạng thiếu lao động, nhất là sau tết; triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ tạo việc làm; phát triển thị trường lao động trong và ngoài nước; ước 4 tháng cả nước đã giải quyết việc làm cho trên 484.000 lao động; đưa trên 44.000 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị quý 1 là 3,11%.
Cùng đó, các nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, tiền lương, cải thiện quan hệ lao động, quản lý người lao động đang làm việc tại Việt Nam; thực hiện ưu đãi người có công với cách mạng; bảo trợ xã hội; bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới; phòng chống tệ nạn xã hội; cải cách hành chính; kiện toàn tổ chức bộ máy; hợp tác quốc tế; thanh tra, kểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí… đều được ngành Lao động- Thương binh và xã hội triển khai đồng bộ và có nhiều tiến bộ so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cũng thẳng thắn chỉ rõ, các lĩnh vực công tác của ngành cũng còn những tồn tại, hạn chế. Đó là, công tác quản lý lao động và dự báo cung - cầu lao động còn hạn chế; ý thức tuân thủ pháp luật lao động - việc làm của một số người sử dụng lao động và người lao động còn chưa cao, ảnh hưởng đến thực thi pháp luật.
Vẫn còn tình trạng người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài bỏ hợp đồng, nhất là tại Đài Loan. Đối tượng tham gia BHXH có tăng nhưng tốc độ còn chậm; tình trạng nợ đọng, chây ỳ đóng BHXH vẫn tiếp diễn làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động.
Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chồng chéo, phân tán, trùng lắp ngành, nghề đào tạo, chưa có cơ chế bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau sắp xếp ở các địa phương. Còn nhiều trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước thương tâm; tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em gia tăng so với cùng kỳ 2017. Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.
Vì vậy, để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chủ yếu trong những tháng còn lại, Bộ yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Lao động – Thương binh và xã hội tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng các đề án đảm bảo chất lượng, tiến độ theo Chương trình công tác năm 2019 của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và của Bộ; Tập trung chỉ đạo thực hiện phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, năm 2019: Trọng tâm là đột phá về nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động đồng bộ và hiệu quả, ưu tiên thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội và giảm nghèo; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, hợp tác quốc tế./.
TX