(TG)
- Với tính năng ưu việt, truyền hình OTT – truyền hình qua Internet
không phụ thuộc vào mạng lưới, có thể tương tác với người dùng và mang
tính cá nhân hóa cao. Truyền hình OTT có thể sử dụng nhiều thiết bị,
phục vụ các yêu cầu khác nhau và không bị giới hạn về thời gian, không
gian.
Sáng ngày (29/5) tại Hà Nội, Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) và Công ty cổ phần công nghệ công nghiệp VNPT Technology (Tập đoàn VNPT) phối hợp tổ chức hội thảo giới thiệu giải pháp dịch vụ truyền hình OTT cho người Việt Nam tại nước ngoài.
Báo cáo tại hội thảo cho biết, đến năm 2015, Việt Nam có hơn 4 triệu kiều bào đang sinh sống và làm việc tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tập trung chủ yếu tai khu vực Bắc Mỹ, Canada, Đông Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhu cầu kết nối, tiếp cận các nội dung thông tin đối ngoại, lịch sử, văn hóa, giáo dục từ Việt Nam của cộng đồng người Việt xa tổ quốc đang là một thách thức lớn cho ngành Thông tin, truyền thông nói riêng và Cục Thông tin Đối ngoại nói chung.
Tại Việt Nam, VNPT Technology là một trong những doanh nghiệp công nghệ đi đầu trong việc xây dựng giải pháp truyền hình OTT trên nền Internet phục vụ đông đảo các đối tượng công chúng. Với hơn 3 năm kinh nghiệm, nghiên cứu và phát triển VNPT Technology đưa ra giải pháp tổng thể và toàn diện phát triển truyền hình OTT dựa trên CMS - hệ thống quản lý nội dung thuê ba, hệ thống Head – end – Xử lý, mã hóa, nén nội dung, CDN – hệ thống phân phối nội dung thông minh, VNPT đã ứng dụng giải pháp để triển khai thử nghiệm thành công tại Việt Nam.
VNPT Technology chủ động đề xuất triển khai các dịch vụ kênh truyền hình, truyền thanh, các ứng dụng phục vụ giáo dục: Học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa, lịch sử Việt Nam, các chương trình, video giải trí và trang tin tổng hợp và dịch vụ truyền hình, phát thanh xem lại tại nước ngoài trên nền tảng công nghệ OTT. Theo mô hình đã thành công trong nước, VNPT Technology kiến nghị đặt các nguồn nội dung Orgin tại Việt Nam và triển khai đặt thêm các caching note tại các khu vực có đông kiều bào sử dụng dịch vụ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Minh Giang – Phó Cục trưởng cục thông tin đối ngoại mong muốn VNPT Technology tiếp tục nghiên cứu và phát triển giải pháp truyền hình OTT phối hợp với các hạ tầng sẵn có của các dự án truyền hình phục vụ kiều bào tại nước ngoài như VTC 10, VTV4 để tối đa hóa đường truyền và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nội dung. Đồng thời, ông mong muốn VNPT Technology tích cực phối hợp với các đại sứ quán, sự kiện, ngày hội văn hóa Việt Nam tại nước ngoài để cộng đồng người Việt có điều kiện tiếp cận với công nghệ mới.
Ông Nguyễn Quang Lộc – chuyên viên Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cũng bày tỏ ấn tượng với giải pháp công nghệ OTT được VNPT Technology phát triển. Trên phương diện người làm trong lĩnh vực truyền hình và thông tin điện tử. Theo quyết định Phê duyệt quy hoạch phát thanh – truyền hình đối ngoại đến năm 2020 (1209/QĐ – TTg) của Thủ tướng chính phủ năm 2012, đến năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng 20 kênh truyền hình và 4 kênh phát thanh phục vụ kiều bào.
Ông Trần Hữu Quyền – Phó chủ tịch hội đồng công nghệ VNPT Technology nhấn mạnh: Với mong muốn tận dụng thế mạnh của truyền hình thế hệ mới, VNPT đang tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hơn nữa giải pháp đưa truyền hình OTT trở thành kênh kết nối mạnh mẽ cộng đồng người Việt Nam xa tổ quốc. VNPT Technology hoàn toàn chủ động và tự tin triển khai giải pháp truyền hình OTT cho kiều bào xa tổ quốc dựa trên sự chủ động về công nghệ và nội dung. Tuy nhiên, để VNPT Technology phục vụ tốt hơn 4 triệu kiều bào còn cần hỗ trợ chính sách và sự cộng tác của nhiều cơ quan, ban, ngành đặc biệt là sự hợp tác của Vụ hợp tác quốc tế, cục thông tin đối ngoại, cục phát thanh truyền hình, cục xuất bản, cục tần số và các đài phát thanh, truyền hình trong nước.
Theo số liệu thống kê từ Generator Research nửa đầu năm 2015, thế giới có khoảng 1 Tỷ người dùng sử dụng dịch vụ truyền hình OTT. Nhiều kênh truyền hình nổi tiếng tại Mỹ và các quốc gia đã phát triển truyền hình OTT thành một kênh riêng biệt để tối ưu hóa các sản phẩm nội dung và tăng tính tương tác với cộng đồng./.
Duy Phong