Ở khu vực châu Á, các nước ASEAN bước vào năm 2013 với 2 điểm mới: Brunei đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của khối và ASEAN có Tổng Thư ký mới.
Năm 2013, Brunei đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN. Brunei - một trong những nước có liên quan trong tranh chấp ở Biển Đông, cho biết hồ sơ Biển Đông sẽ được ưu tiên đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị của ASEAN.
Bắt đầu từ ngày 1/1/2013, ASEAN có Tổng Thư ký mới người Việt Nam, ông Lê Lương Minh, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp và có nhiều kinh nghiệm, đã từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ trong thời gian 2008/2009 khi Việt Nam là Ủy viên không thường trực của cơ quan quan trọng bậc nhất này của LHQ. Đây cũng là lần đầu tiên một người Việt Nam ở cương vị đứng đầu ASEAN.
Trong thông điệp mừng năm mới 2013, nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia đã nêu giải pháp với mong muốn khắc phục những yếu kém của năm cũ không chỉ trong lĩnh vực kinh tế.
Tại châu Âu, năm 2013, Anh sẽ đảm nhận chức Chủ tịch G8 (gồm các nước Anh, Pháp, Đức, Italia, Mỹ, Nhật Bản, Cannada, Nga). Trong thư gửi các nhà lãnh đạo G8 đầu năm mới, Thủ tướng Anh David Cameron đề xuất về chương trình nghị sự Hội nghị thượng đỉnh G8 trong năm 2013 tại Anh, bao gồm tăng cường các biện pháp chống tham nhũng trong ngành khai thác khoáng sản quốc tế, tăng cường giám sát việc đóng thuế của các công ty xuyên quốc gia cũng như khởi động đàm phán về việc thành lập khu vực thương mại tự do giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Cameron thừa nhận trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang tiếp diễn, việc giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước vẫn là nhiệm vụ chính đối với lãnh đạo các nước G8. Tuy nhiên, chỉ có thể đạt được việc khôi phục nền kinh tế các nước với nỗ lực phối hợp của tất cả các quốc gia trong G8.
Trong khi đó, nước Mỹ đón năm mới với một tin mừng khi Quốc hội nước này thông qua luật giảm thuế cho người dân trong nước để tránh va vào "vách đá tài chính". Luật mới đề xuất tăng thuế đối với các cá nhân có thu nhập từ 400.000 USD/năm trở lên và các hộ gia đình có thu nhập trên 450.000 USD/năm… Đây được coi là biện pháp tạm thời ngăn chặn nguy cơ tăng thuế và cắt giảm chi tiêu đe dọa nước Mỹ trong bối cảnh phục hồi mong manh sau "bão" tài chính 2008-2009 vừa qua.
Ở Nhật Bản, trong thông điệp nhân dịp năm mới, Thủ tướng Shinzo Abe cam kết sẽ nhanh chóng tiến hành các biện pháp khôi phục kinh tế và xây dựng lại chính sách ngoại giao. Ông Abe cho rằng Nhật Bản đang trong “tình trạng nguy kịch” do giảm phát kéo dài và tiến triển chậm chạp trong tái thiết sau thảm họa. Vì vậy, nhiệm vụ cấp thiết hiện nay đối với Chính phủ Nhật Bản là vượt qua khủng hoảng, đưa chính sách kinh tế, giáo dục và ngoại giao trở lại con đường phục hồi vì đó là cách thức lấy lại lòng tin trong nhân dân Nhật Bản. Về đối ngoại, ông Abe cam kết nỗ lực hết sức nhằm xây dựng lại chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ giữa nước này với một số nước láng giềng châu Á.
Còn với Palestine, Tổng thống nước này Mahmud Abbas cho rằng việc Palestine được nâng cấp quy chế lên “Nhà nước quan sát viên tại LHQ” đã khai sinh Nhà nước Palestine và năm 2013 sẽ là "Năm của một Nhà nước Palestine hoàn toàn độc lập".
Tại Việt Nam, trong thông điệp đầu năm mới 2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh 6 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: Nâng cao chất lượng thể chế và khả năng phản ứng chính sách, tạo lập niềm tin cho thị trường; điều hành chính sách tiền tệ theo tín hiệu thị trường và theo lạm phát mục tiêu, kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đề cao trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi công vụ; đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết sẽ tăng cường giúp các quốc gia trong khu vực châu Á ứng phó thiên tai với dự định đóng vai trò trung tâm việc tài trợ cho các rủi ro do thiên tai, điều phối viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật nhằm phòng chống thiên tai tại châu Á. ADB cho rằng hỗ trợ ban đầu về tài chính để ứng phó với thiên tai đang tiến hành ở các nước đang phát triển thuộc khu vực Đông Nam Á cần được thúc đẩy hơn nữa.
Theo một báo cáo của ADB, giai đoạn từ 1980-2009, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tạo ra gần 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu nhưng lại phải hứng chịu 38% thiệt hại kinh tế do thiên tai toàn cầu. Trong 20 năm qua, châu Á gánh 1/2 thiệt hại về kinh tế do thiên tai trên toàn thế giới, tức mất đi khoảng 927 tỷ USD. Trung bình mỗi năm, khu vực này chịu thiệt hại hơn 40 tỷ USD do thiên tai.
ADB lưu ý rằng các quốc gia trong khu vực gặp rủi ro cao do thiên tai, cả thiệt hại về người và kinh tế, gồm có Việt Nam, Bangladesh và Philippines./.
(Nguyễn Chiến/VGP)