Hai cầu vượt nhẹ ở nút giao Láng Hạ-Thái Hà và nút giao cắt Chùa Bộc-Thái Hà (Hà Nội) cho thấy tính hiệu quả của một chủ trương đúng, quyết định đúng, bởi tiến độ thi công, giá thành thấp, có thể tái sử dụng được. Quan trọng hơn, nó mở ra một hướng đi đúng trong việc xây dựng tuyến giao thông đồng mức và các giao cắt lập thể, phù hợp với tình thế hiện thời.
Ùn tắc giao thông là vấn đề “nóng” của ngành Giao thông và là hiện trạng nhức nhối ở hai thành phố lớn của đất nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cho đến nay, cơ quan chức năng vẫn còn loay hoay chưa tìm được lời giải đúng cho vấn đề này. Để tháo gỡ, Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn giải pháp hạn chế xe cá nhân là một trong 3 giải pháp chủ đạo nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tiếc rằng, chủ trương đó chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, không thấu đáo, áp đặt… nên dư luận bày tỏ sự không đồng tình.
Trong khi chưa thể tìm ra một đáp số đúng, thì Hà Nội, đã có một cách “giảm nhiệt” bằng việc nghiên cứu, đầu tư xây dựng, nhanh chóng đưa vào sử dụng 2 cây cầu vượt lắp ghép ở 2 nút giao thông trọng điểm Láng Hạ-Thái Hà và nút giao cắt Chùa Bộc-Thái Hà. Kết quả là ở những nút thắt trọng điểm ấy, tình trạng giao thông được cải thiện rõ rệt, người dân vui vẻ, đồng tình.
Hai cầu vượt nhẹ ở nút giao Láng Hạ-Thái Hà và nút giao cắt Chùa Bộc-Thái Hà cho thấy tính hiệu quả của một chủ trương đúng, quyết định đúng, bởi tiến độ thi công, giá thành thấp, có thể tái sử dụng được. Quan trọng hơn, nó mở ra một hướng đi đúng trong việc xây dựng tuyến giao thông đồng mức và các giao cắt lập thể, phù hợp với tình thế hiện thời. Từ hiệu quả nhãn tiền của những chiếc cầu vượt nhẹ nói trên, Hà Nội đang có chủ trương nghiên cứu, xây dựng những cây cầu tiếp theo để giải quyết tốt hơn bài toán giao thông.
Tuy nhiên, cũng thuộc lĩnh vực giao thông, đã có những quyết định chưa chuẩn xác, thiếu hiệu quả, gây tốn kém, bức xúc trong nhân dân. Điển hình là những hầm ngầm sang đường hoặc những cây cầu vượt bê tông sừng sững trên quốc lộ 5 nhưng chẳng mấy ai sử dụng.
Từ kết quả bước đầu của 2 cây cầu vượt nhẹ ở Hà Nội nhìn lại mới thấy rằng, nếu công tác tham mưu được thực hiện nghiêm túc, tham mưu đúng, thì có lẽ giao thông Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh những năm qua đã không chịu cảnh ùn tắc nghiêm trọng.
Nói về công tác tham mưu, đây là vấn đề hết sức quan trọng. Tham mưu là phải hiến kế đúng, trúng; những ý kiến, đặc biệt là chủ trương, quyết định lớn phải hàm chứa trí tuệ, có tầm dự báo xa mới mang lại hiệu quả và tìm được sự đồng thuận cao khi tổ chức thực hiện. Quan trọng hơn, khi tham mưu chưa đúng, chưa phù hợp với tình hình thực tế thì phải mạnh dạn, kịp thời sửa đổi chứ không theo đuổi “cố đấm ăn xôi”, dẫn đến những hậu quả không lường trước được. Đó mới chính là tinh thần cầu thị, là phương pháp làm việc, vì lợi ích của đất nước, nhân dân./.
(Theo: V.Phong/QĐND)