Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Đài truyền hình Hàn Quốc (YTN) ngày 2/4 đưa
tin, sau khi Triều Tiên quyết tâm tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba hồi tháng
Hai vừa qua, Trung Quốc đã đình chỉ cấp mới và gia hạn thị thực nhập cảnh đối
với người lao động Triều Tiên vào làm việc tại Trung Quốc.
Đây có thể coi là một biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đối với Triều
Tiên.
Theo YTN, từ đầu năm ngoái, Trung Quốc và Triều Tiên đã nhất trí
hợp tác cung ứng nguồn lao động với quy mô 300 triệu USD/năm, theo đó 100.000
lao động Triều Tiên sẽ qua Trung Quốc làm việc với mức lương 200-300
USD/tháng.
Hiện có khoảng 30.000 lao động Triều Tiên đang làm việc tại
các thành phố như Diên Cát thuộc tỉnh Cát Lâm và Đan Đông thuộc tỉnh Liêu Ninh,
song nếu biện pháp ngừng gia hạn thị thực vẫn tiếp diễn thì các lao động này
buộc phải hồi hương.
Số tiền Triều Tiên thu được từ cung ứng nguồn lao
động sang Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với lợi nhuận mà Bình Nhưỡng thu được
thông qua nguồn nhân lực đang làm việc tại Khu công nghiệp chung Keasong giữa
hai miền Nam-Bắc.
Trong khi đó, hôm 30/3, Chính phủ Hàn Quốc khẳng định
sẽ không thay đổi chính sách duy trì hoạt động tại Khu công nghiệp
Keasong.
Hãng tin Yonhap cho hay, sau khi Triều Tiên trước đó cùng ngày
tuyên bố “tình trạng chiến tranh” với Hàn Quốc và dọa đóng cửa khu công nghiệp
này, Seoul tái khẳng định: “Việc Triều Tiên dọa đóng cửa Khu công nghiệp Keasong
không có lợi cho sự phát triển của khu công nghiệp cũng như quan hệ giữa hai
miền Triều Tiên.”
Khu công nghiệp Keasong, đặt tại thành phố biên giới
Keasong của Triều Tiên, khai trương vào năm 2004 với khoảng 120 công ty Hàn Quốc
hoạt động và sử dụng khoảng 50.000 lao động Triều Tiên./.
(Vietnam+)