Theo Nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, người dân có thể góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức; tổ chức thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Trang thông tin điện tử của Quốc hội và các phương tiện thông tin đại chúng. Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ 2/1/2013 đến 31/3/2013.
Ngày 17/12, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã họp toàn thể phiên thứ 5 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh và các thành viên Ủy ban.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, đây là phiên họp quan trọng, nhằm rà soát lại một lần nữa toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trên cơ sở tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đóng góp của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 13 vừa qua.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên của Ủy ban tập trung rà soát, cho ý kiến chi tiết về các điều khoản, chương mục, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trước khi triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao cố gắng, nỗ lực của Thường trực Ban biên tập, Ban biên tập trong việc chủ động và khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp theo các ý kiến đóng góp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong một ngày làm việc, các thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tập trung cho ý kiến về những nội dung lớn, quan trọng của Hiến pháp được thể hiện trong các chương, điều cụ thể của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; trong đó tập trung vào các nội dung về tên gọi của Hiến pháp, bố cục của Hiến pháp, Lời nói đầu.
Các thành viên của Ủy ban cũng cho ý kiến, rà soát các điều khoản về chủ quyền nhân dân; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ tổ quốc; xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước./.
TH