Chủ Nhật, 13/10/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 31/7/2011 18:4'(GMT+7)

Trung Cận Đông - Lo ngại làn sóng Hồi giáo cực đoan

Cuộc biểu tình lớn tại Ai Cập ngày 29/7 do các lực lượng Hồi giáo tổ chức.

Cuộc biểu tình lớn tại Ai Cập ngày 29/7 do các lực lượng Hồi giáo tổ chức.

Hồi giáo cực đoan Ai Cập hồi sinh

Thủ đô Cairo, Ai Cập, ngày 29/7 đã chứng kiến cuộc biểu tình được xem là lớn nhất kể từ sau đợt biểu tình lớn lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak hồi tháng 2. Hàng trăm ngàn người đã tham gia vào cuộc biểu tình theo lời kêu gọi của các nhóm Hồi giáo.

Ngoài ra, các cuộc biểu tình có quy mô nhỏ hơn cũng đã diễn ra tại nhiều vùng, nhất là tại El-Arich, phía Bắc bán đảo Sinai. Tại Quảng trường Tahir, trung tâm thủ đô Cairo, người biểu tình đến từ khắp nơi trong cả nước đã tập trung đòi giới hữu trách gia tăng tiến độ cải cách và thực thi công lý. Đáng chú ý là nhiều người còn giương biểu ngữ ủng hộ thiết lập một Nhà nước Hồi giáo. Cuộc biểu tình này diễn ra theo sáng kiến của nhóm Anh em Hồi giáo.

Nhiều nước lo ngại tổ chức này ngày càng thiên về xu hướng cực đoan, nhất là khi họ tham gia chính phủ. Các nhóm Hồi giáo cực đoan thời hậu Mubarak như nấm sau mưa đã bắt đầu trỗi dậy. Ngoài nhóm Anh em Hồi giáo còn có các nhóm từng gây ra nhiều vụ khủng bố như Gamma al Islamiya, nhóm thánh chiến Hồi giáo Ai Cập, Jihadists, Salafists…

Những người tổ chức biểu tình ủng hộ dân chủ trong cuộc biểu tình lật đổ Tổng thống Mubarak giờ đây phải đối phó với lực lượng Hồi giáo cực đoan muốn đưa Ai Cập đi theo mô hình nhà nước Hồi giáo với luật Sharia. Hầu hết lực lượng này đều tẩy chay cuộc biểu tình ngày 29/7.

Còn nhớ năm 1979, lực lượng biểu tình đã lật đổ chế độ độc tài thân Mỹ nhưng sau đó lực lượng Hồi giáo chính thống (trong đó không ít có tư tưởng cực đoan) mới là người đưa Iran trở thành nước Hồi giáo.

Mỹ đứng chung chiến hào với Hồi giáo cực đoan?

Hơn ai hết, Mỹ rất lo ngại xu thế nhiều nước láng giềng của Israel chuyển sang Hồi giáo cực đoan, đe dọa đến đồng minh quan trọng của Mỹ. Điều lo lắng hơn là lực lượng Al Qaeda sẽ tận dụng xu thế này để đẩy mạnh hoạt động của họ.

Mới đây, Ayman al-Zawahri, người được cho là thay thế Osama Bin Laden làm thủ lĩnh Al Qaeda, đã xuất hiện trên băng ghi hình. Ông này tuyên bố ủng hộ những người biểu tình chống chính phủ Syria. Đây cũng chính là mục tiêu của Al Qaeda trong các cuộc biểu tình tại nhiều nước Arab nhằm tìm một chỗ đứng trong lực lượng đối lập với các chính phủ trong trường hợp họ bị lật đổ. Al-Zawahri cũng cảnh báo những người biểu tình tại Syria chớ có tin rằng Tổng thống Barack Obama và nước Mỹ luôn bên cạnh họ. Theo ông, nước Mỹ muốn lật đổ Tổng thống Syria Assad để thay thế bằng một nhà cầm quyền khác thân Mỹ và bảo vệ lợi ích của Israel.

Tại Yemen và Libya, lực lượng Hồi giáo cực đoan và Al Qaeda có thể đã trà trộn vào lực lượng đối lập sẵn sàng tạo ảnh hưởng sau khi các chính phủ sụp đổ.

Bài viết trên mạng Global Research.ca, giáo sư Peter Dale Scott cho rằng Mỹ từng làm đồng minh với Hồi giáo cực đoan ở nhiều nơi trên thế giới, mới nhất là tại Libya. Trong Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia đối lập (TNC), lực lượng đối lập tại Libya mà Mỹ và phương Tây ủng hộ có nhóm Kháng chiến Hồi giáo Libya (LIFG). Nhóm này từ hơn 10 năm qua đã chiến đấu chống chính phủ của ông Gaddafi. Hầu hết thành phần của LIFG là những tay súng từng chống lực lượng Liên Xô ở Afghanistan. Họ cũng có liên hệ với Al Qaeda. Năm 2007, phương Tây từng chỉ thẳng LIFG tham gia Al Qaeda vào ngày 3/11/2007. Chính vì vậy, sau khi nhiều vùng của chính phủ Libya rơi vào tay của TNC, nhiều người dân bị hãm hiếp, cướp bóc và bị đuổi khỏi nhà.

Chưa kể là Mỹ đã hậu thuẫn nhiều lực lượng Hồi giáo cực đoan tại Trung Á để giảm ảnh hưởng của Nga./.

(Theo: Khánh Minh/SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất