Thứ Tư, 30/10/2024
Khoa giáo
Thứ Bảy, 25/7/2020 8:1'(GMT+7)

Từ công nghệ thông tin đến kinh tế tri thức

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, cái khác rất lớn là: trước đây, hoạt động thực tiễn giảng dạy nghiên cứu, chỉ lo tổ chức chỉ đạo thực hiện, còn giờ đây là làm tham mưu tuyến cuối cùng cho Trung ương Đảng về đường lối, chính sách, chiến lược phát triển các lĩnh vực khoa giáo, lĩnh vực con người vô cùng quan trọng. Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn nhắc tôi: Phải làm sao để Ban Khoa giáo Trung ương phát huy tốt nhất vai trò là cầu nối giữa đội ngũ trí thức với Đảng, giúp Đảng tập hợp được trí tuệ của toàn dân tộc…

Lãnh đạo Ban có anh Phạm Minh Hạc, Phó Trưởng ban thứ nhất, nguyên là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, về Ban cùng đợt với tôi, vốn là chỗ thân quen từ trước. Anh Phạm Tất Dong, Thường trực Ban - tôi mới gặp lần đầu khi “về cùng nhà” - là người thành thạo mọi việc ở Ban, thân thiện dễ mến, một “cây viết” giỏi, chỉ trong một đêm là viết xong một bài chỉnh chu theo “đặt hàng”. Anh Phạm Tất Dong còn lo công tác nội bộ cơ quan, chăm lo đời sống, giữ gìn sự đoàn kết trong Ban. Nhờ có anh, tôi yên tâm lo công việc chuyên môn. Ban Khoa giáo Trung ương lúc đó còn có một số Phó trưởng ban kiêm nhiệm: anh Vũ Đình Cự, anh Nguyễn Duy Quý… Các nhà khoa học quen biết lâu nay cũng thường đến trao đổi, góp ý kiến. Tôi rất vui khi thấy một không khí hòa hợp, đoàn kết, thân thiện trong toàn Ban với giới khoa học.

NĂNG LỰC QUẢN LÝ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN PHẢI THEO KỊP SỰ PHÁT TRIỂN

Nhiệm vụ đầu tiên tôi được Bộ Chính trị giao ngay sau khi về Ban là chuẩn bị Dự thảo Nghị quyết của Trung ương về khoa học và công nghệ (KH&CN); giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) - hai nhiệm vụ vô cùng quan trọng, là cơ sở và động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐN) đất nước. Nhiều hội thảo, chuyến đi thực tế khắp Trung - Nam - Bắc, bao đêm thức trắng để chuẩn bị cho kịp. Bản Dự thảo hoàn thành sau 2 tháng, đồng chí Đỗ Mười giao tôi xin ý kiến đóng góp các đồng chí Cố vấn và thành viên Bộ Chính trị. Các đồng chí rất nhiệt tình và cho nhiều ý kiến sâu sắc. Được chuẩn bị kỹ, nên khi đưa ra Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII đã được thông qua nhanh, trở thành hai văn kiện quan trọng nhất về KH&CN và GD&ĐT cho thời kỳ CNH, HĐN. Sau Hội nghị Trung ương 2, đồng chí Tổng Bí thư giao nhiệm vụ cho Ban Khoa giáo Trung ương chuẩn bị một số nghị quyết về phát triển các công nghệ cao như công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ sinh học (CNSH), tự động hóa….   

Ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng thời điểm đó là một việc mới mà không dễ. Nhiều đồng chí lãnh đạo và chuyên viên vẫn quan niệm đây chỉ là tin học hóa quy trình làm việc hiện có, là thay máy đánh chữ bằng máy tính. Tôi nhớ, có đồng chí chuyên viên Ban Tổ chức Trung ương rất nhiệt tình, đề nghị trang bị hiện đại nhưng chỉ yêu cầu máy tính làm và “giữ” cho 6 bản báo cáo mẫu mà hàng năm phải làm. Tất nhiên, rồi đồng chí ấy cũng như nhiều đồng chí khác cũng hiểu, hệ thống máy tính sẽ giúp làm hàng trăm mẫu báo cáo, bản thống kê theo các yêu cầu khác nhau; sẽ giúp quản lý, nắm chắc toàn bộ đội ngũ cán bộ đảng viên, khi cần tìm hiểu thông tin hồ sơ, theo từng tiêu chí, chỉ mất thời gian “trong một nốt nhạc” mà vẫn đảm bảo chính xác. Công nghệ máy tính sẽ giúp thay đổi cách làm việc mới, năng suất hiệu quả cao hơn nhiều...

Tôi cũng nhớ, “hội nghị trực tuyến” thời đó vẫn còn là một khái niệm mơ hồ với nhiều cán bộ. Vì thế, mới có chuyện, trước khi tổ chức hội nghị trực tuyến thì mọi người háo hức chờ đón, nhưng khi thực hiện thì lại có chuyện không vui: người đánh máy, in ấn và lực lượng làm văn phòng “mất việc”, không được đi đây đó v.v. Cho nên, dù mạng tốt, đường truyền sẵn sàng, nhưng nhiều người vẫn muốn duy trì cách làm việc truyền thống.

Việc sử dụng Internet ở nước ta hồi đó nhìn chung còn sơ khai và không ít trục trặc. Trên thế giới đã bắt đầu thương mại hóa Internet. Ở nước ta, Viện CNTT chỗ anh Trần Bá Thái đã kết nối với cổng Internet bên Úc; VDC chỗ anh Võ Hoàng Liên cũng có hệ thống kết nối Internet qua cổng ở Mỹ và được phép cho sử dụng thử nghiệm. Thế nhưng nhiều đồng chí lãnh đạo vẫn rất lo ngại về nội dung xấu, độc của nó. Bản thân tôi được anh Trần Minh Tiến cho địa chỉ Internet của một người bạn từ Hồng Kông, phải kết nối qua điện thoại đường dài rất tốn kém, nhưng thỉnh thoảng vì yêu cầu của công việc vẫn phải dùng. Khoảng tháng 9/1996, nhân chuyến đi công tác cùng với Tổng Bí thư Đỗ Mười và Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Đức Bình vào Lâm Đồng để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 2, tôi mở máy tính xách tay, xin phép đồng chí Đỗ Mười cho nối điện thoại đường dài đến Hồng Kông để xem lướt qua một số trang web. Tổng Bí thư cùng xem, có vẻ yên tâm hơn, vì thấy “nó” không khác mấy so với báo hàng ngày, có xấu có tốt. Sau lần đó, tôi tháp tùng đồng chí Nguyễn Đức Bình đến trung tâm Internet tại Bưu điện Bờ Hồ để xem việc kiểm soát Internet như thế nào, thấy cả một “nhà máy lớn”, Internet từ ngoài vào đều đi qua máy chủ có thể ghi lại được tất cả…

Năm 1997, Bộ Chính trị có Kết luận cho phép nước ta kết nối Internet với thế giới, nhưng yêu cầu phải có biện pháp kiểm soát, năng lực quản lý tới đâu thì cho phát triển tới đó. Số người sử dụng Internet trong nước bắt đầu tăng nhanh, nhưng còn gặp nhiều hạn chế do giá cả cao, tốc độ chậm, lưu lượng hạn chế…

Để chuẩn bị cho sự tăng tốc của đất nước khi bước vào đầu thiên niên kỷ mới, ưu tiên hàng đầu phải là có nền CNTT mạnh. Trong khi đó, chúng ta đang phải khắc phục sự cố Y2K, rất tốn kém. Nhưng nếu không xử lý được Y2K thì các mạng máy tính sẽ bị tê liệt, công việc ở rất nhiều cơ quan, nhiều ngành và toàn nền kinh tế sẽ ngưng trệ!

Ban Khoa giáo Trung ương đã được Đảng giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng bản Dự thảo Chỉ thị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ CNH, HĐH. Ban soạn thảo do tôi phụ trách, cùng các thành viên khác ở Ban Khoa giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ KH-CN&MT, Tổng cục Bưu điện. Ban soạn thảo đã tổ chức rất nhiều chuyến khảo sát ở các ngành và địa phương, nhiều cuộc họp, hội thảo với các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp. Rất nhiều vấn đề, từ nhân lực, hạ tầng CNTT và viễn thông, cho đến cơ chế chính sách, dung lượng và giá cả Internet, vấn đề chống độc quyền, chính sách khuyến khích tư nhân và quốc tế đầu tư… được đưa ra tranh luận.

Khi Dự thảo cơ bản hoàn thành, cùng với đưa xin ý kiến một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, trước khi Bộ Chính trị họp, tôi có đến báo cáo trước với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (tháng 12/1997, Đại hội giữa nhiệm kỳ khóa IX của Đảng bầu đồng chí Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư thay đồng chí Đỗ Mười) và Thường trực Ban Bí thư Phạm Thế Duyệt để giải trình thêm một số vấn đề.

Tôi trình bày báo cáo tại cuộc họp Bộ Chính trị bằng máy tính và máy chiếu - một hình thức “mới lạ” đối với nhiều người ở thời điểm đó. Một sự cố nhỏ xảy ra lúc đầu khiến tôi hơi mất bình tĩnh: có sự trục trặc trong việc kết nối máy tính với máy chiếu, nhưng rất may “đâu lại vào đấy” sau vài phút khắc phục. Điều đáng mừng là các đồng chí trong Bộ Chính trị đều đồng tình với nội dung bản Dự thảo. Có đồng chí Bộ Chính trị hỏi: “Tại sao vấn đề quan trọng như vậy nhưng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 mới chỉ ở mức trung bình trong khu vực?”. Những điều mà chúng tôi lo ngại như nới lỏng kiểm soát Internet, chống độc quyền, cho tư nhân và nước ngoài đầu tư đều được các đồng chí Bộ Chính trị đồng tình và khuyến khích. Mừng nhất là khi Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu kết luận đã đưa vào chỉ thị câu: “Năng lực quản lý phải theo kịp sự phát triển”, khác với trước đây khi cho phép kết nối Internet là “Năng lực quản lý tới đâu thì cho phát triển tới đó”. Đó là một điểm nhấn của Chỉ thị 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH” (Chỉ thị 58).

Chỉ thị 58 cùng với các chính sách chống độc quyền, đã mở ra cho Internet và CNTT phát triển nhanh những năm sau đó. Hàng loạt công ty viễn thông, dịch vụ Internet ra đời, dung lượng đường truyền tăng nhanh, giá cả giảm nhanh, tốc độ tăng; số người sử dụng Internet và điện thoại di động trong nước “tăng chóng mặt”. Đến năm 2006, tỷ lệ dân số sử dụng Internet đã ngang với mức bình quân thế giới. Chỉ thị 58 được quốc tế đánh giá cao, trong đó nhấn mạnh đến quan điểm coi CNTT là động lực thúc đẩy đổi mới và phát triển mọi lĩnh vực, CNTT nhân lên sức mạnh tinh thần, trí tuệ, vật chất của toàn dân tộc.

“Chúng tôi hiểu rõ khoa học công nghệ trong thế kỷ XXI sẽ có những bước tiến khổng lồ. Thực hiện tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, chúng tôi phải tri thức hóa Đảng, tri thức hoá dân tộc, tiếp tục tri thức hóa công nông, cả nước là một xã hội học tập, phát huy truyền thống những ngày mới giành được độc lập năm 1945, cả nước học chữ, cả nước diệt giặc dốt, cả nước diệt gặc đói… Phải nắm lấy ngọn cờ khoa học như đã nắm ngọn cờ dân tộc. “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Nhân dân Việt Nam ngày nay có câu: đã biết cầm đũa thì biết vót chông, đã biết vót chông thì 10 ngón tay ấy sẽ biết học tập, sử dụng máy tính, đi vào công nghệ thông tin, cánh cửa của kinh tế tri thức”.

(Trích phát biểu của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại buổi gặp mặt các đại biểu quốc tế tham dự Hội thảo quốc tế “Việt Nam trong thế kỷ XX”, ngày 21/9/2000 do Ban Khoa giáo Trung ương tổ chức)

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRi THỨC - CƠ HỘI LỚN

Những năm cuối thiên niên kỷ, KH&CN phát triển như vũ bão, làm thay đổi, đảo lộn mọi mặt của đời sống xã hội loài người, một nền kinh tế mới xuất hiện, được bàn tán sôi nổi khắp nơi trên thế giới. Năm 1996 đi dự WCIT ở Canada, tôi nhận được cuốn sách của Don Tapcott (một trong những chuyên gia đầu tiên về CNTT) nhan đề là “Nền kinh tế số” (The Digital Economy) nêu ra rất nhiều nghịch lý và sự dịch chuyển trong kinh tế do CNTT và các công nghệ cao gây ra. Sau đó ít lâu, Bộ Công an gửi cho tôi cuốn sách dịch “Phát triển kinh tế tri thức, Trung Quốc nắm bắt thế kỷ 21” của tác giả Ngô Quý Tùng. Một số anh em chúng tôi ở Ban Khoa giáo Trung ương, Bộ KH-CN&MT, Bộ Ngoại giao thường xuyên tọa đàm với nhau và đi tới việc tổ chức một Hội thảo quốc gia hai ngày (vào tháng 3/2000), do Ban Khoa giáo Trung ương, Bộ KH-CN&MT và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức. Rất đông các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, chuyên gia lý luận đến dự. Ủy viên Bộ Chính trị Lê Xuân Tùng chủ trì. Các chuyên gia tham dự đã bàn luận rất kỹ về hướng đi của Việt Nam, nhất là những vấn đề: Nền kinh tế hai tốc độ; Hai nhiệm vụ trong một quá trình; Cơ hội cho cả nông nghiệp, công nghiệp cùng đi thẳng đến kinh tế tri thức…

Buổi trưa hôm ấy, có một cuộc điện thoại gọi đến khiến tôi bất ngờ, đó là đồng chí Võ Nguyên Giáp. Sau lời khen: “Hữu à, cậu đã làm được một việc tốt, như thế là đúng với Marx”, đồng chí nói luôn câu tiếng Pháp của Marx, đại ý: “Khi lao động cần thiết giảm đến cực tiểu, thời gian nhàn rỗi tăng tối đa, thời gian ấy trở thành lực lượng sản xuất vô cùng lớn, đó là điều kiện chín muồi thay thế chủ nghĩa tư bản”. Tôi rất xúc động và kính phục đồng chí Đại tướng văn võ toàn tài. Hội thảo này chúng tôi không dám mời vì vấn đề sức khỏe của đồng chí, nhưng Đại tướng vẫn quan tâm, theo dõi và còn gọi trực tiếp động viên tôi.

Ý kiến đa chiều về Hội thảo này rất nhiều, phần lớn là ủng hộ, nhưng cũng có ý kiến phê phán chê bai. Nhiều báo đề nghị tôi viết bài. Ngay sau Hội thảo, trên báo Nhân Dân có bài của một nhà lý luận nổi tiếng phê phán rằng “kinh tế tri thức thì gạo cơm đâu mà ăn!”. Cố vấn Lê Đức Anh gửi đến Ban Khoa giáo Trung ương nội dung chất vấn: 1) Kinh tế tri thức thuộc hình thái kinh tế - xã hội nào, không có trong lý luận Mác - Lênin; 2) Có còn Đảng lãnh đạo không; 3) Vai trò giai cấp công nhân như thế nào?... Tôi phải nhờ anh Trần Ngọc Hiên, anh Đỗ Tư cùng một số chuyên gia đến trao đổi, tham gia biên soạn tài liệu trả lời chất vấn của đồng chí Cố vấn. Nhiều đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị và đương chức mỗi lần gặp tôi đều bảo “Kinh tế tri thức được đấy, cơ hội lớn”. Nhưng cũng có một số ý kiến phản đối, cho rằng không thấy nước nào đưa kinh tế tri thức vào cương lĩnh, chiến lược. Thực ra, từ nhiều năm trước đó, trong các kỳ hội nghị của APEC (mà Bộ Ngoại giao nước ta đều tham dự), bao giờ APEC cũng có phần đánh giá và bàn kế hoạch đẩy nhanh chương trình kinh tế tri thức trong khối.

Phải khẳng định rằng, tầm nhìn và công lao hàng đầu trong thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức là đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hiện nay. Đầu năm 1999, anh Nguyễn Phú Trọng là Ủy viên Bộ Chính trị làm Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội IX, trước đó anh được phân công chỉ đạo Ban Khoa giáo Trung ương. Trong nhiều cuộc làm việc, anh cho rằng kinh tế tri thức là vấn đề rất quan trọng mà Đại hội IX phải tính toán, xác định lựa chọn hướng đi. Anh yêu cầu tôi trình bày về quá trình từ KH&CN hiện đại dẫn tới nền kinh tế tri thức như thế nào. Tôi cùng các anh Đinh Quang Ty, Hồ Ngọc Luật, Lê Quang Huy… đến báo cáo anh suốt một buổi sáng (lúc bấy giờ, tôi đang viết cuốn sách đầu tiên về kinh tế tri thức, chưa kịp chuẩn bị bài nói, chỉ nói vo, có ghi âm). Sau khi nghe báo cáo, anh Nguyễn Phú Trọng kết luận: “Tôi thấy báo cáo này rất quan trọng, nó định hướng sắp tới phát triển kinh tế như thế nào, khoa học như thế nào, con người như thế nào. Nếu anh Hữu có được một văn bản ngắn thể hiện tinh thần hôm nay anh nói thì rất tốt. Chờ xuất bản cuốn sách tôi sợ hơi lâu. Bây giờ anh tóm tắt cho một số ý chính rồi gửi cho các đồng chí trong Tiểu ban Báo cáo chính trị, có cả một số kiến nghị mà anh đề xuất ở phần cuối”. Lúc đó, tôi hơi bối rối, vì chưa chuẩn bị được một văn bản khi đến làm việc - điều mà anh Nguyễn Phú Trọng “phê bình khéo” trong kết luận.

Sau đó, tôi đã viết nhiều bài về vấn đề kinh tế tri thức. Anh Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo đưa kinh tế tri thức vào Văn kiện Đảng Đại hội IX: Nước ta từng bước phát triển kinh tế tri thức, tiếp tục ghi rõ hơn ở Đại hội X, Đại hội XI. Ý kiến chỉ đạo và động viên của anh Nguyễn Phú Trọng ở thời điểm trước Đại hội IX đã khuyến khích chúng tôi ra sức nghiên cứu về phát triển kinh tế tri thức ở nước ta hơn hai thập kỷ qua.

Tình hình phát triển kinh tế tri thức trên thế giới đến nay đã diễn ra đúng như dự báo của chúng ta: vào năm 2030 các nước phát triển đều trở thành nền kinh tế tri thức. Hiện nay (năm 2020) đã có hơn 40 nền kinh tế đạt các tiêu chí nền kinh tế tri thức (còn gọi là nền kinh tế sáng tạo).

Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng, hồi tưởng về một số việc có liên quan đến bản thân, tôi càng thấu hiểu 2 điều: một là, cái mới thường đi liền với cái khó, không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”, vấn đề là phải biết đặt cái chung lên cái riêng, đặt tinh thần khoa học lên trên tính “tự ái cá nhân”. Hai là, sự động viên, khích lệ - dù là “kiệm lời” nhất - của người đứng đầu, người có trách nhiệm và đồng chí, đồng nghiệp… luôn là “chất xúc tác” rất quan trọng thúc đẩy tinh thần và thái độ làm việc của mỗi chúng ta./.

GS. Viện sĩ, TS. Đặng Hữu
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
Nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất