Thứ Năm, 3/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Ba, 11/1/2011 10:4'(GMT+7)

Trung tâm Thông tin - Tư viện và Nghiên cứu khoa học - Văn phòng QH: Cầu nối giữa cử tri với Quốc hội

Trong năm qua, 5 đơn vị của Trung tâm gồm: Phòng Lịch sử - Bảo tàng, Phòng Báo chí – Tuyên truyền, Phòng Thư viện, Phòng Phát thanh – Truyền hình và Phòng Nghiên cứu Tổng hợp đã thực hiện được một khối lượng công việc đáng kể để phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Đặc biệt, sau khi có những điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu và tổ chức, năm 2010 đánh dấu quá trình đi vào hoạt động ổn định của Trung tâm với nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức thực hiện các hoạt động thông tin công chúng phục vụ hoạt động của Quốc hội.

Các hoạt động thông tin công chúng do Trung tâm làm đầu mối thực hiện trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ đưa hoạt động và hình ảnh của Quốc hội gần gũi hơn với người dân cả nước thông qua các hoạt động báo chí, phát thanh và truyền hình; qua hoạt động trưng bày các hiện vật lịch sử và các thước phim về Quốc hội; qua việc tham gia tổ chức các sự kiện của Quốc hội và các hoạt động chuyên môn khác mà điển hình là việc thông tin kịp thời đến người dân về nội dung của các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, phiên làm việc của Quốc hội tại kỳ họp; các hoạt động tuyên truyền về năm Quốc hội Việt Nam giữ chức Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) và đăng cai tổ chức Đại hội đồng AIPA lần thứ 31; tuyên truyền về kỷ niệm 65 năm Quốc hội Việt Nam;

Trong năm 2010, Trung tâm có quan hệ phối hợp với hơn 100 cơ quan thông tấn, báo chí, tạo điều kiện để hơn 400 phóng viên đến đưa tin thường xuyên về các hoạt động của Quốc hội. Đây là một sự gia tăng đáng kể về số lượng so với những năm trước, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội tới với công chúng trên diện rộng hơn và sâu hơn. Công tác tổ chức hoạt động báo chí và tuyên truyền ngày càng đi vào nề nếp. Trung tâm cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan hoàn thành việc xây dựng Nhà lưu niệm Ban thường trực Quốc hội tại thôn Chi Liền, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đây là công trình văn hóa, lịch sử để ghi nhớ địa danh hào hùng, gắn liền với thời kỳ hoạt động đầy khó khăn của Ban Thường trực Quốc hội trong thời kỳ đầu Cách mạng.

Đặc biệt, sau một thời gian dài chuẩn bị, trong năm 2010, Trung tâm đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức thực hiện và phát sóng được 27 chuyên đề thuộc chuyên mục “Quốc hội với cử tri”. Phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam sản xuất được hơn 300 chương trình phát thanh Quốc hội với cử tri tương đương 6.000 phút phát sóng với khoảng 700 bài viết, gần 200 cuộc phỏng vấn và các tiết mục khác. Trên hệ phát thanh có hình của Đài tiếng nói Việt Nam, Trung tâm cũng đã phối hợp sản xuất được hơn 200 chương trình, tương đương 4.000 phút phát sóng, trong đó có những tiểu mục thiết thực với người dân như “Hộp thư dân nguyện”, “Chuyện trong dân” và “Ý kiến đại biểu Quốc hội” để phản ánh các ý nguyện của cử tri trong cả nước cũng như các ý kiến trả lời của các vị đại biểu của nhân dân.

Ngoài ra, Trung tâm được lãnh đạo giao quản trị hai trang web gắn với hoạt động của Quốc hội có tính tương tác với người dân cao là trang web “Hỏi – Đáp: Kết nối cử tri với đại biểu Quốc hội” và trang web Dự thảo Online. Thông qua trang web Hỏi-Đáp, người dân có thể trực tiếp đặt câu hỏi và nhận được câu trả lời đối với các đại biểu Quốc hội về các vấn đề mà cử tri và xã hội quan tâm. Thông qua trang web Dự thảo Online, người dân có điều kiện tiếp cận và góp ý trực tiếp vào nội dung của tất cả các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết đang được Quốc hội, UBTVQH xem xét, thảo luận.

Ngoài ra, trong năm qua, mặc dù còn rất nhiều khó khăn về địa điểm và điều kiện làm việc, Thư viện Quốc hội thuộc Trung tâm Thông tin đã tiến hành bổ sung hơn 1.200 tên sách và hơn 3.000 cuốn sách mới, cập nhật thường xuyên các cơ sở dữ liệu sách, báo, tài liệu trong Chương trình thư viện điện tử. Thư viện cũng phục vụ hơn 2.500 lượt mượn và đọc tài liệu tại chỗ; cung cấp thông tin tư liệu trực tiếp hoặc gián tiếp qua điện thoại trên 230 lượt yêu cầu; biên tập và phát hành thường xuyên các tin Thông tấn xã, Bộ ngoại giao trên mạng của Văn phòng Quốc hội, cung cấp thông tin, tài liệu cho trên 175 lượt đại biểu Quốc hội với hơn 900 lượt yêu cầu.

Trung tâm Thông tin còn trực tiếp nghiên cứu biên soạn các sách, báo cáo nghiên cứu phục vụ hoạt động của Quốc hội; tiến hành góp ý 27 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được thảo luận, cho ý kiến tại Ủy ban thường vụ Quốc hội và 06 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được các cơ quan khác gửi xin ý kiến theo chỉ đạo của Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội. Trung tâm Thông tin đã tham mưu, giúp lãnh đạo Văn phòng Quốc hội trong việc tổ chức quản lý các đề tài nghiên cứu khoa học, từng bước hoàn thiện công tác tổ chức và triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học tại VPQH. Ngoài ra, Trung tâm cũng tiến hành điều tra dư luận xã hội về kết quả các kỳ họp Quốc hội và một số chính sách phục vụ hoạt động lập pháp và giám sát của Quốc hội.

Để có được những thành tích nói trên, Trung tâm đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, sự phối hợp có hiệu quả của các vụ, đơn vị hữu quan trong và ngoài Văn phòng Quốc hội, sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, chuyên viên của Trung tâm, và đặc biệt là có sự giúp đỡ, tư vấn, cộng tác nhiệt tình của các cộng tác viên.

Năm 2011 là năm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng trong hoạt động của Quốc hội nước ta, là năm kỷ niệm 65 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam; năm diễn ra cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa XIII, một Quốc hội với sự mong đợi và kỳ vọng cao hơn của xã hội sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong sự nghiệp đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Bối cảnh đó đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với hoạt động của Văn phòng Quốc hội nói chung và các đơn vị trong Văn phòng Quốc hội trong đó có Trung tâm Thông tin nói riêng. Tại Lễ kỉ niệm 65 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến “sự gắn bó mật thiết giữa Quốc hội với nhân dân”, là cơ sở để giúp Quốc hội ngày càng hoạt động hiệu quả hơn, nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân...

Trên tinh thần đó, để góp phần vào việc xây dựng cầu nối tin cậy giữa cử tri cả nước với Quốc hội, vấn đề đặt ra là làm thế nào để công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội được thực hiện kịp thời, thường xuyên và toàn diện; mối liên hệ giữa đại biểu Quốc hội với người dân ngày càng chặt chẽ và chất lượng phục vụ đại biểu Quốc hội của Trung tâm thông tin ngày càng được nâng lên.

Bảo Lam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất