(TG) - Quý I/2023, toàn quốc đã xảy ra 2.346 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.436 người, bị thương 1.578 người. Tai nạn giao thông đầu năm giảm ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an và Cục Hàng hải Việt Nam, trong quý I năm 2023 (tính từ ngày 15/12/2022 đến 14/3/2023), toàn quốc xảy ra 2.346 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.436 người, bị thương 1.578 người. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 428 vụ (-15,43%), giảm 258 người chết (-15,23%), giảm 148 người bị thương (-8,57%).
Trong đó, đường bộ xảy ra 2.319 vụ, làm chết 1.417 người, bị thương 1.574 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 424 vụ (-15,46%), giảm 230 người chết (-13,96%), giảm 145 người bị thương (-8,44%).
Về nguyên nhân, có 14,71% do người điều khiển phương tiện đi sai làn đường, phần đường; 7,71% do chuyển hướng không chú ý; 0,26% do dừng đỗ sai quy định; 3,83% do vượt xe sai quy định; 2,16% do sử dụng rượu bia, chất kích thích có cồn; 2,11% do người đi bộ sang đường sai quy định; 1,72% do vi phạm tốc độ; 0,18% do sử dụng ma túy, chất gây nghiện; 0,09% do phương tiện không đảm bảo ATKT; 0,04% do công trình giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn; 32,95% các nguyên nhân khác và 34,23% chưa khác định được nguyên nhân.
Đường sắt, xảy ra 20 vụ, làm chết 13 người, bị thương 4 người. So với cùng kỳ năm trước tăng 2 vụ(11,11%), tăng 1 người chết (8,33%), giảm 2 người bị thương (-33,33%). Đường thuỷ xảy ra 4 vụ, làm chết 4 người, bị thương 0. So với cùng kỳ năm trước giảm 8 vụ (-66,67%), giảm 21 người chết (-84%), giảm 1 người bị thương (-100%).
Theo nội dung báo cáo của Văn phòng Bộ Công an và Cục Hàng hải Việt Nam, giao thông hàng hải, xảy ra 3 vụ, làm chết 2 người, bị thương 0. So với cùng kỳ tăng 2 vụ (200%), giảm 8 người chết và mất tích (-80%), số người bị thương không thay đổi (0/0).
Trong quý 1/2023, Hà Nội xử lý hơn 74.900 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. (ảnh minh họa)
Về lĩnh vực hàng không dân dụng, đã nhận 100 báo cáo an toàn bắt buộc (Mandatory Occurrence Report), xảy ra 23 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn (02 mức C và 21 mức D), không xảy ra sự cố nghiêm trọng. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 35,3% tổng số tai nạn, sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn.
Nguyên nhân của tình trạng tai nạn giao thông một phần là bởi hiệu lực thực thi pháp luật ở một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ… một phần là bởi tình trạng xe ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hoá lên phương tiện, khiến cho hàng hoá bị rơi xuống đường, gây mất an toàn giao thông nhưng chưa được xử lý triệt để.
Quý II/2023, các bộ, ngành địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt 08 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ nội dung công điện bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp lễ 30/4 và 01/5/2023; Bộ Giao thông vận tải xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề án chính sách về an toàn giao thông; Bộ Công an rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến giao thông để kiến nghị xây dựng phương án tổ chức lại giao thông theo từng tuyến, nhất là các tuyến giao thông phức tạp để kịp thời khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, giải quyết các “điểm đen”, các tuyến giao thông phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Bộ Quốc phòng phối hợp chặt với lực lượng chức năng trên địa bàn, tham gia hướng dẫn, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Các tỉnh, thành phố có tai nạn giao thông tăng cao trong quý I cần tổ chức kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của các địa bàn, lĩnh vực để xảy ra tai nạn giao thông tăng, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông,…/.
Thanh Xuân