Thứ Năm, 7/11/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 8/6/2018 10:35'(GMT+7)

Trưng bày chuyên đề  “Văn học - Nghệ thuật trong kháng chiến (1945-1954)”

Tháng 2/1943 Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã thảo luận và thông qua “Đề cương về văn hóa Việt Nam” - Cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng. Những nội dung tư tưởng của Đề cương đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa cách mạng, là định hướng quan trọng cho sự ra đời nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những quan điểm quan trọng về văn hóa thể hiện trong “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đã dần được bổ sung, hoàn thiện theo yêu cầu của các giai đoạn phát triển cách mạng sau này.


Hoạt động biểu diễn của các nhạc sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. (Ảnh BTC)

Gần 200 hình ảnh, hiện vật, hình ảnh, bản trích, bản viết đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Văn học Việt Nam được trưng bày thành hai phần: 

Phần thứ nhất, Đề cương về văn hóa Việt Nam và đường lối văn hóa của Đảng: Giới thiệu ý nghĩa của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943), những nhận xét, đánh giá của học giả, nhà văn hóa, văn nghệ sỹ; một số văn kiện của Đảng nói về văn hóa văn nghệ.

Hiện vật tiêu biểu: Bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do đồng chí Trường Chinh soạn thảo được Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương thông qua tháng 2/1943 và được đăng toàn văn trên Tạp chí Tiên Phong số 1 do Cơ quan vận động Văn hóa Mới thuộc Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam xuất bản, ra ngày 10/11/1945; tác phẩm “Nhật ký trong tù” năm 1943 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các trang văn xuôi có ghi chép những suy nghĩ của Người về xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới; Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng...

Phần thứ hai, Văn học- Nghệ thuật trong kháng chiến (1945-1954): “Đề cương về văn hoá Việt Nam” đã chắp cánh cho các hoạt động sáng tạo của các nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ ngày càng phong phú và sắc bén, họ luôn bám sát nhiệm vụ cách mạng, phản ánh sắc sảo, sinh động đời sống thực tiễn đấu tranh của quân - dân, kịp thời động viên, cổ vũ toàn dân, toàn quân thi đua tăng gia sản xuất, giết giặc lập công, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Các văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Pháp ở Thái Nguyên. (Ảnh BTC)

Hiện vật tiêu biểu: Nhóm hiện vật là những kỷ vật của các văn nghệ sĩ; Sưu tập hiện vật về các tác phẩm văn học của các tác giả (Tú Mỡ, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi…); Nhóm tranh cổ động và những bản nhạc thời kì kháng chiến...

Trưng bày góp phần giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu hơn giá trị soi đường, tác dụng định hướng của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” những cống hiến của các văn nghệ sĩ lớp đầu tiên đã tiếp nhận những nội dung, tư tưởng của Đề cương; qua đó nhận thức đúng hơn nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn mới.

Trưng bày diễn ra đến hết tháng 9/2018, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, 216 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm Hà Nội./.

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất