(TG)- Cùng với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhà trường còn tổ chức tốt các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế và các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ khác, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Ngày 6/12015, Trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2014, đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2015. Đồng chí Phạm Thị Thanh Thuỷ, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc nhà trường chủ trì hội nghị.
Năm 2014, Trường Chính trị Trường Chinh đã tiếp tục ổn định, phát triển trên cơ sở những định hướng lớn của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và sự hướng dẫn, quản lý về chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhà trường thường xuyên nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh; sự phối kết hợp và tạo điều kiện của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố trong tỉnh.Mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức giảng dạy và phục vụ giảng dạy 65 lớp với 6.645 học viên, trong đó: Cao cấp lý luận chính trị: 03 lớp với 323 học viên; Đại học hành chính: 01 lớp với 99 học viên; Trung cấp chính trị - hành chính: 36 lớp với 3.437 học viên (trong đó có 8 lớp hệ chính quy); Trung cấp Pháp luật: 06 lớp với 553 học viên; Bồi dưỡng KTQLNN chương trình chuyên viên: 6 lớp với 641 học viên (trong đó có 1 lớp chuyên viên cấp xã với 108 học viên); Bồi dưỡng đối tượng đảng và đảng viên mới: 10 lớp với 1.212 học viên; Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng đối tượng 2: 01 lớp với 80 học viên.
So với chỉ tiêu, kế hoạch tỉnh giao, nhà trường đã vượt 38%; so với năm 2013, tăng 14 lớp với 1.746 học viên; đặc biệt năm 2014, nhà trường đã mở thêm hệ đào tạo các lớp học ngoài giờ hành chính (học vào thứ bẩy, chủ nhật và buổi tối).
Cùng với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhà trường còn tổ chức tốt các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế và các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ khác, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Năm 2014, nhà trường tổ chức nghiệm thu 01 đề tài khoa học cấp tỉnh, 01 đề tài khoa học cấp khoa, 01 đề tài khoa học cấp trường (qua nghiệm thu xếp loại khá); 20 đề tài khoa học cá nhân; tổ chức biên soạn tài liệu bồi dưỡng chức danh bí thư, phó bí thư đảng uỷ cấp xã; tổ chức kiểm tra, đánh giá giáo án đối với 100% giảng viên; tổ chức Hội thảo khoa học “Nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và Hội thảo khoa học về thực hiện Hiến pháp 2013 của khoa Nhà nước - Pháp luật; tổ chức viết bài Nội san nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và đăng lên trang website nhà trường. 100% đồng chí giảng viên hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu thực tế. Ngoài ra năm 2014, nhà trường tổ chức cho cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường đi nghiên cứu thực tế và trao đổi kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại một số trường Chính trị các tỉnh phía Bắc (như: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Thanh Hoá, Hải Dương).
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của nhà trường cũng còn hạn chế. Vì cùng một lúc nhà trường phải triển khai tổ chức giảng dạy, phục vụ giảng dạy nhiều lớp (65 lớp), với nhiều loại chương trình, cho nhiều đối tượng khác nhau... nên việc tổ chức giảng dạy các môn học ở một số lớp chưa thực sự khoa học, chất lượng giảng dạy ở một số chuyên đề của số ít giảng viên chưa thật sự đáp ứng yêu cầu người học; có bài giảng còn nặng về lý luận; kiến thức và kinh nghiệm thực tế còn hạn chế). Một số khâu trong quá trình tổ chức đào tạo thực hiện còn chậm như: chấm và trả điểm môn học cho học viên; thủ tục kết thúc các khoá học…
Năm 2015, trên cơ sở kế hoạch đăng ký chỉ tiêu đào tạo cán bộ của các huyện, thành phố và Đảng uỷ khối các cơ quan tỉnh. Nhà trường xác định: Tập trung khai thác có hiệu quả nguồn lực của nhà trường, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh; sự phối kết hợp và tạo điều kiện của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh; phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; xây dựng nhà trường ngày càng phát triển về mọi mặt. Trong đó, trước hết, nhà trường tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở Nội vụ, 2 đảng uỷ khối trực thuộc Tỉnh uỷ, Trường trung cấp Công đoàn duy trì tổ chức giảng dạy, quản lý tốt các lớp hiện có; đồng thời tiếp tục mở các lớp mới khi có kế hoạch.
Hai là, tổ chức kiện toàn, bổ sung lãnh đạo, bố trí giảng viên các khoa đảm bảo đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý và phù hợp với chuyên môn đào tạo; tiếp tục tuyển dụng, bổ sung đội ngũ giảng viên mới đã qua công tác cơ sở, đồng thời tiếp tục cử giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt và bổ sung hoàn thiện hệ thống quy chế liên quan tới các hoạt động quản lý, đào tạo của nhà trường.
Ba là, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế cũng như các hoạt động liên quan tới quá trình đào tạo như: chiêu sinh, mở lớp, tổ chức giảng dạy và quản sinh theo hướng thiết thực, hiệu quả. Năm 2015, các lớp khai giảng mới, 100% học viên dự học phải có giáo trình mới do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát hành.
Bốn là, tăng cường mở các lớp bán tập trung tại trường, tiến tới giảm dần các lớp đặt tại các trung tâm huyện, thành phố. Tiếp tục thực hiện chủ trương các lớp mở theo kế hoạch (mỗi huyện, thành phố 1 lớp, mở gối sóng); các lớp còn lại mở theo hình thức học viên tự đóng góp học phí.
Năm là, thường xuyên tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất, nhằm đưa các hoạt động chuyên môn của nhà trường vào nề nếp; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quản sinh. Các trung tâm bồi dưỡng chính trị 10 đơn vị huyện, thành phố và các đơn vị có lớp từng bước đảm bảo các điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ, giảng viên nhà trường xuống công tác tại trung tâm.
Tin và ảnh: Hoàng Thị Châu Yên, Trường Chính trị Trường Chinh