"Tháp Mười đẹp nhất hoa sen / Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ". Nhiều người không biết hai câu thơ nổi tiếng này là của nhà thơ Bảo Định Giang nên chỉ coi đấy là ca dao mà không biết "bản quyền" tác giả thuộc về một nhà thơ bác học.
(Ảnh minh họa)
Mấy năm trước, có công trình nghiên cứu văn học dân gian in lại gần như nguyên xi một tác phẩm thơ đương đại của một nhà thơ nổi tiếng. Nhưng không phải là "đạo văn" mà là sự ghi chép lại từ trong dân gian. Bài thơ được dân gian ưa thích, nhập tâm, truyền khẩu rồi đi vào cuộc sống dân gian như một lẽ tự nhiên.
Không nên trách cứ các nhà sưu tầm, bởi đó là hiện tượng "dân gian hóa" được môn học folklore (trí tuệ dân gian) coi như là một quy luật của sự gặp gỡ, đồng cảm giữa nội dung tư tưởng tác phẩm và tâm lý tiếp nhận của độc giả. Bài ca dao "Cày đồng đang buổi ban trưa"… diễn tả rất đúng hình ảnh người nông dân Việt lam lũ cần cù và tính cách luôn trân trọng biết ơn những người "một nắng hai sương" làm nên thành quả lao động, đúng với đạo lý truyền thống văn hóa dân tộc "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây"…
Nhưng truy về nguồn gốc thì bài ca dao ấy có tứ thơ, tình thơ, cảnh thơ từ bài thơ "Mẫn nông" của tác giả Lý Thân (780-846) đời Đường (Trung Quốc). Nằm trong quá trình tiếp biến, ảnh hưởng, giao lưu văn hóa, bài thơ đã được "Việt hóa" đến mức ít người nghi ngờ về gốc gác của nó.
Những tác giả có tác phẩm được "dân gian hóa" chắc rất tự hào vì mấy ai đã có tác phẩm đi sâu, chinh phục trái tim bạn đọc được như vậy. Nhưng cũng có thể có phần "ngậm ngùi" bởi tự nhiên mất đi "bản quyền"!
Khác với "đạo văn" thường xảy ra sự giống nhau ở các văn bản bác học, thì "dân gian hóa" từ văn bản bác học đi vào dân gian. "Dân gian hóa" bao giờ cũng có độ "khúc xạ" (còn "đạo văn" thì không) bởi tâm hồn, tính cách dân gian. Ví như bài ca dao "Cày đồng"... và bài thơ "Mẫn nông" của Lý Thân. Bài thơ này được nhà thơ Khương Hữu Dụng dịch sát như sau: "Xới lúa, trời đứng bóng/ Mồ hôi đổ xuống ruộng/Ai biết cơm trong mâm/ Hạt hạt đều cay đắng" (Thơ Đường. Nam Trân tuyển chọn, 1962. Nxb Văn hoá, tập 1, tr 192). Cũng là trồng lúa, nhưng trên văn bản ngôn từ cho thấy "Mẫn nông" thuộc "văn minh lúa khô" còn bài ca dao của ta là đặc trưng cho "văn minh lúa nước".
Hiện tượng "dân gian hóa" cho thấy bất cứ tác giả bác học nào cũng phải học hỏi vốn tri thức, đề tài, thi liệu đến cách cảm, cách nghĩ ở dân gian - nơi nguồn mạch văn hóa vĩ đại, bất diệt và không bao giờ vơi cạn.
Văn học là nghệ thuật ngôn từ, mà đã gọi là "nghệ thuật" thì phải trên mức thông thường, độc đáo, không lặp lại. Bình thường ấy là cái chết của nghệ thuật (Huygô). Nghệ thuật là quy luật sáng tạo của những tài năng mang dấu ấn cá nhân rất rõ nên thường hiếm hoi, không phổ cập, không đại chúng.
Văn học để ca tụng ngâm vịnh chơi bời vui vẻ, xét một cách nghiêm ngặt đấy chưa phải là nghệ thuật và ai cũng có thể trở thành "tác giả". Linh hồn của văn học là cá tính. Nhưng tại sao hầu như ở mọi nền văn học, trong hoàn cảnh cụ thể người ta vẫn dùng khái niệm "văn học đại chúng" để chỉ một bộ phận văn học có tính nghệ thuật không cao nhưng tác động không nhỏ vào tiến trình văn học?
Ở phương Tây cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là rõ nhất khi xuất hiện một bộ phận văn học giải trí được in với số lượng lớn. Từ "đại chúng" lấy từ tiếng Latinh (massa) có hai nghĩa sản xuất hàng loạt và tiêu dùng rộng rãi. Vì lẽ này văn học đại chúng luôn gắn liền với các phương tiện truyền thông đại chúng, để giúp quảng bá, để lôi kéo…
Văn học đại chúng không lấy chất lượng làm đầu mà lấy số lượng là cứu cánh, bán được càng nhiều càng tốt, cố gắng nắm bắt và thoả mã tâm lý tiêu dùng thực dụng nhất. Dĩ nhiên là giá bán "tác phẩm" thường rẻ. Thể loại ưa chuộng nhất là "tiểu thuyết" với đa dạng các thể tài như kinh dị, kỳ ảo, trinh thám, phiêu lưu, tình yêu ảo não… được viết với văn phong gay cấn hoặc mùi mẫn, khêu gợi…
Không chỉ ở phương Tây thời ấy, mà càng gần đây ở nhiều nước cũng có văn học đại chúng được thể hiện dưới nhiều dạng như sách ngôn tình, sách "chưởng", sách kiếm hiệp... Thậm chí có lúc có nơi văn học đại chúng phát triển mạnh tạo ra những xu hướng mới, thị hiếu mới rất đáng suy ngẫm, có khi trở thành trào lưu văn học có bạn đọc, có dư luận, thậm chí lại tác động tức thời tới xã hội. Nhưng cũng đúng với quy luật đào thải của nghệ thuật, chỉ có tác phẩm đích thực mới sống cùng thời gian còn không sẽ tự đi vào im lặng.
Ngay với một nhà văn nếu không nghiêm khắc với chính mình, chạy theo thị hiếu một bộ phận độc giả, chạy theo số lượng, không quan tâm tới chất lượng nghệ thuật…cũng có thể trở thành "tác giả" của văn học đại chúng bất cứ lúc nào.
Hiện tượng dân gian hoá và đại chúng hoá là hai con đường ngược chiều nhau cho ta một bài học về sáng tạo: nhân dân là cái nôi nuôi dưỡng cũng đồng thời là nơi phán xét nghiêm khắc và công bằng nhất với nghệ thuật./.
Nguyễn Thanh Tú (Văn nghệ Công an)