Là tỉnh miền núi nằm ở phía tây bắc của Tổ quốc, Lai Châu có vị trí chiến lược trọng yếu trong đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Tỉnh có 8 huyện, thành phố, bao gồm 108 xã, phường, thị trấn (trong đó có 77 xã đặc biệt khó khăn, 23 xã biên giới) với số dân trên 42 vạn người thuộc 20 dân tộc cùng sinh sống (trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 87%; có 4 dân tộc chỉ có ở Lai Châu là Cống, Mảng, La Hủ, Si La).
Là tỉnh miền núi, xuất phát điểm và các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội thấp hơn so với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Cơ sở hạ tầng thấp kém, tỷ lệ đói nghèo còn cao, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trình độ dân trí thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, một số hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại trong một bộ phận đồng bào. Lợi dụng những khó khăn đó, các thế lực thù địch đã thực hiện âm mưu “Diễn biến hoà bình”, nhất là lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền kích động đồng bào theo đạo trái pháp luật, di dịch cư tự do... Đây là những khó khăn cho việc giữ gìn và phát huy các nét đẹp văn hoá truyền thống của các dân tộc, giữ vững an ninh trật tự và khối đại đoàn kết các dân tộc trên một số địa bàn cơ sở.
Trong những năm qua, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớn nhân dân trên địa bàn tỉnh, trong đó có vai trò của đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo, đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu cơ bản được giữ gìn và phát huy, thể hiện qua một số nét nổi bật:
Thứ nhất, kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian của các dân tộc thiểu số ở Lai Châu rất phong phú, đặc sắc, mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa, độc đáo riêng, góp phần tạo nên bức tranh sắc thái văn hóa đa dạng, muôn màu rực rỡ. Hàng năm, tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai, nhân rộng các hoạt động lễ hội mang đậm bản sắc của các dân tộc trong tỉnh như: Lễ hội Nàng Han, Then Kin Pang của người Thái; Lễ hội Gầu tào, Tạ Ơn của người Mông; Lễ hội Tủ Cải (người Dao), Lễ hội Bun Vốc Nặm (người Lào Lự), Lễ Tú Tỷ của người Giáy, Lễ hội tết Mùa mưa (người La Hủ)... Những lễ hội đó đã và đang được duy trì, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa từng dân tộc. Những ngày cuối năm 2014 (từ ngày 27 đến 29/12) tỉnh đã phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức thành công Ngày hội văn hóa dân tộc Thái lần thứ nhất tại Lai Châu.
Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng dự án nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các nghề thủ công truyền thống, nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng trong cộng đồng các dân tộc như: Trường ca Xa Nhà Ca, sử thi Phùy Ca Na Ca, tục cúng rừng... của người Hà Nhì; Dân ca giao duyên dân tộc Si La; Dân ca, ca dao, các điệu múa xòe, múa cổ của người Thái trắng. Tổ chức các lớp truyền dạy dân ca giao duyên của các dân tộc Hà Nhì, Mông, Lự, Thái và các lớp truyền dạy hát đồng dao và trò chơi dân gian dân tộc Lự, Thái, Giáy....Tỉnh cũng có nhiều chính sách, biện pháp giữ gìn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết, văn hóa của các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Thái, Mông, Hà Nhì. Trong công tác tái định cư luôn chú trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với việc tuyên truyền xóa bỏ hủ tục lạc hậu gắn với xây dựng nông thôn mới.
Thứ hai, Lai Châu là một trong những tỉnh đang thực hiện các dự án di dân tái định cư phục vụ các công trình thủy điện quốc gia, thủy điện trong tỉnh như: thủy điện Sơn La, Lai Châu, thủy điện Bản Chát, Huội Quảng. Trong quá trình thực hiện phải di dời hàng nghìn hộ dân với hàng vạn người, Lai Châu đã tiến hành tổng điều tra văn hoá phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh, tiến hành khai quật và kiểm kê, lưu giữ các hiện vật thuộc lòng hồ thủy điện Sơn La, Lai Châu… nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 1.105 hiện vật dân tộc học, 30.362 hiện vật khảo cổ học trong vùng ngập lòng hồ thủy điện; tổ chức sưu tầm được 13.500 trang tài liệu địa chí Lai Châu. Bài toán đặt ra cho Lai Châu trong nghiên cứu thực hiện đề án bảo tồn văn hóa các dân tộc là làm thế nào để người dân chuyển đến nơi ở mới vừa có điều kiện đời sống kinh tế tốt hơn, vừa giữ gìn được những giá trị tinh thần trong đời sống văn hóa? Thực tế là, một số bản sắc văn hóa, nét sinh hoạt văn hóa đời thường của đồng bào không còn nữa, những cánh đồng màu mỡ trải qua hàng nghìn năm canh tác đã bị mất dẫn đến thiếu đất sản xuất, văn hóa cộng đồng dần mất đi, thay vào đó là một cách sống mới mang tính hiện đại. Nếu công tác tuyên truyền không tốt thì một bộ phận thanh thiếu niên khi chuyển từ làng bản vùng sâu, vùng xa ra sống các vùng đô thị (thị trấn, thị tứ) sẽ bị ảnh hưởng và tác động của phim ảnh, Internet độc hại hoặc vì có tiền được đền bù của tái định cư dẫn đến mắc các tệ nạn xã hội, phai nhạt dần văn hóa truyền thống. Vì vậy, văn hóa vùng tái định cư phải như thế nào để vừa giữ gìn bản sắc, vừa góp phần ổn định đời sống cho đồng bào vẫn đang là những vấn đề đặt ra cho những nhà nghiên cứu văn hóa, hoạch định chính sách và đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc được gắn liền với xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ trì hoàn thành đề tài khoa học nhân văn cấp tỉnh “Giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông góp phần ổn định đời sống vật chất, đời sống tinh thần của đồng bào trên địa bàn tỉnh Lai Châu”; Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh phối hợp với ngành văn hóa, các cơ quan chức năng nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng các lễ hội văn hóa, phong tục truyền thống, sáng tác dân gian của các dân tộc như: Thái, Dao, Mảng, Si La, Cống, La Hủ... Duy trì và phát triển hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở; tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc vào những ngày đầu xuân và Quốc khánh 2-9 (một số huyện như Than Uyên, Tân Uyên, Mường Tè... vào dịp lễ tết, nhất là ngày Quốc tế lao động 1-5, Quốc khánh 2-9... thực sự trở thành ngày hội của đồng bào các dân tộc trên địa bàn).
Tỉnh chỉ đạo củng cố các chi hội văn học, nghệ thuật ở cơ sở; thành lập quỹ hỗ trợ sáng tác và trao giải thưởng văn học nghệ thuật, xuất bản quảng bá công trình nghiên cứu và các tác phẩm văn học nghệ thuật. Quản lý, bảo tồn các di sản văn hóa của tỉnh được Nhà nước công nhận, như Khu di tích Đèo Văn Long, động Tiên Sơn, Văn bia Lê Lợi… Hiện nay tỉnh có 16 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 5 di tích cấp quốc gia. Hệ thống thiết chế văn hóa đã và đang được quan tâm: số lượng nhà văn hóa xây mới tăng lên đáng kể (xây mới 92 nhà văn hóa) với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, trên tinh thần tự nguyện đóng góp của nhân dân..
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Cụ thể là: nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc còn hạn chế; nguy cơ mai một, thất truyền di sản phi vật thể ngày càng nhiều; cơ chế, chính sách, kinh phí đầu tư cho hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống còn hạn chế, chưa đồng bộ; việc tôn vinh các nghệ nhân còn chậm. Các dự án bảo tồn thiếu sự tham gia của cộng đồng và các nhà khoa học, trong khi đội ngũ cán bộ làm văn hóa của tỉnh còn thiếu và yếu, nhất là ở cơ sở. Hoạt động thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tổ chức chưa được thường xuyên, còn sơ sài, khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn còn chênh lệch rất lớn. Cơ sở vật chất, sản phẩm, phương tiện văn hóa phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn thiếu và lạc hậu... đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo tồn văn hóa dân tộc trên địa bàn, nhất là các giá trị văn hóa tinh thần mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số.
Các cấp ủy đảng, chính quyền và ban, ngành trong tỉnh đều xác định rằng, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số rất phong phú, độc đáo, đa dạng, góp phần làm nên bản sắc dân tộc, tồn tại trong dân gian dưới dạng vật thể và phi vật thể, rất dễ bị mai một nhưng chưa được điều tra, thống kê, sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu đầy đủ, đã và đang có nguy cơ cao bị phai nhạt, mất dần, nhất là những vùng tái định cư các công trình thủy điện. Bên cạnh mặt tích cực, văn hóa phi vật thể của các dân tộc cũng có những hạn chế như một số phong tục, tập quán lạc hậu, gây cản trở cho sự phát triển kinh tế - xã hội, sự tiến bộ của cộng đồng các dân tộc.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên giáo trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống trong đồng bào các dân tộc thiểu số, một số kinh nghiệm đã được rút ra trong quá trình thực hiện ở Lai Châu là:
Một là, phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối kết hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể; sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tạo điều kiện cho hoạt động văn hóa, văn nghệ thực sự phát huy có hiệu quả trong thực tiễn đời sống xã hội.
Hai là, hoạt động tuyên truyền phải luôn sáng tạo, đa dạng, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm; đối tượng làm công tác tuyên truyền phải am hiểu phong tục, tập quán, tâm lý của đồng bào vùng dân tộc, phải có chuyên môn nghiệp vụ; nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với nhận thức của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Ba là, tăng cường quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, gắn kết bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch.Tiếp tục thống kê, kiểm kê, đăng ký quản lý các di vật, cổ vật, bảo vật; đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu văn hoá dân gian; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học về các giá trị văn hoá truyền thống; khôi phục và nâng cao giá trị các lễ hội đặc sắc; mở lớp bồi dưỡng về dân ca, dân vũ truyền thống... phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, bắt kịp sự phát triển của thời đại.
Bốn là, tập trung đầu tư, hỗ trợ công tác sưu tầm, bảo tồn các làng nghề thủ công truyền thống; các làng văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch. Xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, trang phục một số dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một. Có cơ chế hỗ trợ, tôn vinh đối với các nghệ nhân và những người am hiểu văn hóa truyền thống, có công trong việc bảo vệ, truyền dạy, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.
Năm là, phát triển văn hóa của tỉnh theo hướng vừa kế thừa, phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, vừa loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu, lỗi thời trong đời sống văn hóa của nhân dân. Cùng với đó là phải tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm giàu thêm cho kho tàng văn hóa của tỉnh. Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. Cần quán triệt thực hiện tốt phương châm phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội.
Sáu là, đẩy mạnh việc xây dựng ban hành các chính sách, nhất là chính sách kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế nhằm khai thác tiềm năng kinh tế hỗ trợ cho văn hóa phát triển đồng thời bảo đảm yêu cầu chính trị, tư tưởng của hoạt động văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc; hỗ trợ cho các đội văn nghệ quần chúng cơ sở hoạt động thường xuyên. Đề nghị Trung ương xây dựng nghiên cứu đề án cấp nhà nước về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong vùng tái định cư các công trình thủy điện. Tăng cường mức đầu tư kinh phí xây dựng các nhà văn hóa thôn, bản; phủ sóng truyền hình vùng trũng, xây dựng các thiết chế văn hóa các cấp nhất là cấp tỉnh (Hiện nay tỉnh Lai Châu chưa có kinh phí để xây dựng bảo tàng, thư viện, sân vận động, nhà thi đấu đa năng...). Cần có cơ chế chính sách hỗ trợ, tôn vinh các nghệ nhân, đội văn nghệ quần chúng…./.
TG