(TG) - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban
Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, truyền thống “văn
nghệ sĩ - chiến sĩ” đã được hun đúc nên từ trong lửa đạn chiến tranh và
những thử thách khắc nghiệt trong những bước ngoặt lịch sử của dân tộc
là vô cùng quý báu và cần tiếp tục được gìn giữ, phát huy.
Ngày 25/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng”. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (Hội đồng); Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm nhiệm Hội đồng; các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng: Bùi Thế Đức, Trần Khánh Thành và Ngô Phương Lan.
Cùng dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; các nhà quản lý, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VH-NT); các văn nghệ sĩ cùng đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan, ban ngành Trung ương và địa phương…
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
LAN TỎA CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA, LỊCH SỬ DÂN TỘC ĐƯỢC HUN ĐÚC QUA CÁC CUỘC CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG
Phát biểu khai mạc và Đề dẫn Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh, Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá về sự lãnh đạo, định hướng, khích lệ của Đảng, Nhà nước đối với VH-NT nước nhà, nhất là mảng đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng; xác định rõ hơn vị trí, vai trò, đóng góp của VHNT đối với việc nắm bắt, phản ánh, lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc được hun đúc, ngời sáng trong các cuộc chiến tranh cách mạng....
Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ khái quát, trong lịch sử phát triển của VH-NT Việt Nam thời hiện đại, đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng luôn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Sự ra đời và phát triển của mảng VH-NT tiêu biểu và xuyên suốt này đã góp phần làm phong phú thêm nền VH-NT của dân tộc, góp phần vào việc nâng cao nhận thức, tư tưởng, tình cảm của nhân dân ta, cả người Việt Nam và người có nguồn cội Việt Nam ở nước ngoài. Đây là một chủ đề không chỉ mang tính sử thi hào hùng mà còn chứa đựng giá trị nhân văn, nhân bản sâu sắc, phản ánh chiều sâu và tầm cao tinh thần, ý chí, bản lĩnh, trí tuệ của dân tộc, truyền cảm hứng cho mọi giới, mọi người, mọi nhà.
Gần 80 năm trước, đội ngũ những người làm công tác văn hóa, văn nghệ thế hệ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã ngập tràn niềm vui và hạnh phúc trước sự đổi vận, đổi đời của dân tộc, của nhân dân và của chính họ. Họ đồng cam cộng khổ, gắn bó bền chặt với đời sống công, nông, binh; khám phá, ngợi ca và góp phần nhân lên niềm tin, sức mạnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng của cả dân tộc. Những văn nghệ sĩ tiêu biểu thời đó như Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Chế Lan Viên, Nguyễn Văn Bổng, Nông Quốc Chấn, Thế Lữ, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Bá Khoản, Võ An Ninh, Nguyễn Thế Đoàn… Nhiều người đã anh dũng hy sinh như Nam Cao, Trần Đăng, Trần Mai Ninh, Thôi Hữu, Tô Ngọc Vân…
Hình tượng nghệ thuật đẹp nhất thời đó là anh Vệ Quốc quân, là Bộ đội Cụ Hồ “Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường...”, “Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều/ Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo/ Núi không đè nổi vai vươn tới/ Lá ngụy trang reo với gió đèo”...
PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu khai mạc và Đề dẫn Hội thảo.
Sau chín năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược, với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, dân tộc ta lại bước vào cuộc trường chinh gần hai mươi năm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lại”. Thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược, đội ngũ văn nghệ sĩ của ta trưởng thành về mọi mặt với những tên tuổi lớn. Nền VH-NT của ta có bước phát triển mạnh mẽ về đội ngũ, không gian, cảm hứng, điều kiện sáng tạo, hiện thực đời sống và công chúng của chính nền văn nghệ cách mạng vẻ vang đó. Trong các tác phẩm VH-NT về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, đội ngũ văn nghệ sĩ đã vượt lên trên mức độ của những ghi chép lịch sử thông thường để phản chiếu hiện thực lịch sử và đời sống xã hội bằng cảm nhận, cảm xúc, tài năng và lòng yêu nước của mình.
Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, dù đã gần 50 năm chúng ta được sống trong không khí hòa bình, thống nhất, đổi mới và phát triển nhưng đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng vẫn luôn là dòng chảy mạnh mẽ, thao thiết, thôi thúc các thế hệ văn nghệ sĩ trong và ngoài quân đội say mê khám phá, sáng tạo. Số lượng tác phẩm VH-NT ra mắt công chúng trong những năm qua; chất lượng, sức lan tỏa các giải thưởng VH-NT cho thấy, đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng vẫn là “mảnh đất” thu hút mạnh mẽ sự sáng tạo của văn nghệ sĩ, là khoảng trời nghệ thuật hấp dẫn đối với công chúng.
Dù không còn giữ vị trí chủ lưu như trong giai đoạn văn nghệ 1945-1975 nhưng dòng VH-NT về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng vẫn luôn là dòng chảy quan trọng hàng đầu, có sức định hướng và lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn nghệ nước nhà. Dòng văn nghệ đó luôn nhận được sự quan tâm của các thế hệ văn nghệ sĩ, giới nghiên cứu lý luận, phê bình và đông đảo công chúng trên cả nước.
|
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu chào mừng Hội thảo.
GÓP PHẦN LÀM PHONG PHÚ VÀ RẠNG RÕ NỀN VĂN HỌC VIỆT NAM THỜI ĐẠI HỒ CHÍ MINH
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, trong gần 80 năm qua, nền VH-NT cách mạng nước ta luôn đồng hành với dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các thế hệ văn nghệ sĩ nối tiếp nhau “lớp cha trước, lớp con sau”; “lớp anh trước, lớp em sau” đi qua các cuộc kháng chiến, kiến quốc đã tạo nên đội quân văn nghệ thật hùng hậu với những phong cách sáng tạo độc đáo, để lại cho nền VH-NT Việt Nam nhiều tác phẩm giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, ghi dấu những tên tuổi đáng tự hào…
“Hôm nay, sau gần 80 năm nhìn lại, chúng ta có thể tự hào nói rằng, nền VH-NT Việt Nam về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, góp phần vào những thắng lợi to lớn của dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm phong phú và rạng rỡ nền văn học Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, đất nước ta đang bước vào vận hội mới; trong tình hình quốc tế và trong nước dự báo có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; đảm bảo quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí, sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam. Trong đó văn nghệ sĩ Việt Nam đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh cao cả và trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang.
“Đổi mới tư duy sáng tạo là quy luật bất biến, là đòi hỏi tất yếu của mỗi văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, hành trình tìm tòi, đổi mới nghiêm túc, đích thực, bao giờ cũng hướng đến chiếm lĩnh, khám phá và biểu hiện đầy đủ, toàn diện, sinh động và sâu sắc hiện thực cuộc sống và con người. Truyền thống “văn nghệ sĩ - chiến sĩ” đã được hun đúc nên từ trong lửa đạn chiến tranh và những thử thách khắc nghiệt trong những bước ngoặt lịch sử của dân tộc là vô cùng quý báu và cần tiếp tục được gìn giữ, phát huy”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trả lời phỏng vấn của báo chí bên lề Hội thảo.
Để phát huy vai trò của VH-NT trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị cần tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:
Thứ nhất, cần quán triệt sâu sắc vai trò quan trọng của văn hóa nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, cần phát huy hiệu quả của VH-NT trong việc xây dựng tinh thần, bản lĩnh, nhân cách người chiến sĩ quân đội nhân dân, người chiến sĩ công an nhân dân.
Thứ ba, bằng hoạt động VH-NT, cần phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ tư, cần có những chính sách khuyến khích, đầu tư đúng mức cho những tác phẩm VH-NT về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
“Quan điểm nhất quán của Đảng ta trong suốt 80 năm qua là coi văn hóa nghệ thuật là một mặt trận quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Hội thảo khoa học do Hội đồng Lý luận, phê bình VH-NT Trung ương tổ chức hôm nay là công việc có nghĩa thiết thực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển VH-NT, phát huy sức mạnh của VH-NT trong sự nghiệp bảo về Tổ quốc trong tình hình mới”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.
Hội thảo được tổ chức tại Hội trường Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
TIẾP TỤC NHÌN NHẬN, ĐÁNH GIÁ KHÁCH QUAN, TOÀN DIỆN, SÂU SẮC LÀ CẦN THIẾT, CẤP THIẾT
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 126 tham luận của đông đảo các nhà khoa học và văn nghệ sĩ trong cả nước, tập trung vào chủ đề và những vấn đề mà Hội thảo nêu ra.
Cùng với các nội dung tham luận, các ý kiến phát biểu tại Hội thảo thống nhất cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước ta đang trên đà hội nhập quốc tế sâu rộng, mạnh mẽ, bên cạnh những nỗ lực và thành tựu quan trọng, vẫn có một thực tế không vui vì “một số văn nghệ sĩ còn hạn chế trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống”, “có biểu hiện xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, hạ thấp chức năng giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí. Trong một số trường hợp, có biểu hiện cực đoan, chỉ tập trung tô đậm mặt đen tối, tiêu cực của cuộc sống hiện tại, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử hoặc bị các thế lực thù địch lôi kéo, đã sáng tác và truyền bá các tác phẩm độc hại, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân và đất nước” như Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra và nhắc nhở.
Hội thảo khoa học toàn quốc lần này được tổ chức vào thời điểm rất có ý nghĩa, khi Đảng ta vừa hoàn thành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; đang triển khai từng bước việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước ta trong năm 2024, hướng tới năm 2025.
85 tuổi, PGS. TS. Trần Luân Kim đến dự Hội thảo với nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm.
Hội thảo cũng thống nhất, việc tiếp tục nhìn nhận, đánh giá khách quan, toàn diện, sâu sắc thực trạng phát triển, vai trò và những đóng góp quan trọng của mảng VH-NT về đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là rất cần thiết, rất cấp thiết. Thực hiện công việc này là góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, hình thành nhận thức và thái độ tích cực, đúng đắn cho đông đảo công chúng, nhất là thế hệ trẻ đối với lịch sử và truyền thống anh hùng của dân tộc, khơi dậy, phát huy mạnh mẽ những giá trị văn hóa, tinh thần mang đậm bản sắc Việt Nam. Bằng cảm hứng, thái độ, tài năng và trách nhiệm của người nghệ sĩ, qua tác phẩm VH-NT, công chúng thêm nhiều lần được hòa mình trong những tác phẩm VH-NT lôi cuốn; được đắm chìm trong những trang văn, câu thơ, thước phim, màn kịch, bản nhạc, bức tranh, bức ảnh, điệu múa, không gian kiến trúc… phản ánh sinh động mọi mặt của cuộc sống, tìm về quá khứ, trải nghiệm thực tại, hướng tới tương lai. Để mỗi người cảm nhận, trân quý giá trị của máu xương, mồ hôi, nước mắt mà lớp lớp cha anh đã dâng hiến, góp phần xây dựng, vun đắp nền độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, dân chủ, chủ nghĩa xã hội.
Diễn ra trong một ngày với 4 phiên tham luận, trao đổi, bàn thảo, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ cùng đại biểu ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tập trung và cơ bản làm rõ, bàn sâu về những nhóm vấn đề sau:
Một là, đánh giá thực trạng của VH-NT trong việc phản ánh truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và quân đội ta trong 80 năm qua, nhất là mảng đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Sau năm 1975, đúng hơn là sau hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc thập niên bảy mươi, tám mươi thế kỷ XX, mảng đề tài vẫn tiếp tục được nhìn nhận, đánh giá ở những chiều cạnh mới hơn, đa dạng, sinh động hơn...
Hai là, phân tích, đánh giá thực trạng VH-NT khắc họa tầm vóc, ý nghĩa chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ở thời điểm 70 năm trước và những năm sau; quá trình hình thành và phát triển của hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, hình tượng nhân dân anh hùng từ khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân cuối năm 1944, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng cho đến nay hôm.
Các đại biểu thế hệ trẻ tham dự Hội thảo.
Ba là, phân tích, đánh giá thực trạng, vai trò của VH-NT cách mạng trong việc phản ánh hiện thực đời sống thời chiến tranh và thời hậu chiến. Những đổi mới trong quan điểm, tư duy, bút pháp của các văn nghệ sỹ.
Bốn là, đánh giá vai trò của các nhà văn, nghệ sĩ trong việc khắc họa hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, hình tượng Công an nhân dân và các lực lượng vũ trang qua các thời kỳ cách mạng. Đi sâu vào đội ngũ tác giả; thể loại tác phẩm; nội dung và nghệ thuật tác phẩm; chính sách, cơ chế, điều kiện, nguồn lực để khích lệ, cổ vũ sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
Năm là, phân tích ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa - xã hội đến sự hình thành và phát triển của đội ngũ sáng tạo và tác phẩm VH-NT về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, từ đó làm rõ hơn bối cảnh lịch sử, những thách thức cũng như cơ hội mà các nhà văn, nghệ sĩ phải đối mặt trong quá trình sáng tạo, trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các tác phẩm VH-NT hôm nay và mai sau.
Sáu là, đánh giá quá trình vận động và phát triển tư duy lý luận của Đảng và Nhà nước ta trong chỉ đạo, định hướng, khích lệ dòng VH-NT về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
Bảy là, đề xuất các hướng đi, cách làm trong nghiên cứu, giảng dạy, phê bình và tiếp nhận giá trị các tác phẩm VH-NT về chủ đề này ở các nhà trường, viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục và đào tạo./.
Tin, ảnh: THẾ HOÀNG