Thứ Hai, 2/12/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 11/8/2016 16:57'(GMT+7)

Trưởng ban KT Trung ương nêu 5 giải pháp phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu

Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, với quan điểm “nhiệm vụ vụ phát triển kinh tế là trung tâm” mà Đảng đã xác định, những nỗ lực đổi mới trong 30 năm qua đã giúp môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng liên tục được cải thiện, nhờ đó thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, Đảng đề ra quan điểm “Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch”. Đồng thời, xác định “Phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để phát triển nhanh, bền vững. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế”.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng, Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương được Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định có vị trí chiến lược thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế tổng hợp với những lợi thế so sánh chủ yếu:

Một là, có hệ thống cảng biển nước sâu Cái Mép-Thị Vải đóng vai trò cảng trung chuyển container quốc tế, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn đến 200.000 tấn.

Hai là, có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, kết nối hạ tầng giao thông hoàn chỉnh với các tuyến Quốc lộ (51, 55 và 56), cao tốc thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, cao tốc Bến Lức-Long Thành và cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai.

Ba là, có nguồn tài nguyên (khí thiên nhiên, điện, nước) đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư.

Bốn là, có một số sản phẩm công nghiệp của tỉnh như: Thép, hóa dầu, năng lượng… là nguồn nguyên liệu đầu vào cho các ngành liên quan trong chuỗi cung ứng giá trị, tăng tỉ lệ nội địa hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Trên cơ sở đó, để phát triển thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch, đồng chí Nguyễn Văn Bình lưu ý Bà Rịa-Vũng Tàu cần ưu tiên tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp chủ yếu trong thời gian tới:

Một là, xây dựng Quy hoạch phát triển tổng thể về kinh tế-xã hội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 để làm cơ sở cho rà soát, hoàn thiện các quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm của Tỉnh.

Hai là, tiếp tục rà soát, chủ động thực hiện các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kích thích tiêu dùng, đảm bảo các chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ VI. Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ chế liên kết, phối hợp cùng với các tỉnh thành trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam để phát triển kinh tế, đưa vùng trở thành đầu tàu của cả nước trong phát triển kinh tế và tạo động lực, dẫn dắt phát triển kinh tế trong cả nước.

Ba là, tiếp tục phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế-xã hội. Từ nay đến năm 2020, Bà Rịa-Vũng Tàu cần tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp gắn với lợi thế cảng biển, sử dụng công nghệ và giá trị gia tăng cao, ít tiêu tốn năng lượng, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; xác định rõ các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chủ yếu để kêu gọi đầu tư. Đồng thời, tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch sinh thái chất lượng cao; du lịch lịch sử, tâm linh; thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho các sản phẩm cây trồng, vật nuôi có lợi thế so sánh của tỉnh; tiếp tục hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá đánh bắt xa bờ, tăng thêm tàu dịch vụ hậu cần thủy sản gắn với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo; bảo vệ và phát triển diện tích rừng hiện có gắn với du lịch sinh thái; thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, chú trọng thu hút hợp lý vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và phát triển các dự án đầu tư theo các hình thức đầu tư khác nhau. Quán triệt chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc. Tiếp tục cải thiện mạnh hơn chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh để thu hút đầu tư cũng như tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp

Năm là, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao; tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ; quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo đảm ổn định chính trị-xã hội./.

Theo Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất