Thứ Ba, 24/9/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 5/1/2013 15:2'(GMT+7)

Tự "châm lửa đốt nhà"

Cảnh tượng trước văn phòng của tờ Charlie Hebdo sau khi bị tấn công bằng bom cháy hồi năm 2011. (Ảnh: Huffingtonpost)

Cảnh tượng trước văn phòng của tờ Charlie Hebdo sau khi bị tấn công bằng bom cháy hồi năm 2011. (Ảnh: Huffingtonpost)

Vì mục đích “giáo dục” hay “doanh thu”?

Tổng biên tập Xtê-phan Sác-bon-ni-ê (Stephane Charbonnier) của tờ tuần báo cho biết, ý tưởng về cuốn truyện tranh mang tên "Cuộc đời Mô-ha-mét" nảy ra trong đầu ông từ hồi năm 2006 khi một tờ báo ở Đan Mạch vẽ tranh biếm họa nhà tiên tri Mô-ha-mét, bức tranh sau đó được Charlie Hebdo đăng lại và khiến thế giới Hồi giáo phẫn nộ. Vị chủ bút nói rằng, đây là một tác phẩm được nghiên cứu kỹ lưỡng, mang tính giáo dục do một nhà xã hội học người Pháp gốc Tuy-ni-di biên soạn. Chính ông Xtê-phan Sác-bon-ni-ê là người chắp bút minh họa trang bìa của ấn phẩm. Được biết, giá bán mỗi cuốn truyện tranh là 6 ơ-rô (khoảng 8USD). “Đạo Hồi là tôn giáo lớn thứ hai ở Pháp tính về số tín đồ, và thực tế là chẳng ai biết điều gì về nhà tiên tri Mô-ha-mét, chẳng ai biết gì về tôn giáo này cả… Đây là tiểu sử được giới Hồi giáo cho phép vì do người Hồi giáo biên soạn. Tôi không nghĩ là những người Hồi giáo có học vấn cao hơn có thể tìm thấy bất cứ điều gì không hợp lý”, ông Xtê-phan Sác-bon-ni-ê nói với Euronews.

Dư luận trong giới báo chí Pháp cho hay,  Charlie Hebdo vốn chẳng phải là một tạp chí "giàu có" gì cho lắm . Để duy trì được hoạt động, theo thông tin từ tờ “Người bảo vệ” của Anh, Charlie Hebdo “phải” bán hết 30.000 số báo của mình mỗi tuần. Đáng chú ý là, cứ sau mỗi lần cho đăng những bức tranh biếm họa gây tranh cãi về nhà tiên tri Mô-ha-mét thì doanh số bán ra của tờ báo lại tăng gấp đôi. Gần đây nhất, hồi tháng 9 vừa qua, Charlie Hebdo đã xuất bản một bức hình nhà tiên tri Mô-ha-mét khỏa thân, ngay lập tức chỉ trong vài giờ, tờ báo này đã ở trong tình trạng “cháy hàng”. Từ đây, người ta phần nào hiểu được lý do vì đâu mà Charlie Hebdo "liều mạng" thách thức thế giới Hồi giáo khi liên tục thể hiện sự “ưa chuộng” đối với chủ đề về nhà tiên tri Mô-ha-mét.

Lạm dụng quyền tự do ngôn luận

Đối với nhiều người Hồi giáo, việc khắc họa nhà tiên tri Mô-ha-mét bằng bất cứ hình ảnh phàm trần nào đều bị coi là báng bổ. Trong khi đó, ấn phẩm “Cuộc đời Mô-ha-mét" lại có hình vẽ những người đàn ông khỏa thân đội khăn xếp trên trang nhất và cả ngực phụ nữ. Truyện còn vẽ nhà tiên tri Mô-ha-mét thuở thiếu thời vui đùa cùng những đứa trẻ đồng trang lứa khác. Thế mà, Sác-bon-ni-ê khăng khăng rằng cuốn truyện có ý đồ tốt và không gây xúc phạm. Sự ra đời của cuốn truyện còn được “hô hào” là nằm trong mục đích “bảo vệ quyền tự do ngôn luận”.

Trong quá khứ, vì những động thái tương tự kiểu này mà Charlie Hebdo đã từng phải hứng chịu hậu quả. Năm 2011, văn phòng của Charlie Hebdo đã bị tấn công bằng bom cháy và trang web của họ bị chiếm quyền kiểm soát. Bản thân Tổng biên tập Sác-bon-ni-ê thường xuyên phải nhận các thư đe dọa ám sát và được cảnh sát bảo vệ 24/24 giờ. Không chỉ tự chuốc vạ vào thân mà tờ Charlie Hebdo còn khiến chính phủ Pháp phải “tá hỏa” khi hồi tháng 9 vừa qua, cho đăng một bức hình Mô-ha-mét khỏa thân trong bối cảnh leo thang các cuộc biểu tình bạo lực tại nhiều nước liên quan đến một bộ phim báng bổ đạo Hồi. Khi ấy, chính phủ Pháp đã phải đóng cửa đại sứ quán đồng loạt tại khoảng 20 nước do lo ngại bị tấn công. Với việc xuất bản cuốn truyện này, một làn sóng giận dữ khủng khiếp của cộng đồng Hồi giáo được cho là sẽ "đổ ập" xuống đầu Charlie Hebdo, thậm chí là cả nước Pháp và các nước phương Tây.

Thông tin ông Sác-bon-ni-ê nói rằng, người Hồi giáo cho phép viết tiểu sử về nhà tiên tri Mô-ha-mét hiện vẫn chưa được chứng thực và hiện tại cộng đồng người Hồi giáo chưa có phản ứng cụ thể. Mặc dù vậy, ngay sau khi ấn phẩm được xuất bản, tờ báo đã vấp phải những chỉ trích gay gắt từ dư luận nói chung. Ông I-bra-him Ca-lin (Ibrahim Kalin), cố vấn chính trị cấp cao của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã gọi hành động này là một sự khiêu khích có chủ ý và là một sai lầm. Trong khi đó, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) I-xa-nô-glu (E. Ihsanoglu) cũng lên tiếng bày tỏ sự quan ngại. Ông I-xa-nô-glu cho rằng, hành động này đi ngược lại quy chuẩn của của kiểu làm báo có trách nhiệm và chẳng khác gì là sự lạm dụng quyền tự do ngôn luận. Ông I-xa-nô-glu nhấn mạnh rằng, lấy tôn giáo để kích động thù hằn chính là vi phạm luật nhân quyền quốc tế. Ông I-xa-nô-glu kêu gọi chính phủ Pháp phải có biện pháp xử lý thích đáng với tờ Charlie Hebdo.

Để biện hộ cho hành động của mình, người đứng đầu Charlie Hebdo lập luận rằng, những bức tranh biếm họa về nhà tiên tri Mô-ha-mét “sẽ chỉ gây sốc với những ai muốn bị sốc”. “Tự do ngôn luận mà lại là khiêu khích ư?”, Huffingtonpost dẫn lời ông Sác-bon-ni-ê.

Không biết liệu rằng, vị tổng biên tập này có “vô tình” hay “hữu ý” mà quên đi rằng, không phải cứ tự do ngôn luận là có thể nói bất kể điều gì tùy thích. Thay vì đó, “phải bảo đảm sự cân bằng phù hợp giữa tự do ngôn luận và tôn trọng trật tự kỷ cương, không cần phải thêm dầu vào lửa” như lời người phát ngôn chính phủ Pháp N. Va-lô Ben-ka-xem (N. Vallaud-Belkacem) nói với Huffingtonpost khi nhận xét về ấn phẩm "Cuộc đời Mô-ha-mét"./.

(LÂM TOÀN/QĐND)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất