Trưng bày đặc sắc này góp phần giới thiệu đến công chúng gần 200 tài
liệu, hiện vật có niên đại từ đầu công nguyên tới thời Nguyễn gồm tranh, tượng
Phật, trang trí kiến trúc chùa tháp, đồ thờ cúng, nhạc khí... Qua đó, khái quát
những nét đặc trưng và giá trị đặc sắc của di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam,
góp phần bảo tồn, phát huy và tôn vinh văn hóa dân tộc.
Gần 200 tài liệu,
hiện vật được trưng bày, giới thiệu theo các nội dung thể hiện sự hình thành
phát triển của Phật giáo nước ta từ 10 thế kỷ đầu công nguyên; Thời Lý-Trần;
Thời Lê sơ-Mạc; Thời Lê Trung Hưng-Tây Sơn và thời Nguyễn.
Nội dung đầu
tiên trưng bày các tài liệu, hiện vật thể hiện sự hình thành, phát triển của
Phật giáo Việt Nam từ thời khởi nguyên tại trung tâm Phật giáo Luy Lâu, lan tỏa
ra khu vực đồng bằng Bắc Bộ và văn hóa Phật giáo ở vùng Champa cổ đại ở miền
Trung, văn hóa Óc Eo ở miền Nam.
Phần trưng bày di sản văn hóa Phật giáo
Lý-Trần thể hiện sự phát triển rực rỡ, để lại nhiều dấu ấn đậm nét trên nhiều
lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, ở giai đoạn này, ngoài các thiền phái du
nhập vào Việt Nam trước đó, có một dòng thiền Việt Nam đã xuất hiện là thiền
phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập.
Sự ra đời của Thiền phái
Trúc Lâm mang ý nghĩa lớn về tính độc lập, tự chủ của dân tộc ta. Thời kỳ này,
chùa chiền mọc lên ở khắp nơi, trong đó có nhiều ngôi chùa quốc tự như chùa Báo
Thiên, chùa Dạm, chùa Phật Tích, chùa Thầy, chùa Phổ Minh, chùa Bối
Khê...
Sau thời Lý-Trần, Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống và là
nền tảng để xây dựng mọi thể chế chính trị, xã hội. Đạo Phật với sức sống mãnh
liệt vẫn được các tầng lớp nhân dân ta tin theo.
Thời Lê sơ, dấu tích mỹ
thuật Phật giáo hiện còn rất ít nhưng đến thời Mạc đã có dấu hiệu phục hưng với
hàng trăm công trình chùa tháp được tu sửa, làm mới.
Đến thời Lê Trung
Hưng- Tây Sơn thì ngày càng có nhiều ngôi chùa được trùng tu và xây mới, trong
đó có nhiều kiệt tác điêu khắc. Đặc biệt, trong phần trưng bày này, Bảo tàng
Lịch sử quốc gia giới thiệu tới công chúng một bảo vật quốc gia đặc biệt là
chiếc trống đồng Cảnh Thịnh, đúc vào thời Tây Sơn 1800.
Ngoài giá trị
lịch sử, văn hóa tiêu biểu phản ánh trình độ tư duy, sáng tạo, quan niệm nhân
sinh, nghệ thuật thời Tây Sơn, trống đồng Cảnh Thịnh còn cho thấy sự bảo tồn,
lưu giữ truyền thống đúc, sử dụng trống đồng là biểu tượng linh thiêng của người
Việt cổ từ hàng ngàn năm trước đó.
Phật giáo thời Nguyễn đã để lại cho
dân tộc ta một khối di sản văn hóa khổng lồ với hàng ngàn ngôi chùa kéo dài từ
Bắc tới Nam được trùng tu, hàng loạt bộ kinh Phật được in khắc, nhiều bộ tranh
thờ Phật giáo bằng nhiều chất liệu...
Trưng bày chuyên đề "Văn hóa Phật
giáo Việt Nam" diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (25 Tông Đản, Hà Nội) đến
hết tháng 8/2013 để đông đảo công chúng trong và ngoài nước cùng thưởng thức./.
TG