Ngày 14/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố chín Luật, ba Nghị quyết và một Pháp lệnh.
Các Luật được công bố gồm: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật điện lực; Luật Hợp tác xã; Luật xuất bản; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng; Luật Thủ đô; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật dự trữ quốc gia.
Ba Nghị quyết gồm: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại và Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng.”
Nâng cao hiệu quả các quy định về phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống tham nhũng được thực hiện theo hướng củng cố, nâng cao hiệu quả các quy định về phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng. Trong đó, quy định Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng không thuộc cơ quan hành pháp, tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương sẽ quy định trong văn kiện của Đảng.
Về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị Luật quy định, người đứng đầu phải lựa chọn một hoặc một số hình thức công khai bắc buộc như niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Luật cũng quy định việc kê khai tài sản phải được công khai tại nơi thường xuyên làm việc của người có nghĩa vụ kê khai. Trong bản kê khai phải giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm bên cạnh làm rõ mọi biến động về tài sản của mình có trong thời kỳ kê khai. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống tham nhũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2013.
Ưu tiên phát triển điện lực phục vụ nông thôn, miền núi, biên giới hải đảo
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực quy định ưu tiên phát triển điện lực phục vụ nông thôn, miền núi, biên giới hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Luật cũng quy định giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực; Nhà nước hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế xã hội từng thời kỳ.
Về giá bán lẻ điện thì đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với các cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
Hoàn thiện hành lang pháp lý của Hợp tác xã
Luật hợp tác xã gồm 9 chương, 64 điều. Trong đó nêu rõ hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập, hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Luật cũng quy định các nội dung về vốn của hợp tác xã, thu nhập và phân phối thu nhập, xử lý vốn và tài sản của hợp tác xã khi giải thể, bị lỗ và việc trả lại vốn góp của các thành viên.
Tăng cường quản lý xuất bản phẩm điện tử, sách điện tử
Luật xuất bản gồm 6 chương, 54 điều. Trong đó, quy định cụ thể về đối tượng được thành lập nhà xuất bản bao gồm: Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội ở trung ương và cấp tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập…Luật cũng quy định về hình thức liên kết xuất bản với nhà xuất bản, về thông tin ghi trên văn bản phẩm. Luật Xuất bản quy định về Nhà xuất bản điện tử có đủ các điều kiện công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu vận hành và quản lý phục vụ xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử.
Tạo cơ sở pháp lý vững chắc xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại
Luật Thủ đô gồm 4 chương, 27 điều, quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Luật quy định các chính sách, cơ chế đặc thù của Thủ đô trong các lĩnh vực như quy hoạch, không gian kiến trúc, cảnh quan và trật tự xây dựng Thủ đô; bảo tồn và phát triển văn hóa; phát triển giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; quản lý và bảo vệ môi trường; quản lý đất đai; phát triển và quản lý nhà ở; quản lý giao thông vận tải...
Luật có quy định "trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo về việc thi hành Luật Thủ đô" nhằm tạo thêm cơ chế để Quốc hội trực tiếp thực hiện việc giám sát thi hành Luật Thủ đô, nâng cao trách nhiệm của chính quyền Hà Nội trong việc tổ chức thi hành Luật.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Luật sư
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động luật sư nhằm nâng cao chất lượng luật sư, chất lượng hành nghề luật sư, tạo điều kiện cho luật sư hành nghề và bổ sung một số quy định nhằm phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội-nghề nghiệp của luật sư trước những yêu cầu mới của cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, bảo đảm cho hoạt động luật sư tiếp tục phát triển ổn định và bền vững.
Luật cũng được bổ sung theo hướng làm rõ chức năng xã hội, nâng cao vị thế của Luật sư. Luật cũng bổ sung một số hành vi bị cấm đối với luật sư để nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm pháp lý của luật sư.
Thống nhất các quy định về thuế áp dụng đối với cá nhân có thu nhập
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ 1/7/2013, nhằm kịp thời khắc phục những bất cập của luật thuế thu nhập cá nhân: giảm mức động viên cho người nộp thuế, hướng nhiều về những người có thu nhập thấp trong biểu thuế thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước đối với người dân trong điều kiện kinh tế khó khăn; đảm bảo đơn giản hóa chính sách, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và công tác quản lý thu, đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thu.
Luật đã điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng; đồng thời bổ sung quy định “mở” để khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Đẩy mạnh cải cách hành chính thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật quản lý thuế đã kịp thời khắc phục những vướng mắc phát sinh trong quá trình trong quá trình thực hiện Luật quản lý thuế; cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế; bổ sung những phương thức mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế.
Luật sửa đổi 36 Điều trong tổng số 120 điều của Luật quản lý thuế và điều chỉnh hai nội dung về kỹ thuật văn bản. Những nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến 3 nhóm vấn đề lớn: nhóm vấn đề đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; nhóm vấn đề phục vụ mục tiêu cải cách-hiện đại hóa và hội nhập, phù hợp thông lệ quốc tế; nhóm vấn đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế để phù hợp với thực tế và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm chống thất thu ngân sách, giảm nợ đọng thuế.
Tạo cơ chế hình thành, quản lý, điều hành, sử dụng dự trữ quốc gia hợp lý
Luật dự trữ quốc gia kế thừa các mục tiêu nêu tại Pháp lệnh Dự trữ Quốc gia, để phù hợp với thực tiễn, mục tiêu của dự trữ quốc gia được quy định: Nhà nước hình thành, sử dụng dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh.
Luật quy định cơ quan dự trữ quốc gia có trách nhiệm tham mưu để Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia; trực tiếp quản lý hàng dự trữ quốc gia theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh chủ chốt từ năm 2013
Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn quy định đối tượng lấy phiếu tín nhiệm gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước. Nghị quyết cũng quy định về mức độ tín nhiệm là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp.”
Đối với Hội đồng Nhân dân, số người lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm tùy theo từng cấp chính quyền tỉnh, xã, gồm: Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Ủy viên thường trực Hội đồng Nhân dân, Trưởng ban của Hội đồng Nhân dân; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban Nhân dân.
Ở những nơi đang thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân thì những chức danh chính quyền cũng được lấy phiếu tín nhiệm hằng năm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 nhưng với mức độ, quy mô khác. Nghị quyết cũng quy định việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ hàng năm kể từ năm thứ 2 của nhiệm kỳ được bầu hoặc phê chuẩn. Riêng nhiệm kỳ 2011-2016 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu sẽ tiến hành tại kỳ họp Quốc hội, Hội đồng Nhân dân đầu năm 2013.
Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong thời gian 3 tháng
Nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định rõ, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải tổ chức thảo luận với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia sửa đổi hiến pháp năm 1992.
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bắt đầu từ ngày 2/1/2013 và kết thúc ngày 31/3/2013.
Góp phần giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp
Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại gồm 3 điều, trong đó nội dung quan trọng cơ bản là: Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại đến hết ngày 31/12/2015 và mở rộng tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2015.
Chính phủ quy định cụ thể và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại; các tổ chức Thừa phát lại được thành lập và hoạt động theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 được tiếp tục hoạt động từ ngày 1/7/2012 cho đến khi Quốc hội có quyết định mới. Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và các bộ, ngành liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện và hướng dẫn thi hành Nghị quyết; kết thúc thí điểm; việc tổ chức tổng kết, đánh giá về mô hình này được toàn diện, đầy đủ; báo cáo Chính phủ, Quốc hội theo quy định.
5 nhóm đối tượng được xét tặng, truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng"
Cho đến nay đã có 49.609 bà mẹ được tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”, tuy nhiên hiện chỉ còn 3.923 bà mẹ còn sống. Nhằm tiếp tục khẳng định công lao và tôn vinh những bà mẹ đã có nhiều cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” có hiệu lực từ 1/1/2013 đã mở rộng tới 5 nhóm đối tượng được tặng, truy tặng danh hiệu này.
Những nhóm đối tượng gồm: Có 2 con trở lên là liệt sỹ; chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sỹ và 1 con là thương binh 81% trở lên; chỉ có 1 con mà người đó là liệt sỹ; có 1 con là liệt sỹ và có chồng hoặc bản thân là liệt sỹ; có 1 con là liệt sỹ và bản thân là thương binh 81% trở lên. Theo đại diện của Bộ Quốc phòng, với quy định này thì số lượng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng được tặng và truy tặng sẽ tăng lên gần 20.000 người trong đó khoảng 6.800 bà mẹ còn sống.
Người được tặng, truy tặng danh hiệu được tặng Huy hiệu, Bằng danh hiệu và được hưởng chế độ ưu đãi như: Được tổ chức lễ tặng hoặc truy tặng; được hưởng khoản tiền 1 lần và được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật về ưu đãi đối với người có công với cách mạng; khi Bà mẹ Việt Nam Anh hùng từ trần được tổ chức tang lễ trang trọng; kinh phí tổ chức lễ tặng hoặc truy tặng, tổ chức lễ tang do Nhà nước bảo đảm./.
Theo TTXVN