Báo chí trong nước và quốc tế đã dành rất nhiều giấy mực để bàn về một game trăm phần trăm “Made in Việt Nam” có sức lôi cuốn toàn cầu này, thậm chí có ý kiến còn lạc quan rằng đây sẽ mở đầu cho một câu chuyện thành công tương tự như Facebook…
Dù ở khía cạnh nào, thì trò chơi đơn giản nhưng có sức cuốn hút đến phát “nghiện” đối với người chơi của một lập trình viên trẻ Việt Nam-Nguyễn Hà Đông cũng đã mang lại giá trị không nhỏ, từ nguồn thu cho tác giả (và sau đó là cho GDP) cho đến việc góp phần quảng bá để thế giới biết nhiều hơn về Việt Nam.
Nhưng đó chưa phải là tất cả.
Nhiều chuyên gia IT đều cho rằng việc thành công về lượt tải hay mức doanh thu của Flappy Bird là niềm tự hào của ngành ứng dụng CNTT Việt Nam và đây sẽ là “liều thuốc kích thích” để các doanh nghiệp đầu tư hơn nữa trong việc phát triển các ứng dụng, chinh phục người dùng thế giới.
Phóng viên công nghệ của BBC còn bình luận thành công của Flappy Bird trước các doanh nghiệp khổng lồ của thế giới cũng giống như chàng David nhỏ bé thách thức được người khổng lồ Goliath.
Nhìn lại toàn bộ quãng đường trước đó của ngành ứng dụng CNTT Việt Nam, có phải Flappy Bird chỉ là một thành công ngẫu nhiên, “từ trên trời rơi xuống”?
Từ rất lâu, Việt Nam đã xác định CNTT-TT là một mũi nhọn cần tập trung phát triển, với tiềm năng hết sức to lớn. Có rất nhiều ví dụ để chứng minh cho quyết tâm phát triển CNTT của Việt Nam. Đó là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó CNTT-TT được xác định là một phương thức phát triển mới, là hạ tầng của mọi hạ tầng. Đó là Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/09/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông"… Đó còn là việc đích thân Thủ tướng Chính phủ đảm trách vai trò Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT, vừa được Thủ tướng thành lập đầu năm 2014.
Phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao về CNTT-TT năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ, Chính phủ Việt Nam xác định CNTT là một trong các động lực quan trọng nhất của phát triển; phát triển và ứng dụng CNTT là con đường ngắn nhất để Việt Nam tiến kịp các nước phát triển, tiến cùng thời đại.
Đương nhiên, chính sách CNTT của Việt Nam không trực tiếp “làm nên” thành công của Flappy Bird. Trò chơi đơn giản và như tác giả cho biết, nó được viết chỉ trong vài ngày, nhưng đó là kết quả của niềm đam mê miệt mài làm việc và tích lũy kinh nghiệm trong nhiều năm của tác giả.
Nhưng như Thông điệp đầu năm mới 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thì “Nhà nước không làm thay dân” mà “phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển”, “tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội”.
Qua câu chuyện thành công của Flappy Bird, có thể xem nó như một ví dụ chứng minh tính đúng đắn trong chiến lược phát triển CNTT Việt Nam; cho thấy rằng CNTT thực sự là một cơ hội đối với Việt Nam và Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng để để tận dụng cơ hội ấy. Một điểm đáng chú ý khác, bản thân Nguyễn Hà Đông cũng là một sản phẩm “Made in Việt Nam”, được đào tạo từ “ lò” Đại học Bách khoa Hà Nội.
Sự quan tâm của Chính phủ đối với ngành CNTT là lý do cho cuộc gặp ngày 11/2 với chàng kỹ sư trẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cũng là “dân công nghệ” và hiện đang là Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực này.
Những thông tin ít ỏi trên báo chí nước ngoài cho biết "chỉ vì cuộc gặp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và một câu động viên, ủng hộ mà Nguyễn Hà Đông đã lui cuộc hẹn phỏng vấn với báo chí nước ngoài lại". Rất nhiều người muốn biết nội dung cuộc gặp nhưng không có thông tin, chỉ biết cuộc gặp không có báo chí, không được thông báo, chỉ có Nguyễn Hà Đông và một vài người bạn của Đông.
Có ý kiến bình luận rằng cuộc gặp là một sự động viên mạnh mẽ đối với Nguyễn Hà Đông vào lúc khó khăn, khi vừa quyết định “khai tử” trò chơi sau những gì mà anh nói là “không thể chịu đựng nổi”. Ngay với giả thiết rằng chàng kỹ sư này đang có những kế hoạch mới, như một cơ quan truyền thông nước ngoài nêu ra, là nhờ “giết đi” nhanh chóng Flappy Bird, Nguyễn Hà Đông tạo cảm giác hồi hộp chờ game mới của anh, thì ý nghĩa của cuộc gặp cũng không vì thế mà giảm đi.
Cuối năm 2013, dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thẳng thắn chia sẻ, rằng ngành CNTT Việt Nam đã đi trước một bước, nhưng nếu nói Việt Nam đã trở thành một nước mạnh về công nghệ thông tin một cách toàn diện hay chưa, thì chắc là chưa. Phó Thủ tướng được VnEconomy dẫn lời: “Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT đã đặt ra rồi. Khi đã đặt ra rồi mà không thực hiện được thì sẽ mất nhuệ khí. Đây là một thách đố của chúng ta”.
Vì thế, những tài năng như Nguyễn Hà Đông cần phải được tiếp sức, những đam mê, khát vọng riêng lẻ cần được thổi bùng lên. Chỉ có như vậy, những đôi cánh của CNTT Việt Nam mới có thể tiếp tục bay cao hơn, xa hơn.
(Theo chinhphu.vn)