1. Vâng mệnh vua Lê Thánh Tông, Tao Đàn Phó Đô Nguyên súy Thân Nhân Trung (1418-1499) đã soạn thảo văn bia dựng tại Văn Miếu Hà Nội với câu nói nổi tiếng: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh mà càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp”. “Lập học chiếu” (Chiếu khuyến học) của vua Quang Trung do Ngô Thì Nhậm (1746-1803) soạn thảo mở đầu bằng câu: “Xây dựng đất nước lấy dạy học làm đầu; tìm lẽ trị bình, tuyển nhân tài làm gấp”. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài thơ “Nửa đêm” ở tập “Nhật ký trong tù” xác định: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Kim chỉ nam của giáo dục nằm ở triết lý giáo dục với những giá trị mà nó đề cao. Bối cảnh xã hội thay đổi, các giá trị sẽ biến đổi kéo theo sự thay đổi từng phần hoặc toàn bộ triết lý giáo dục. Giai đoạn Đổi mới chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về bối cảnh xã hội, Việt Nam đạt được nhiều thành công về kinh tế, nhưng văn hóa - xã hội không theo kịp. Nhiều hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong xã hội và trong giáo dục, tạo nên một nghịch lý: Những hiện tượng tiêu cực trong xã hội làm gia tăng tình trạng bất ổn trong giáo dục; đến lượt mình, sự bất ổn trong giáo dục tạo nên những sản phẩm lỗi, là nguyên nhân khiến cho tình trạng tiêu cực trong xã hội trở nên ngày càng nặng nề và khó chữa hơn. Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục một cách căn bản và toàn diện được kỳ vọng là giải pháp giúp thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này, đưa đất nước phát triển. Việc triển khai Nghị quyết 29 đến nay đã làm được nhiều việc, nhưng cũng có nhận định rằng, đó mới là nhiều về số lượng, nhiều việc chưa đạt yêu cầu, “có việc đi xuôi, có việc đi ngược, hoặc nửa vời, hoặc hình thức, không thực chất và không vững chắc”(1). Nút thắt là ở triết lý giáo dục, trong đó có mục tiêu giáo dục.
Tuy nhiên, muốn “xây” được triết lý giáo dục thì việc đầu tiên cần làm phải là rà soát lại những cái lâu nay vốn được coi là giá trị trong lĩnh vực giáo dục xem chúng hiện có còn là giá trị nữa hay không. Ngộ nhận, đề cao những cái không còn là giá trị nữa rất nguy hiểm, vì nó đưa chúng ta đi lạc đường. Có hai giá trị truyền thống rất quan trọng thuộc loại này: Về đặc trưng tính cách, chúng ta thường ca ngợi người Việt mình hiếu học; về nội dung và phương pháp, chúng ta quen đề cao chữ Lễ.
2. Ngộ nhận đầu tiên nằm ở chỗ coi “hiếu học” là một truyền thống đặc thù lâu đời của người Việt. Không chỉ riêng “chữ Lễ” mà cả hai phạm trù “hiếu học” và “chữ Lễ” đều không phải là những giá trị gốc của văn hóa Việt Nam mà là do Nho giáo mang vào. “Hiếu học” cùng với Cần cù, Huyết thống và Cộng đồng là bốn giá trị chính để nhận diện và khu biệt người Đông Bắc Á với người phương Tây(2). Bàn về truyền thống Việt Nam, GS. Vũ Minh Giang nhận xét rằng ảnh hưởng của Khổng giáo đã tạo nên truyền thống “hiếu học” và tính “thích làm quan”(3).
“Hiếu học” là đam mê tri thức, còn “thích làm quan” là hiếu danh. Tri thức và Danh có quan hệ nhân quả với nhau. Thông thường, có học thì sẽ có tri thức; có tri thức tất sẽ có danh, có lợi; danh và lợi khích lệ con người ham học, ham tri thức hơn nữa. Điều này đúng với Đông Bắc Á: người Đông Bắc Á hiếu học theo nghĩa đam mê tri thức, cũng hiếu danh, hiếu lợi. Nhờ vậy mà trong một thời gian ngắn, Đông Bắc Á phát triển vượt bậc về kinh tế, tạo nên những con Rồng, con Hổ; đồng thời lại cũng phát triển rất nhanh về khoa học: đến năm 2019, ba quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan) đã đoạt được tổng cộng 33 giải Nobel (không tính giải Nobel Hòa bình).
Trong khi đó thì ở Việt Nam, tình hình không hoàn toàn như vậy. Xưa, mục đích đi học rất rõ ràng: để thi đỗ làm quan (giống như ở Đông Bắc Á). Thời Lê-Trịnh có 724 người đỗ tiến sĩ thì, chỉ trừ 12 người chưa kịp vinh quy đã mất hoặc không có thông tin, 100% số tiến sĩ còn lại đều làm quan. Vào những thời phong kiến thịnh, thi cử nghiêm minh, những thí sinh vượt qua được cả bốn kỳ thi hoàn toàn có đủ tri thức và năng lực để làm quan: Kỳ thứ nhất thi kinh nghĩa là để kiểm tra về tri thức; kỳ thứ hai thi thơ phú là để kiểm tra về phẩm chất; kỳ thứ ba thi chế-chiếu-biểu là để kiểm tra năng lực có thể tự mình soạn thảo các loại văn bản, diễn văn; kỳ thứ tư thi văn sách là để kiểm tra năng lực thực hành tổng hợp: với đề thi yêu cầu giải quyết một vấn đề chính trị - xã hội cụ thể, thí sinh phải biết phân tích tình huống, vận dụng được kiến thức để đề xuất mưu lược, kế sách... Vào những thời phong kiến suy thì không được như thế.
3. “Chữ Lễ” được Nho giáo mang vào Việt Nam, nhưng ở Việt Nam có nhiều người ngộ nhận rằng đây là phạm trù do Nho giáo (hoặc Khổng Tử) sáng tạo ra. Thực ra, chữ Lễ đã xuất hiện trong Giáp cốt văn từ cuối đời Thương (thế kỷ 14-11 TCN). Chữ “Lễ” trong Giáp cốt văn mô phỏng hình cái thố đựng hai chuỗi ngọc quý làm đồ tế lễ; nghĩa của nó là ‘kính thần, tế thần, lễ thần”(4). Người đầu tiên chuyển đổi nghĩa “kính thần” của chữ Lễ sang nghĩa “kính người” là Chu Công trong bộ sách “Chu lễ”. Khổng Tử dùng chữ Lễ để dạy về thứ tự tôn ty: Sách “Luận ngữ” có 74 lần nhắc đến chữ Lễ; chương Quý Thị ghi lời Khổng Tử dạy con trai Bá Ngư rằng: “Bất học lễ, vô dĩ lập” (Không học lễ thì không biết chỗ đứng ở đời, không lập thân được). Ở một chỗ khác, ông nói “Hưng ư Thi - Lập ư Lễ - Thành ư Nhạc” (Phấn khởi nhờ Kinh Thi, Lập thân nhờ Kinh Lễ, Thành công nhờ Kinh Nhạc). Sở dĩ như vậy là vì khi người ta biết được vị trí/ thân phận/ địa vị của mình trong hệ thống đẳng cấp tôn ty thì việc đầu tiên là sẽ phải biết vâng lời; chỉ có như vậy mới có thể lập thân được. Như vậy, nội hàm của chữ Lễ là dạy người ta phải biết sợ, biết vâng lời. Vì phải ngoan, biết vâng lời, không dám cãi cha mẹ mà biết bao người Việt Nam từng phải chấp nhận “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Có lẽ cũng có phần do ảnh hưởng của chữ Lễ mà người Việt Nam dạy con: “Cá không ăn muối cá ươn/ Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Nhà nghiên cứu triết học Hà Thúc Minh nhận xét rất đúng rằng “Lễ là phục tùng, là nói theo, cho nên không ít học giả cho rằng nền giáo dục chữ Lễ đào tạo ra đa phần là ‘nô tài’ chứ không phải là ‘nhân tài’”(5). Nhưng cũng chính vì thế mà chữ Lễ cùng với truyền thống “hiếu học” và tính “thích làm quan” trở thành những giá trị trong thời phong kiến, trở thành bộ công cụ hoàn hảo nhất để vua chúa Việt Nam ngày xưa duy trì được một xã hội phong kiến kéo dài hơn một ngàn năm. Trong khoảng thời gian ấy, dân tộc Việt Nam còn đập tan mọi cuộc xâm lăng của các đoàn quân xâm lược Nguyên, Minh, Thanh. Như vậy, đó là một nền giáo dục cơ bản là thành công, nhờ triết lý giáo dục dựa trên những giá trị phù hợp với nhu cầu ổn định xã hội.
4. Chữ Lễ đòi hỏi sự phục tùng, cho nên nhiều người nói rất đúng rằng chữ Lễ bắt đầu ở đâu thì tinh thần tự do sáng tạo và lòng tự tin kết thúc ở đó. Nhưng vào thời xưa, điều đó không hề gì; bởi vì cái mà xã hội phong kiến cần không phải là sự phát triển, là tinh thần tự do sáng tạo và lòng tự tin, mà là sự ổn định.
Còn mục đích của chúng ta hiện nay đã khác. Chúng ta đang sống trong một bối cảnh hướng tới sự phát triển là chính (một sự phát triển bền vững, ổn định). Bởi vậy, những giá trị phù hợp cho nền giáo dục khi xưa thì hiện nay đã không còn phát huy được giá trị nữa. Đây chính là điểm nút, là chỗ cần chọn để bắt đầu. Trong khi đó, lâu nay chúng ta đã không làm như vậy, cuộc tranh luận có nên duy trì công thức “Tiên học Lễ, hậu học Văn” hay không vẫn tiếp tục kéo dài.
Lý do chủ yếu mà những người chủ trương duy trì khẩu hiệu “Tiên học Lễ, hậu học Văn” nêu ra là: Bỏ “Tiên học Lễ” thì đạo đức xã hội sẽ ra sao? Đề cao khẩu hiệu “Tiên học Lễ”, chúng ta rơi vào quá nhiều nhầm lẫn và ngộ nhận.
Thứ nhất là nhầm lẫn, ngộ nhận trong việc đồng nhất chữ Lễ với đạo đức xã hội, dẫn đến đề cao chữ Lễ. Học giả Nguyễn Hiến Lê nhận xét rằng triết lý của Khổng Tử “rất thích hợp với một quốc gia cần thoát khỏi cảnh hỗn loạn nhu nhược để lập lại trật tự…, nhưng đối với một quốc gia cần cải tiến hoài để ganh đua trên trường quốc tế thì triết lý đó là một trở ngại. Ưu điểm và nhược điểm của Khổng học ở đó”(6).
Thứ hai là nhầm lẫn, ngộ nhận trong việc gắn tên tuổi Hồ Chí Minh với chữ Lễ. Hồ Chí Minh không phải là người theo đuôi Khổng Tử và Nho giáo một cách mù quáng, Người không đề cao đạo đức Nho giáo mà khuyên sửa đổi lối làm việc theo “đạo đức cách mạng” với năm chữ “Nhân - Nghĩa - Trí - Dũng - Liêm” (không có chữ Lễ)(7).
Thứ ba là nhầm lẫn và ngộ nhận khi cho rằng khẩu hiệu “Tiên học Lễ” là do Khổng Tử đề ra (ngay cả Nguyễn Hiến Lê cũng nhầm khi viết: “Trong việc giáo dục trẻ em, tôi nghĩ rằng quy tắc Tiên học Lễ của Khổng Tử cũng vẫn đúng”(8)). Thực ra, trong toàn bộ Tứ thư Ngũ kinh không hề có câu này.
Thứ tư là nhầm lẫn khi đồng nhất Khổng Tử với Nho giáo. Tư tưởng của Khổng Tử nhìn chung là khá tiến bộ (ông cho con được can cha, chứ không bắt con phải tuyệt đối phục tùng cha mẹ), nhưng Hán Nho, Tống Nho thì không. Chính vì vậy mà các nhà cầm quyền Trung Quốc không dùng Khổng Tử, khiến thầy trò ông phải lang thang như “chó không nhà” (Táng gia cẩu), nhưng lại hết mực tôn sùng Hán Nho, Tống Nho.
5. Về giá trị “hiếu học”, nhìn vào hình thức thì người Việt Nam từ xưa đến nay quả là có đua nhau học hành, cha mẹ bán tài sản để nuôi con ăn học. Song khi nhìn kỹ thì có phần không phải: Phần nhiều người Việt Nam đi học quan tâm trước hết đến việc lấy điểm, có điểm để lấy bằng, có bằng để lấy địa vị, danh lợi, chứ không phải quan tâm trước hết đến việc nâng cao tri thức và năng lực.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ai cũng cố gắng học lên hoặc cho con học lên đại học. Nhưng khi vào được đại học rồi thì phần đông sinh viên không muốn phải học nhiều, ít chịu đọc sách tham khảo, khi thi thường xin thầy cô giới hạn nội dung. Trên mạng Google, tìm cụm từ “học để thi” (trong ngoặc kép, truy cập ngày 1-6-2020) cho ta khoảng 211.000 kết quả. Như vậy, cái mà ta tưởng là hiếu học thực chất là hiếu danh, hiếu lợi; “hiếu học” chỉ là ngộ nhận, ảo tưởng. Trong cuộc điều tra của chúng tôi năm 2014 trên tổng số 5.589 người, bệnh hiếu danh, sĩ diện chiếm 55,5%, đứng ở vị trí thứ 8 trong số 34 tật xấu của người Việt. Hiếu danh là nguồn gốc dẫn đến bệnh thành tích. Bệnh thành tích còn nặng hơn: nó chiếm 75,1%, đứng ở vị trí thứ hai trong số 34 tật xấu. Hiếu danh và bệnh thành tích, đến lượt mình, là nguồn gốc dẫn đến thói gian lận. Thói gian lận là tật xấu nặng nhất: Hiện tượng chạy điểm; thuê người đi học thay, thi thay; thuê người viết luận văn, luận án; hiện tượng mua bán bằng cấp, học giả bằng thật, v.v. trở thành một vấn nạn báo động trong xã hội. Đây là tật xấu điển hình nhất, chiếm 81,0%, đứng vị trí thứ nhất trong số 34 tật xấu của người Việt.
Cái mà ta tưởng là hiếu học thực chất là hiếu danh, hiếu lợi; “hiếu học” chỉ là ngộ nhận, ảo tưởng. Trong cuộc điều tra của chúng tôi năm 2014 trên tổng số 5.589 người, bệnh hiếu danh, sĩ diện chiếm 55,5%, đứng ở vị trí thứ 8 trong số 34 tật xấu của người Việt. Hiếu danh là nguồn gốc dẫn đến bệnh thành tích. Bệnh thành tích còn nặng hơn: nó chiếm 75,1%, đứng ở vị trí thứ hai trong số 34 tật xấu.
|
Phong trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” được phát động năm 2006 là rất đúng lúc, rất cần thiết, nhưng đã không làm thay đổi được tình hình. Từ gian lận thi cử ở Hà Tây (2006), qua Bắc Giang (2012), đến Hà Giang và một số tỉnh khác (2018) là sự thất bại của lòng trung thực và sự sỉ nhục của tinh thần hiếu học.
Lẽ thường, người có trình độ thấp nếu hiếu học sẽ tha thiết muốn học lên, người có trình độ cao thấy biển học vô bờ nếu hiếu học sẽ càng muốn học thêm nữa. Thế nhưng đề tài nghiên cứu của Hội Khuyến học Thành phố Hồ Chí Minh (nghiệm thu tháng 8-2010) cho kết quả ngược lại: Hai nhóm có trình độ thấp nhất và cao nhất cũng là những nhóm ít có nhu cầu học nhất - nhóm có trình độ thấp thấy sống vậy cũng có sao đâu, nhóm có trình độ cao thì thấy thỏa mãn và hài lòng với tấm bằng mà mình đã có!
Tóm lại, trong một thế giới luôn thay đổi, cái mà hôm qua còn là giá trị thì hôm nay có thể không còn thích hợp, không còn là giá trị. Để đưa đất nước thật sự phát triển bền vững, chúng ta cần thoát ra khỏi tật xấu của một nền văn hóa âm tính là bệnh thành tích, ưa nịnh và thích được khen; cần rà soát lại những cái mà lâu nay vẫn được xem là giá trị nhưng nay không còn là giá trị nữa để từ bỏ chúng và dũng cảm nhìn thẳng vào những khuyết tật của mình./.
________________________
(1) Vũ Ngọc Hoàng: Chuyện đổi mới căn bản nền giáo dục, Tạp chí Tuyên giáo số 2-2019, tr.29-34.
(2) Hồ Sĩ Quý: Về giá trị và giá trị châu Á, Nxb. Chính trị Quốc gia, H, 2006, tr.162.
(3) Vũ Minh Giang: Nội dung của truyền thống Việt Nam, in trong: Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang (cb) 1996: “Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay”, tập II. - H.: Đề tài KX.07-02, tr.9-30.
(4) Lý Lạc Nghị, Jim Waters: Tìm về cội nguồn chữ Hán, H, 1997, Nxb. Thế Giới, tr.376.
(5) Hà Thúc Minh: Chữ Lễ và giáo dục thời xưa, Tạp chí Khoa học xã hội TP. Hồ Chí Minh, No.6, 2014, tr.99.
(6) (8) Nguyễn Hiến Lê: Khổng Tử. H., Nxb. Văn hóa - Thông tin, 1995, tr.230, 227.
(7) Hồ Chí Minh (1947/2011): Sửa đổi lối làm việc, Nxb Trẻ, tr.39-40.
GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm