Báo cáo của Chương trình
Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) năm 2018 cho thấy: Cứ mỗi phút trên thế
giới có một triệu chai nước uống bằng nhựa được mua bán; mỗi năm thải ra
năm nghìn tỷ túi ni-lông dùng một lần. Rác thải nhựa đang hằng ngày,
hằng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe
con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Tại Việt Nam, nếu
trung bình khoảng 10% chất thải nhựa, túi ni-lông dùng một lần không
được tái sử dụng, thì mỗi năm phát sinh 2,5 triệu tấn chất thải nhựa.
Ðáng lo ngại, theo các kết quả nghiên cứu, Việt Nam đứng thứ tư trên thế
giới về lượng rác thải nhựa ra biển, với khoảng từ 0,28 đến 0,73 triệu
tấn mỗi năm (tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế
giới).
Theo PGS. TS. Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và
Môi trường - Bộ TN&MT): Mặc dù lượng rác thải nhựa
ngày càng gia tăng nhưng nước ta mới quy định là nhóm có khả năng tái
sử dụng, tái chế; chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để quản lý, thu gom
và xử lý. Trong khi đó, việc thải bỏ, hoặc làm mất ngư cụ trong hoạt
động khai thác thủy sản, thải bỏ rác thải nhựa trong các hoạt động kinh
tế - xã hội khác diễn ra trên biển cũng chưa được quản lý, kiểm soát
chặt chẽ.
Thực tế cho thấy: Rác thải nhựa chưa được quản lý tốt tại các
hải đảo, khu du lịch biển, nhất là các bãi biển. Việc xả rác thải nhựa
bừa bãi, cùng với một lượng lớn rác thải từ đại dương dạt vào các đảo,
bãi tắm, nhất là trong mùa du lịch đang là vấn đề đáng báo động.
Rác
thải nhựa đổ ra biển sẽ gây ô nhiễm trên diện rộng, ảnh hưởng môi trường
sống của các loài động vật biển như cá heo, rùa biển, chim biển, nhất
là các hạt vi nhựa có kích cỡ dưới 5 mm có thể tích tụ trong cơ thể các
loài cá, gây độc hại cho sức khỏe con người nếu ăn phải.
Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ TN&MT) Hoàng Văn Thức cho biết:
Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách liên quan trực
tiếp đến vấn đề quản lý chất thải nhựa và túi ni-lông. Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt Ðề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng
túi ni-lông khó phân hủy đến năm 2020; phê duyệt điều chỉnh Chiến lược
quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến
năm 2050.
Bộ TN&MT phối hợp các bộ, ngành và địa phương tổ chức các
hội thảo phổ biến, tuyên truyền tác hại của việc sử dụng túi ni-lông khó
phân hủy, khuyến khích cộng đồng, người dân tăng cường sử dụng túi
ni-lông phân hủy sinh học.
Ðáng chú ý, Bộ TN&MT còn triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền,
nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về tác hại của rác thải nhựa
như: Phát động phong trào thi đua "Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa
và ni-lông" kêu gọi mỗi cán bộ, công nhân viên chức và người lao động
trong toàn ngành TN&MT hành động và vận động gia đình, người thân
cùng thực hiện "Nói không với sản phẩm nhựa và túi ni-lông sử dụng một
lần".
Bộ TN&MT cũng đã phối hợp nhiều địa phương trên cả nước tổ chức
các chiến dịch "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần"; thu gom và
tái chế chất thải nhựa, túi ni-lông tại các chợ, siêu thị, trung tâm
thương mại, khu dân cư... nhằm khuyến khích người tiêu dùng giảm đến mức
thấp nhất việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân
hủy và từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi.
Mới đây Bộ TN&MT phối hợp
UBND thành phố Hà Nội, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
tổ chức lễ ra quân toàn quốc phong trào "Chống rác thải nhựa năm 2019".
Hưởng ứng phong trào, hầu hết các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa
phương, cộng đồng doanh nghiệp đã có những hành động và việc làm thiết
thực tại đơn vị mình.
Đối với cộng đồng, doanh nghiệp, Bộ TN&MT đề nghị các đơn vị xây
dựng và thực hiện nghiêm túc các chương trình tuyên truyền về chống rác
thải nhựa, túi ni-lông sử dụng một lần, với các hình thức phong phú, đa
dạng, phù hợp từng đối tượng tuyên truyền, tạo sự lan tỏa sâu rộng.
Thông qua các chương trình tuyên truyền góp phần giúp các doanh nghiệp,
cộng đồng dân cư chuyển biến từ nhận thức sang hành động cụ thể, nhằm sử
dụng rác thải nhựa, túi ni-lông thân thiện môi trường một cách tiết
kiệm và hiệu quả.
Tổ chức bình chọn và công bố các sản phẩm, cửa hàng, siêu thị thân
thiện với môi trường để khuyến khích, tôn vinh kịp thời các doanh
nghiệp, tổ chức, cá nhân có những đóng góp trong việc giải quyết vấn đề
rác thải nhựa.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương,
doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng
trong tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến tại các địa
phương, doanh nghiệp có những mô hình, sáng kiến, hành động thiết thực
trong giải quyết rác thải nhựa; đồng thời cần thẳng thắn, mạnh mẽ phê
phán những bất cập, hạn chế trong việc sử dụng, quản lý chất thải nhựa
để có những điều chỉnh hợp lý, kịp thời.
Các cơ quan truyền thông tiếp
tục tuyên truyền một cách trung thực, khách quan, nhanh chóng về việc
chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc bằng nhiều hình thức khác
nhau trên tất cả các loại hình báo chí... góp phần tích cực giúp người
dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể cộng đồng
"nói không" với thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần./.