Sự việc đã được đẩy lên cao trào khi một bạn đọc gửi kiến nghị lên Cục Xuất bản đặt vấn đề quyết liệt về tính trung thực của cuốn sách và khá đông bạn đọc cả nước cũng bức xúc lên tiếng về nhiều nghi vấn của nội dung cuốn sách cùng sự bất nhất của tác giả trong giải đáp các thắc mắc của họ.
Bình thường, một cuốn nhật ký hành trình thường chân thành, chính xác với sự kiện và con người cùng không gian, thời gian những sự kiện đó diễn ra, bởi đó là sự trải nghiệm, đánh giá, nhận xét của tác giả và cũng chính là một nhân vật trong đó. Phải công nhận Xách ba-lô lên và đi là cuốn sách có lối hành văn mới lạ, hấp dẫn. Hình ảnh dấn thân của nhân vật, một cô gái trẻ mới hơn 20 tuổi với 700 USD trong túi khi xuất phát trong cuốn nhật ký hành trình này đã mang lại sức lôi cuốn đối với giới trẻ đầy ước mơ và khao khát khám phá những chân trời mới. Hình ảnh đó càng trở nên nổi tiếng hơn với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng mạng. Bên cạnh đó cũng phải kể đến công nghệ tiếp thị ấn tượng của tác giả và đội ngũ làm sách. Tuy nhiên, nếu không quá cường điệu và khéo léo hơn trong cách ứng xử trên mạng hay trong những lần họp báo ra mắt hai tập của cuốn sách, có lẽ tác giả Xách ba-lô lên và đi vẫn nhận được sự khen ngợi và ngưỡng mộ của bạn đọc. Nhưng tác giả và ê-kíp làm sách đã không có được điều đó, ít ra cũng là một sự lịch sự tối thiểu đối với những thắc mắc cần giải đáp của đông đảo bạn đọc đã bỏ tiền ra để mua sách. Tác giả loanh quanh, ngụy biện không biết, không nhớ, rồi cuối cùng buộc phải thừa nhận một số điều chưa đúng, chưa chính xác, có vi phạm về pháp lý trong quá trình thực hiện hành trình và viết sách, trái với những gì trước đó tác giả đã khẳng định chắc chắn những điều đã viết là sự thật. Song tác giả và những người làm sách vẫn không có một lời xin lỗi, rút kinh nghiệm, dù rất nhẹ nhàng thôi với bạn đọc. Cũng từ sự không trung thực này, bạn đọc cảm thấy không được tôn trọng và thật sự thất vọng về tác giả cũng như những người làm công tác xuất bản nước nhà.
Cuối cùng tác giả cuốn sách cũng đã phải làm một bản giải trình dài 31 trang gửi đến Nhà xuất bản Văn học và Cục Xuất bản, nhưng không cho công bố công khai như đã hứa. Trước sự đòi hỏi của dư luận, những người làm và phát hành cuốn Xách ba-lô lên và đi lại trốn tránh và đổ trách nhiệm sang nữ tác giả trẻ. Sự việc rồi sẽ đến hồi kết thúc, nhưng qua đây cũng cho thấy nhiều điều, nhất là trong văn hóa tranh luận và phản biện để đi đến chân lý, khẳng định tính đúng đắn và trách nhiệm của cá nhân trước cộng đồng. Trong xã hội, nhất là trong công tác học thuật, khoa học rất cần những ý kiến phản biện trung thực. Vấn đề nữa cần đặt ra ở đây là sự vô cảm, bao che cho những điều giả dối của những người, những cơ quan quản lý đáng lẽ ra phải lên tiếng để bảo vệ cho quyền lợi của bạn đọc, bảo vệ cho sự trong sạch và lành mạnh của công tác xuất bản nước nhà. Sự bao che đó không chỉ giúp những điều giả dối tồn tại mà còn đáng chê trách hơn khi tiếp tay làm hỏng những người viết trẻ đang chập chững vào nghề. Ðây cũng là bài học cho những người viết trẻ sống trung thực, biết dũng cảm đối diện và thừa nhận sai lầm để tránh lặp lại nó.
TRẦN NGUYỄN/Theo Nhân Dân