Tháng 12 vừa qua, tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Cairo (Ai Cập) lần thứ 40, bộ phim "Người vợ ba" của đạo diễn Nguyễn Phương Anh tiếp tục nhận giải thưởng "Đóng góp nghệ thuật xuất sắc nhất", nâng số giải thưởng quốc tế của phim lên tới 4 giải.
Cũng trong năm qua, những bộ phim như "Cô Ba Sài Gòn", "Song
Lang", "Ở đây có nắng" hay trước đó là "Đảo của dân ngụ cư", "Cha cõng
con"... cũng lần lượt được vinh danh tại các LHP quốc tế. Tuy nhiên,
trái ngược với sự tưng bừng ở nước ngoài, những bộ phim này lại không
tạo được cơn sốt ở thị trường trong nước như kỳ vọng.
Với những người yêu điện ảnh thì thông tin phim Việt được vinh danh
tại các LHP quốc tế thực sự là niềm vui và tràn đầy tự hào. Giải thưởng
mà bộ phim "Người vợ ba" nhận được gần đây nhất tại LHP Quốc tế Cairo
lần thứ 40 đã một lần nữa khẳng định sức hút của bộ phim trong mắt khán
giả quốc tế.
Được biết, LHP Quốc tế Cairo là sự kiện hàng năm do Bộ Văn hóa Ai Cập
tổ chức và được đánh giá là một trong những LHP lớn và có uy tín trên
thế giới. LHP năm nay quy tụ sự tham gia của 160 bộ phim đến từ 59 quốc
gia. Có thể nói, "Người vợ ba" là một trong số những bộ phim Việt giành
được khá nhiều giải thưởng tại các LHP quốc tế.
Trước đó, bộ phim đã nhận được một số giải thưởng như "Phim
Châu Á xuất sắc nhất" tại LHP Quốc tế Toronto (Canada); giải "Phim hay
nhất tại phần thi quốc tế" của LHP quốc tế Kolkata (Ấn Độ) lần thứ 24.
Bộ phim tiếp tục đoạt giải tại LHP San Sebastian lần thứ 66 ở Tây Ban
Nha vào cuối tháng 9, ở hạng mục "TVE - Cái nhìn khác" - giải thưởng tôn
vinh các bộ phim liên quan đến giới nữ, có nghệ sĩ nữ viết kịch bản,
đạo diễn hay đóng chính.
Điều đặc biệt, phim "Người vợ ba" là sản phẩm đầu tay của nữ đạo diễn
Nguyễn Phương Anh. Phim lấy bối cảnh Việt Nam thế kỷ XIX, dựa trên một
câu chuyện có thật kể về cuộc đời của cô bé Mây phải bước vào cuộc hôn
nhân sắp đặt khi mới 14 tuổi.
Phim phản ánh những giằng xé, khát vọng, trăn trở của cô gái sống
trong giai đoạn xã hội mà vai trò của người đàn ông vẫn luôn được đề cao
hơn phụ nữ. Một trong những lý do khiến phim "Người vợ ba" chiếm được
cảm tình của nhiều Ban giám khảo LHP quốc tế, ngoài tài năng của đạo
diễn Nguyễn Phương Anh phải kể tới sự cộng tác của vợ chồng đạo diễn
Trần Anh Hùng (vai trò cố vấn nghệ thuật) và Trần Nữ Yên Khê (diễn
viên). Đây là những nghệ sĩ Việt kiều đã từng có những tác phẩm điện ảnh
mang đậm dấu ấn sáng tạo được khán giả trong và ngoài nước ghi nhận.
Năm 2018 được coi như năm bội thu của phim Việt trên đấu trường quốc
tế vì ngoài "Người vợ ba" còn có "Song Lang", "Cô Ba Sài Gòn" cũng được
vinh danh tại các LHP quốc tế lớn, nhỏ. Đầu tháng 11 vừa qua, LHP Quốc
tế Tokyo đã tổ chức lễ trao giải thưởng tôn vinh những bộ phim và diễn
viên xuất sắc tham dự LHP này. Diễn viên Liên Bỉnh Phát - người vào vai
Dũng "thiên lôi" trong "Song Lang" - đã vinh dự được nhận giải thưởng
"Tokyo Gemstone Awards" (Viên ngọc quý Tokyo) cùng 2 diễn viên Nhật Bản
khác.
Trước đó, vào đầu tháng 9, Điện ảnh Việt Nam tham dự LHP Châu Á -
Thái Bình Dương lần thứ 58 tổ chức ở Đài Loan (Trung Quốc) với 5 bộ phim
"Đảo của dân ngụ cư", "Cô Ba Sài Gòn", "Em chưa 18", "Cô gái đến từ hôm
qua" và "Khi con là nhà".
Theo đó, bộ phim "Đảo của dân ngụ cư" của nữ đạo diễn Hồng Ánh nhận
được 2 giải thưởng gồm "Best story - Câu chuyện sáng tạo nhất" và nữ
diễn viên Ngọc Thanh Tâm được vinh danh tại hạng mục "Giải đặc biệt của
giám khảo" dành cho diễn viên xuất sắc.
Cũng tại LHP này, phim "Cô Ba Sài Gòn" của Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn
được giải "Trang phục đẹp nhất". Đồng thời, bộ phim cũng được nhà sản
xuất NgôThanh Vân quyết định đưa đi tham gia Oscar 2019 ở hạng mục "Phim
nói tiếng nước ngoài hay nhất".
Mặc dù là bộ phim được sản xuất từ năm 2016 nhưng đầu tháng 11 vừa
qua, tại LHP Efebo d'Oro (Ý), vượt qua nhiều ứng cử viên nặng ký, bộ
phim "Đảo của dân ngụ cư" lại một lần nữa rinh về giải thưởng. Đây là
giải thưởng điện ảnh quốc tế được tổ chức bởi Trung tâm nghiên cứu điện
ảnh và văn chương Ý với mục đích trao giải cho các dự án điện ảnh xuất
sắc được chuyển thể từ tác phẩm văn học.
Trước đó, bộ phim này từng nhận được 8 đề cử tại LHP Quốc tế ASEAN và
nhận được giải "Bộ phim xuất sắc nhất", "Nam diễn viên chính xuất sắc
nhất" và "Đạo diễn hình ảnh xuất sắc nhất". Ngoài ra, phim còn lọt vào
vòng tranh giải tại LHP quốc tế Brisbane 2017 (Úc)...
Trong hành trình "đem chuông đi đấm xứ người" của điện ảnh Việt, danh
sách các bộ phim được vinh danh còn được nối dài bởi "Ở đây có nắng"
với giải thưởng "Phim Việt hay nhất" tại LHP Quốc tế ý tưởng mới tại San
Francisco (Mỹ) 2018.
Đây là bộ phim đầu tay của đạo diễn trẻ Đỗ Nam và cũng là đánh dấu sự
trở lại của đạo diễn Việt Linh trong vao trò biên kịch. Bộ phim về đề
tài gia đình này trước đó cũng được đề cử tranh giải "Phim nổi bật nhất"
trong khuôn khổ LHP Thiếu nhi quốc tế Seoul Guro vào tháng 5 - 2018.
Tháng 11, phim cũng được trình chiếu lại LHP quốc tế châu Á - Barcelona.
Có thể thấy, phim Việt được vinh danh tại các giải thưởng quốc tế
không phải là ít. Thậm chí có những bộ phim như "Người vợ ba", "Đảo của
dân ngụ cư" được xướng tên ở nhiều LHP khác nhau, với nhiều hạng mục
khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết những bộ phim này lại nhận được thái độ
khá hờ hững của khán giả trong nước.
|
“Ở đây có nắng” chinh phục giải thưởng LHP quốc tế bởi câu chuyện về tình cha con cảm động
|
Trong số đó, "Người vợ ba" là bộ phim được khá nhiều giải thưởng
nhưng vẫn xa lạ với khán giả trong nước vì dự kiến 2019 mới ra rạp. Việc
phim có tạo được "cơn sốt" phòng vé hay không vẫn còn ở thì... tương lai.
Còn những bộ phim khác, dường như các giải thưởng quốc tế cũng không
giúp cho lượng khán giả đến với phim nhiều hơn. "Song Lang" là một ví
dụ điển hình.
Bộ phim nhận được hiệu ứng tích cực của khán giả ngoài nước nhưng khi
công chiếu trong nước, khán giả đến với phim khá thưa thớt. Phim được
những người làm nghề đánh giá tốt về mặt nghệ thuật và không ít người
lên mạng xã hội kêu gọi khán giả ủng hộ phim Việt, ủng hộ những nỗ lực
của một đạo diễn trẻ nhưng "Song Lang" vẫn không có được doanh thu phòng
vé như kỳ vọng.
"Đảo của dân ngụ cư" cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trước khi tham
gia các LHP quốc tế, phim đã tham dự LHP trong nước, được truyền thông
quảng bá nhưng vẫn thua về mặt doanh thu. Phim chủ yếu chiếu trong khuôn
khổ các LHP cho giới truyền thông và những người làm nghề. Phim "Cha
cõng con" từng đại diện Việt Nam tham dự Oscar 2018, mang về giải thưởng
tại LHP Boston (Mỹ), LHP Quốc tế Milano (Ý)... nhưng không tạo được
tiếng vang với dư luận trong nước ngoài những lùm xùm xung quanh việc
đạo diễn trả lại giải thưởng Cánh diều.
Tình trạng phim được giải thưởng quốc tế nhưng khán giả trong nước
thờ ơ diễn ra thường xuyên. Có hay không sự lệch pha giữa "gu" thưởng thức
của khán giả trong nước với quan điểm của các Ban giám khảo các LHP?
Một trong những nguyên nhân là do khâu truyền thông của những bộ phim
này vẫn chưa được coi trọng. Vốn dĩ, những bộ phim thiên về nghệ thuật
vẫn bị mặc định là kén khán giả lại càng cần có cách truyền thông đổi
mới, phù hợp để khán giả biết tới phim nhiều hơn. Tuy nhiên, có một thực
tế, một số bộ phim khi tham gia các LHP Quốc tế thuộc về các nhà làm
phim độc lập. Do đó kinh phí hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân
khiến họ khó có thể đổi mới trong công tác quảng bá, truyền thông.
Ngoài ra, những bộ phim ăn khách tại thị trường điện ảnh trong nước
hiện nay đều có một quy tắc chung là phim thiên về giải trí, tức là
những yếu tố có khả năng "câu khách" phải đậm đặc như nội dung vui vẻ,
hài hước, có diễn viên ngôi sao...
Những yếu tố này hoàn toàn vắng bóng trong các bộ phim nghệ thuật
tranh giải quốc tế. Ranh giới giữa phim nghệ thuật và phim thương mại ở
Việt Nam còn quá lớn mà các nhà làm phim chưa có khả năng xóa nhòa.
Có ý kiến cho rằng, mỗi một LHP có một tiêu chí khác nhau. Những giải
thưởng mà các bộ phim nhận được cho thấy sự ghi nhận của LHP đó với nét
độc đáo mà bộ phim mang tới. Tuy nhiên, để khán giả trong nước yêu
thích lại là một câu chuyện khác. Điện ảnh Việt vẫn rất cần những bộ
phim chinh phục được cả khán giả trong nước và quốc tế./.
Khánh Thảo (Văn nghệ Công an)