Thứ Sáu, 20/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 3/12/2014 22:23'(GMT+7)

Trưng bày “Góc nhìn Việt Nam – Việt Nam đầu thế kỷ 20 qua tư liệu ảnh của Viện Viễn Đông Bác Cổ”

Tượng môn thần Dvarapala khi còn ở Phật viện Đồng Dương  (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử VN cung cấp)

Tượng môn thần Dvarapala khi còn ở Phật viện Đồng Dương (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử VN cung cấp)

Gần 60 bức ảnh độc đáo được lựa chọn từ kho lưu trữ của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã được lựa chọn trưng bày. Nguyên bản những bức ảnh do chính các học giả, nhiếp ảnh gia của EFEO thực hiện bằng phương pháp cổ điển, chụp trên phim kính tráng bromua bạc, phim âm bản trên các máy khổ lớn và máy ảnh khổ trung. Các bức ảnh đã được xử lý số hóa và phục hồi hình ảnh.

Nội dung trưng bày gồm 4 nhóm ảnh:

Nhóm thứ nhất, Khảo cổ học giới thiệu những bức ảnh ghi lại quá trình tác nghiệp khảo cổ học, trùng tu di tích của các học giả Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Việt Nam trong đó ghi nhận những phát hiện quan trọng về khảo cổ học thuộc văn hóa Champa và văn hóa Óc Eo.

 

Khách tham quan phòng trưng bày tại buổi khai mạc.

Nhóm thứ hai, Xây dựng các bảo tàng, gồm tư liệu ảnh về các bảo tàng mà EFEO đã xây dựng. Từ khi thành lập đến khi rời khỏi Đông Dương, EFEO đã xây dựng được tám bảo tàng trong khu vực, riêng ở Việt Nam có năm bảo tàng và trong đó có Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngày nay.

Nhóm thứ ba, Cuộc sống ở Việt Nam đầu thế kỷ 20, giới thiệu những hình ảnh các nghi lễ nông nghiệp, những lễ hội đảm bảo sự gắn kết giữa các thế hệ, là những buổi lễ tưởng nhớ các vị thành hoàng làng, tục thờ cúng tổ tiên, nghi lễ tang ma hay những cảnh sinh hoạt đời thường như Tết Trung thu, cảnh sinh hoạt ở phố Hà Nội. Đây là phần có số lượng ảnh chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong trưng bày và ảnh thuộc đề tài này cũng chiếm số lượng nhiều, quan trọng nhất trong kho tư liệu ảnh của EFEO.

Nhóm thứ tư, Lễ tế đàn Nam Giao, giới thiệu những hình ảnh tư liệu của lễ tế đàn Nam Giao được thực hiện dưới thời Bảo Đại năm thứ 14 (1939). Lễ tế đàn Nam Giao luôn được triều Nguyễn duy trì đều đặn hàng năm vào mùa xuân, sau đó bị gián đoạn và được vua Nguyễn tổ chức lại cứ ba năm một lần tế lễ Trời Đất.

 

Ngôi mộ cổ ở Lạch Trường, Thanh Hóa - nơi đã phát hiện nhiều đồ vật quý

Để làm phong phú thêm, phòng trưng bày còn sử dụng gần 50 hiện vật tiêu biểu hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, được thể hiện thành 2 nhóm: Nhóm hiện vật là các dụng cụ tác nghiệp của các học giả EFEO đã sử dụng trước đây và nhóm hiện vật là những tác phẩm, công trình nghiên cứu; những hiện vật tiêu biểu tìm thấy ở các di tích thuộc các nền văn hóa: Hòa Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc eo, Champa mà EFEO phát hiện ở Việt Nam.

Trưng bày ảnh Góc nhìn Việt Nam – Việt Nam đầu thế kỷ 20 qua tư liệu ảnh của Viện Viễn Đông Bác Cổ dựa trên cơ sở những tư liệu ảnh đã được giới thiệu trong trưng bày mang tên "Objective Vietnam" tại Bảo tàng Cernuschi, Paris (Pháp) từ ngày 14/3 - 9/6/2014, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp.

Trưng bày Góc nhìn Việt Nam – Việt Nam đầu thế kỷ 20 qua tư liệu ảnh của Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia kéo dài đến tháng 03/2015./.

Vân Khánh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất