Giới thiệu những nội dung trưng bày, ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum khẳng định: Bên cạnh việc quảng bá, giới thiệu văn hóa - du lịch, thông qua trưng bày, triển lãm chuyên đề “Di sản Văn hóa và Sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn”, tỉnh Kon Tum mong muốn định vị thương hiệu các sản phẩm du lịch của địa phương, sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh Kon Tum; xây dựng hình ảnh mới về Kon Tum với khát vọng vươn lên dựa trên nền tảng văn hóa, sự đoàn kết thống nhất trong đa dạng.
Trưng bày, triển lãm chuyên đề lần này, tỉnh Kon Tum muốn giới thiệu một cách khái quát về văn hóa, thiên nhiên và những sản phẩm du lịch tỉnh Kon Tum đến đông đảo nhân dân Hà Nội, nhân dân cả nước cũng như khách quốc tế thông qua 200 hiện vật bao gồm: các nông cụ lao động; dụng cụ săn bắn, đánh bắt; đồ dùng sinh hoạt gia đình; ghè (ché), nồi đồng; trang phục, trang sức; nhạc cụ; tài liệu khoa học... Trình diễn nghề thủ công truyền thống: nghề làm gốm của người Ba Na; nghề nhuộm sợi, dệt vải dân tộc Xơ Đăng; đan lát; chế tác dụng cụ săn bắn, đánh bắt và chế tác nhạc cụ; nghề rèn. Trình diễn các làn điệu dân ca, múa xoang, cồng chiêng, các nhạc cụ truyền thống.
Cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống ngày càng được chú trọng, quan tâm. Đến nay, Kon Tum đã có hơn 223 di tích, trong đó có 05 di tích cấp Quốc gia, 15 di tích cấp tỉnh, 01 di tích đặc biệt và 202 di tích đang hoàn chỉnh hồ sơ trình các cấp thẩm định đang đề nghị xếp hạng.
Bảo quản hơn 1.800 bộ cồng chiêng, hàng chục loại nhạc cụ gõ, nhạc cụ hơi của các dân tộc thiểu số tại chỗ, bảo tồn và phục dựng được 28 lễ hội truyền thống, khôi phục nghệ thuật diễn xướng sử thi, diễn tấu cồng chiêng nhất là các bài chiêng cổ, chiêng lễ, chiêng hội của từng dân tộc, bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc được chú trọng. Và, các loại nhạc cụ dân tộc, trình diễn các thể loại dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Hát K’đò, Đọ Ka Panh, Cha Pơ Le của dân tộc Giẻ - Triêng; điệu ting ting, hát A Cheo (Hát giao duyên) của dân tộc Xơ Đăng; Gia Rai, Ba Na có điệu H’rí, H’Vơng… Sự phong phú, đa dạng, sự hấp dẫn ở cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số ở Kon Tum và Tây Nguyên nói chung đã góp phần tạo nên vườn hoa muôn màu, muôn sắc trong cái nôi văn hóa Tây Nguyên. Tỉnh Kon Tum luôn quan tâm, bảo tồn, phát huy và làm phong phú hơn nền văn hóa đa dân tộc, góp phần đưa văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi cùng các yếu tố về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo nên nguồn tài nguyên hết sức đa dạng và thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, Tỉnh Kon Tum có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm 2/3 diện tích tự nhiên, với độ che phủ của rừng chiếm 62,3% đã tạo nên nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại và có giá trị to lớn về y tế và kinh tế như: Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Ngũ Vị tử, Đương Quy, Lan Kim Tuyến, Sa nhân, Trinh nữ hoàng cung, Ý dĩ và các loại nấm dược liệu, v.v... Đặc biệt, sâm Ngọc Linh được biết đến là cây đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh, được Dược sĩ Đào Kim Long và đoàn điều tra dược liệu Ban Dân y Quân khu 5 phát hiện tại vùng Ngọc Linh tỉnh Kon Tum vào năm 1973, từ đó đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học khẳng định Ngọc Linh là một loại sâm quý hiếm trên thế giới, đến nay đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận sản phẩm Quốc gia. Chính vì những giá trị kinh tế, giá trị dược liệu đặc hữu, quý hiếm, sâm Ngọc Linh trong tự nhiên đã bị khai thác gần như cạn kiệt, đặt ra thách thức không nhỏ trong việc bảo tồn nguồn gen quý hiếm cũng như phát triển thương mại hóa sản phẩm để tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Để giới thiệu tiềm năng và những thành tựu đạt được trong công tác bảo tồn, phát triển dược liệu địa phương, trong đợt triển lãm lần này, tỉnh Kon Tum cũng tổ chức giới thiệu về các dược liệu quý, các sản vật của núi rừng Kon Tum, đặc biệt là Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các sản phẩm từ sâm.
Có thể nói rằng cả Thế giới chỉ có nước Việt Nam, cả nước chỉ có 02 tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam là vùng có cây sâm Ngọc Linh.
Đội nghệ nhân Gia Rai thôn Plei Sar, thành phố Kon Tum trình diễn cồng chiêng. Ảnh: BTC
Đến nay, đã có rất nhiều nghiên cứu về việc di thực giống sâm Ngọc Linh đến các vùng khác nhau ở cùng điều kiện độ cao và yếu tố sinh thái khác nhưng vẫn chưa có nghiên cứu nào mang lại kết quả như mong muốn. Như vậy có thể khẳng định sâm Ngọc Linh là cây bản địa Việt Nam, đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh, nơi có đỉnh Ngọc Linh cao 2.800 m, có rừng nguyên sinh cùng với sự phong phú của hệ động, thực vật với các điều kiện tự nhiên đặc biệt phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh.
Do những tính chất đặc biệt nổi trội của cây sâm Ngọc Linh và giá trị kinh tế của loại dược liệu này, trên thị trường đang trở nên “nóng bỏng” với giá trị sử dụng được xem là vượt trội hơn so với các loại Sâm trên thế giới, đến nay cây sâm đã trở thành cây trong danh mục sách đỏ của Việt Nam (năm 1994). Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển diện tích sâm đang trở nên cấp bách, không chỉ để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, mà còn bảo tồn được nguồn gien quý hiếm của đất nước.
Lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Di sản Văn hóa và Sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn” vào lúc 08h00 ngày 20/01/2019 tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia (Số 216 Trần Quang Khải, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội)./.
Thanh Xuân