Theo quan ngại của nhiều chuyên gia về Trung Đông, quyết định này của
Tổng thống Mỹ có thể đặt “nụ hôn tử thần” đối với tiến trình hòa bình ở
khu vực Trung Đông. Tuyên bố này đã che mờ tin tức tốt lành về việc tổ
chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bật khỏi Iraq và Syria, vốn
được xem là mở ra cơ hội lớn mang lại hòa bình, ổn định cho khu vực.
Cũng như những năm trước, Trung Đông lại trải qua một năm đẫm máu và
nước mắt với cuộc nội chiến dai dẳng ở Syria, còn khủng bố tiếp tục là
cơn ác mộng kinh hoàng. Nhưng những sự kiện nóng bỏng xuất hiện vào dịp
cuối năm này hứa hẹn khả năng khu vực có những xoay chuyển mạnh mẽ trong
thời gian tới, thậm chí bị đẩy vào giai đoạn cao trào mới của thù hận,
xung đột và bạo lực.
Hai sự kiện, một tốt, một xấu nói trên tưởng chừng chẳng liên quan gì
nhau nhưng lại tiềm ẩn những nguy cơ khó lường đối với khu vực Trung
Đông cũng như toàn thế giới. Tuyên bố về Jerusalem của Tổng thống Mỹ
ngay lập tức làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ ở các nước Arab Hồi
giáo và kích động bạo lực giữa người Palestine và Israel. Một thời kỳ
căng thẳng mới là không thể tránh khỏi ở khu vực, nơi vấn đề tôn giáo
luôn là chủ đề hết sức nhạy cảm.
Tuyên bố về Jerusalem của ông Donald Trump vô hình trung trở thành “cơ hội” bất ngờ cho IS trong khi tổ chức này đang hứng chịu thảm bại trên
chiến trường. Đây sẽ là cơ hội để IS lợi dụng kích động hận thù tôn
giáo và chiêu mộ thêm được nhiều chiến binh sẵn sàng tử vì đạo. Thất bại
ở Iraq và Syria không có nghĩa là sự chấm dứt của IS bởi tổ chức khủng
bố này từ trước đó đã thay đổi sang phương thức hoạt động ngầm, tuyển mộ
tân binh khắp nơi thông qua internet bằng cách truyền bá tư tưởng Hồi
giáo cực đoan và thực hiện các cuộc tấn công ở nhiều địa bàn trên thế
giới nhằm phô trương thanh thế.
Sự thất bại của IS ở Iraq và Syria mở ra một thời kỳ “hậu IS” trong khu
vực. Nỗi lo IS bành trướng lãnh thổ và mở rộng lực lượng tạm chấm dứt,
nhưng mầm mống của lực lượng này vẫn chưa bị tận diệt nên nguy cơ trỗi
dậy của “bóng ma” khủng bố vẫn luôn hiện hữu. Khoảng trống quyền lực và
an ninh ở những quốc gia bất ổn trong khu vực luôn là mảnh đất màu mỡ để
các phần tử khủng bố trỗi dậy và tập hợp lực lượng. Đặc biệt, việc đối
phó với những tư tưởng cực đoan mà chúng đã gieo rắc ở khu vực mới là
nhiệm vụ khó khăn và lâu dài. Trung Đông sẽ vẫn là “cái nôi” lý tưởng để
những “quái thai” kiểu như IS sản sinh.
Với vấn đề Jerusalem, cuộc chiến chống IS và cuộc khủng hoảng Syria,
Trung Đông sau một thời gian ít được chú ý đã trở lại thành mối quan tâm
của các nước lớn. Và khu vực này đang có những chuyển dịch lớn theo
từng nước cờ của các cường quốc trên bàn cờ khu vực. Trước tiên phải kể
tới sự trở lại mạnh mẽ của nước Nga ở khu vực mà nhiều nước tham vọng có
vai trò ảnh hưởng. Năm 2017 ghi dấu sự thất bại hoàn toàn của IS ở
Syria và Iraq sau 2 năm Nga mở chiến dịch không kích tiêu diệt IS. Không
chỉ bằng biện pháp quân sự, Nga còn thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao để
tìm ra giải pháp chính trị cho Syria. Giờ đây, cả Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và
Saudi Arabia đều không còn đặt vấn đề Tổng thống Syria Al Assad phải ra
đi, góp phần mở ra cơ hội đi tới một giải pháp chính trị cho cuộc nội
chiến ở nước này. Rõ ràng, Nga đang nổi lên là một đối tác chủ chốt tại
khu vực Trung Đông, khi đóng vai trò trung gian cho các thỏa thuận với
nhiều nhân tố chính trong khu vực, từ Iran, Saudi Arabia cho đến Thổ Nhĩ
Kỳ hay Israel.
Trong khi đó, Mỹ mặc dù không còn duy trì được vai trò nổi bật như
trước ở khu vực nhưng dù sao, Washington vẫn là một đối tác quan trọng
không thể bỏ qua trong bất cứ nỗ lực nào nhằm giải quyết các cuộc xung
đột ở khu vực. Mỹ hiện vẫn duy trì khoảng 2.000 quân ở Syria với lý do
để tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố chưa thể kết thúc ở đây. Hơn nữa,
Mỹ đã tạo dựng cho mình những đồng minh chủ chốt tại đây, những nước ít
nhiều cũng có tiếng nói trong các vấn đề khu vực.
Liên quan đến hồ sơ hạt nhân Iran, Mỹ hiện đang cho thấy muốn “làm chủ”
cuộc chơi mặc dù Iran cũng là đối thủ không dễ nhằn. Đây cũng là một
“nốt đen” trong bức tranh Trung Đông nhiều tương phản, khó có thể xóa
được nếu các bên không kiểm soát được các bước đi của mình. Còn nhớ vào
khoảng giữa tháng 10 năm nay, giữa Mỹ và Iran xảy ra xích mích liên quan
đến việc Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân
lịch sử mà Iran ký với nhóm P5+1. Hai bên lời qua tiếng lại, Iran cũng
phản đòn bằng lời đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận này nếu Mỹ làm như vậy.
Chưa rõ các bước đi tiếp theo của chính quyền Tổng thống Donald Trump
đối với quốc gia Hồi giao Iran sẽ là gì, nhưng những mâu thuẫn giữa Mỹ
và Iran đang là một “ngòi nổ” âm ỉ bấy lâu ở khu vực được mệnh danh
“thùng thuốc súng”.
Trong khi đó, những mâu thuẫn nội tại của khu vực đã khiến Trung Đông
trải qua một năm đầy chia rẽ và phân cực. Năm 2017 đánh dấu thời điểm
các nước Arab bị chia rẽ chưa từng có kể từ năm 1979 khi Ai Cập ký hòa
ước lịch sử với Israel khiến các nước Arab nổi giận. Sự kiện 10 nước
Arab cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar đã phản ánh rõ nét bức tranh
rời rạc, thiếu tính liên kết ở khu vực do sự tranh giành ảnh hưởng giữa
một bên là dòng Hồi giáo Sunni do Saudi Arabia đứng đầu và một bên là
dòng Hồi giáo Shi’ite do Iran chi phối. Rõ ràng, mâu thuẫn giữa Qatar
với các nước Arab đã bị khoét sâu tới mức “gương vỡ khó lành” và đang
làm thay đổi các mối quan hệ ở khu vực, khiến hình thành những tập hợp
lực lượng mới rất phức tạp ở khu vực vốn chìm trong xung đột và mâu
thuẫn sắc tộc từ bao đời nay.
Tương lai hòa bình và ổn định của vùng đất này vẫn là một câu hỏi lớn
bởi nơi chỉ chiếm 5% dân số và diện tích thế giới, nhưng lại chiếm tới
60% lượng dầu mỏ và 40% lượng khí đốt của thế giới này, vẫn luôn là
“miếng bánh ngon" cho các lực lượng bên ngoài tranh giành. Mọi giải pháp
cho các cuộc xung đột ở khu vực này sẽ không thể có hiệu quả nếu không
tính tới lợi ích của các bên liên quan. Mâu thuẫn lợi ích giữa các nước
lớn cùng với những mâu thuẫn nội tại ở khu vực càng khiến cho cục diện
khu vực rối ren. Trung Đông chìm trong khủng hoảng và xung đột liên miên
nếu các nước lớn không từ bỏ tham vọng của mình và nỗ lực để đi đến
thỏa hiệp các lợi ích. Thêm vào đó, các nước ở khu vực nếu không đoàn
kết, củng cố sức mạnh nội lực để chống đỡ trước những can thiệp từ bên
ngoài thì mảnh đất nơi họ sinh sống sẽ tiếp tục là bàn cờ trong cuộc
chơi của "các ông lớn" và là mảnh đất của những cuộc xung đột bất tận
không hồi kết.
Đối với hầu khắp thế giới, những chuyển dịch lớn ở khu vực Trung Đông
giờ cũng không còn quá xa xôi và bất cứ nơi nào cũng có thể bị tác động
ít nhiều. Tàn dư của chủ nghĩa khủng bố cùng tư tưởng cực đoan được
truyền đi từ “cái nôi” khủng bố này đang khiến thế giới trở nên bất an
hơn bao giờ hết. Giờ đây, ở châu Phi, hay bất kỳ châu lục nào, việc nghe
nói về một vụ tấn công khủng bố mà những kẻ đằng sau có dính líu tới
IS, không phải là điều gì bất ngờ. Trong một không gian nhiều kết nối
như ngày nay, thế giới vẫn chưa thể thoát khỏi nguy cơ bất ổn với những
nguy cơ hiện hữu ở Trung Đông nếu các nước không cùng chung tay để giải
quyết các vấn đề toàn cầu nóng bỏng mà Trung Đông là tâm điểm./.
Mỹ Hạnh (Báo QĐND)