Đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nghị Quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết 24/NQ-CP ngày 28-10-2008 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW đã xác định ĐTN cho lao động nông thôn (LĐNT) là bộ phận cấu thành và là giải pháp về phát triển nhân lực để thực hiện xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, ĐTN cho LĐNT là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta; là khâu đột phá nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ, từng bước nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật.
Trong 10 năm qua, công tác ĐTN cho LĐNT đã đạt được nhiều kết quả, đáp ứng, phục vụ yêu cầu phát triển đất nước, từng bước hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Theo báo cáo của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương của các đoàn thể trong cả nước, trong 10 năm (2009 - 2019), đã có 9,6 triệu LĐNT được học nghề các cấp trình độ, đạt 87% (11,03 triệu người) mục tiêu của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi là Đề án 1956), trong đó số LĐNT được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 5,59 triệu người, đạt 85% kế hoạch (6,558 triệu người). Kinh phí bố trí thực hiện trong 10 năm (2009 - 2019) để ĐTN cho LĐNT là 17.107 tỷ đồng (đạt 65,8% kế hoạch vốn giai đoạn 2010 - 2020), trong đó, ngân sách Trung ương bố trí gần 7.400 tỷ đồng, kinh phí địa phương và các nguồn kinh phí trong các chương trình, đề án khác 9.707 tỷ đồng. Sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án “ĐTN cho LĐNT đến năm 2020”, có thể thấy:
Các cấp, ngành và các địa phương đã tích cực triển khai các lớp ĐTN cho LĐNT và đạt được những kết quả khả quan, góp phần làm thay đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Các ngành, địa phương đã xác định ĐTN là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất của người nông dân; góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; hình thành lên nhiều mô hình liên kết doanh nghiệp - nông dân trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thành các vùng nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã...
|
Hoạt động ĐTN cho nông dân và LĐNT không chỉ huy động các cơ sở ĐTN mà còn thu hút được các nhà khoa học của các viện nghiên cứu, trường (trung cấp, cao đẳng, đại học); các lao động kỹ thuật từ các doanh nghiệp; những nghệ nhân, người có tay nghề cao trong các làng nghề tham gia giảng dạy. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã bước đầu đã quan tâm, hợp tác với các cơ sở đào tạo để xây dựng giáo trình, hỗ trợ địa bàn thực tập và tuyển dụng học viên sau khóa học. Các ngành, địa phương đã xác định ĐTN là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất của người nông dân; góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; hình thành lên nhiều mô hình liên kết doanh nghiệp - nông dân trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thành các vùng nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã...
(Ảnh minh họa)
Tuy tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện Đề án 10 năm (2010-2020) đạt 65,8% so với dự kiến kế hoạch, trong đó, giai đoạn 2016-2020, nguồn kinh phí trung ương chỉ đảm bảo được khoảng dưới 50% so với thông báo của Bộ Tài chính, nhưng bằng sự cố gắng, quyết tâm vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, công tác ĐTN cho LĐNT trong 10 năm qua đã đạt được kết quả tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực. Số LĐNT được hỗ trợ học nghề đạt 85% so với kế hoạch của cả 11 năm (2010-2020) thực hiện Đề án; số người học xong có việc làm đạt vượt chỉ tiêu đặt ra, với trên 36% học nghề nông nghiệp, gần 64 % học nghề phi nông nghiệp đáp ứng việc chuyển dịch cơ cấu lao động). Với kết quả đó, nhận thấy: Ngân sách nhà nước hỗ trợ ĐTN cho LĐNT là một hướng đi đã phát huy hiệu quả cao. Các ngành, địa phương đã xác định ĐTN là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất của người nông dân, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Rút kinh nghiệm sau 3 năm đầu triển khai thực hiện Đề án, hệ thống tổ chức thực hiện Đề án từ Trung ương tới cấp xã đã được kiện toàn để thống nhất chỉ đạo thực hiện công tác dạy nghề cho LĐNT nói riêng và chỉ đạo việc thực hiện các chương trình, dự án khác có hoạt động dạy nghề cho LĐNT nói chung.
Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương kịp thời ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án tương đối đồng bộ, làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện Đề án.
Đã động viên được sự quan tâm, tham gia của cả hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn. Qua giám sát của các cơ quan chức năng, phản ánh của các cơ quan báo chí, truyền thông, đã kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót trong những năm đầu thực hiện Đề án để có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Nhờ đó, đã hạn chế được những sai sót, thực hiện dạy nghề có hiệu quả cao hơn trong những năm tiếp theo.
Nhận thức của cộng đồng nói chung và người lao động nói riêng, của các cấp, các ngành về mục tiêu, tác động của ĐTN cho LĐNT bước đầu có chuyển biến tích cực:
Một là, đa số lao động đã có nhận thức đúng đắn về sự cần thiết, mục tiêu học nghề, từ chỗ học theo phong trào, học để được hỗ trợ tiền ăn, học cho biết chuyển sang học nghề để mưu sinh, phát triển sản xuất, để tìm được việc làm;
Hai là, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch dạy nghề hàng năm, rà soát danh mục nghề đào tạo, chỉ đạo thực hiện phương châm “chỉ ĐTN khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề”; tình trạng chạy theo số lượng, chỉ tiêu đã được khắc phục tích cực; dạy nghề gắn với thế mạnh địa phương, với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới;
Ba là, các cơ sở dạy nghề chuyển từ dạy theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp, dạy nghề theo nhu cầu học nghề của LĐNT gắn với thực hiện tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho lao động nông thôn.
Bên cạnh kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Đề án 1956, kết quả, hiệu quả ĐTN cho LĐNT không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Các vùng Trung du và Miền núi Phía Bắc, Tây Nguyên có số LĐNT được hỗ trợ học nghề và tỷ lệ LĐNT có việc làm sau học nghề thấp hơn các vùng khác, trong khi kinh phí Trung ương hỗ trợ bình quân luôn bằng hoặc cao hơn mức hỗ trợ bình quân chung của các vùng khác trong cả nước. Đáng chú ý là đối tượng LĐNT học nghề và LĐNT sau khi học nghề được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm còn rất hạn chế nên việc phát huy hiệu quả học nghề chưa cao. Lao động học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm, do thị trường tại chỗ không có nhu cầu hoặc do tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; một số lao động học nghề nông nghiệp, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất khó khăn.
Công tác ĐTN cho LĐNT hiện nay càng có ý nghĩa trong bối cảnh cơ cấu lại nền kinh tế, tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp trong quá trình hội nhập. Một mặt, việc cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có ngành nông nghiệp và kinh tế ở nông thôn, chuyển mạnh sang phát triển các ngành nghề mới, dựa trên nền tảng công nghệ ngày càng hiện đại. Bên cạnh đó, với định hướng phát triển nông nghiệp xuất khẩu nên cần chú trọng đào tạo cho lao động những ngành, nghề chế biến nông sản phẩm xuất khẩu, nhằm đáp ứng được yêu cầu lao động./.
Đào Trọng Độ
Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp