1. PGS. TS. Nguyễn Ngọc Thiện, một nhà phê bình-lý luận văn học, nhiều năm công tác ở Viện Văn học (người có có công sưu tầm, lưu trữ rất nhiều tài liệu liên quan tới tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam), trong một lần trò chuyện, cho hay: Bản Đề cương Văn hóa Việt Nam năm1943 của Đảng thực sự chỉ được công bố bằng văn bản lần đầu vào tháng 12-1945 trên tờ Tạp chí Tiên Phong - cơ quan ngôn luận đầu tiên của Hội Văn hóa Cứu quốc.
Còn vào năm 1943, theo trí nhớ của nhà văn, nhà viết kịch Học Phi, những nhân chứng sống ít ỏi còn đến ngày nay, cùng với nhà văn Tô Hoài, thì tổ chức Đảng đi phổ biến Nghị quyết Văn hóa cũng chỉ là tuyên truyền miệng, chưa ai được nhìn thấy văn bản ấy. Người nghe ghi tốc ký vào sổ tay, ghi trong trí nhớ rồi phổ biến cho nhau. Ấy vậy mà Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam vẫn ra đời vào những năm đen tối, đất nước chưa giành được độc lập, người dân sống một cổ hai tròng Pháp - Nhật, nạn đói đang hoành hành, chiến tranh thế giới thứ 2 đang nổ ra dữ dội… Cũng theo hồi ký của các nhà văn lão thành tham gia sáng lập Hội Văn hóa Cứu quốc, Ban Biên tập dự kiến ra số Tạp chí Tiên Phong đầu tiên, bài vở đã chuẩn bị sẵn, trong đó có in nguyên bản Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 do đồng chí Trường Chinh khởi thảo. Song do nhiều hoàn cảnh khác nhau, Tạp chí Tiên phong số 1 sau Cách mạng Tháng Tám mới được ra mắt bạn đọc.
Ngày nay, đọc lại Đề cương Văn hóa Việt Nam-1943 của Đảng nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Có lẽ đây là một trong những Nghị quyết về văn hóa quan trọng của Đảng ít chữ nhất. Lý luận cũng rất giản dị, chỉ là sự gợi mở nhưng rất sâu sắc. Nhưng đây cũng là một trong những Nghị quyết có sức sống lâu bền và giá trị thực tiễn đến kỳ lạ.
Với bản Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943, Đảng ta đã tập hợp được cả một đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ đông đảo. Trước đó, họ vốn xuất thân từ nhiều hoàn cảnh, môi trường hoạt động khác nhau, song hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, tất cả đều tham gia vào cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám giành độc lập cho đất nước. Khi dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp, đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ ấy đã từ bỏ cuộc sống đô hội, giàu sang cùng với toàn dân tham gia kháng chiến.
Bảy mươi năm đã qua, nhưng ngày nay dấu tích hoạt động của các tổ chức văn nghệ Việt Nam vẫn còn được ghi dấu ở Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Chiến khu D, Nam Bộ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã có hàng trăm văn nghệ sĩ ở tất cả các chuyên ngành ra chiến trường. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống chiến hào trong tư thế của người nghệ sĩ - chiến sĩ.
Đọc lại Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 ta mới hiểu rằng, ngay từ khi cách mạng chưa thành công, trong chiến lược phát triển, Đảng ta đã nghĩ tới văn hóa là một trong ba mặt trận, cùng với chính trị, kinh tế, ở đó người Cộng sản phải hoạt động. “Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới lãnh đạo được dư luận, tuyên truyền của Đảng mới hiệu quả”. Chính vì vậy, tổ chức Đảng đã sớm tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ để xây dựng họ trở thành một lực lượng quan trọng trong đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho tương lai. Trong Đề cương, phương châm để thực hiện văn hóa Việt Nam, văn chương cũng thật ngắn gọn, dân tộc, khoa học và đại chúng. Yếu tố dân tộc là ngọn nguồn làm nên các giá trị truyền thống lịch sử Việt Nam và cũng là văn hóa Việt Nam. Giá trị ấy được xây đắp và vượt lên qua hàng nghìn năm Bắc thuộc và phát triển qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, từ Đinh, Lý, Trần, Lê... phát triển rực rỡ ở thời đại Hồ Chí Minh, thế kỷ XX. Cũng từ ánh sáng của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943, văn nghệ cách mạng Việt Nam đã được hình thành và phát triển, trở thành một dòng chảy chính, thống nhất, tạo nên các giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam từ khi có Đảng.
2. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ra đời từ năm 1998. Đây là thời kỳ cả nước đã đi qua những năm tháng gian khó nhất, đó là hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, chiến tranh biên giới bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc. Đây cũng là thời kỳ đất nước thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, thời kỳ đổi mới tư duy toàn diện. Tuy nhiên về cốt lõi, quan điểm của Đảng vẫn coi trọng mối quan hệ giữa chính trị - kinh tế và văn hóa. Văn hóa còn được xem là nền tảng tinh thần của xã hội. Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ vẫn là một thành tố quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật (VHNT) - một mặt trận trong công tác tư tưởng của Đảng. Những quan điểm của Đảng về văn hóa, VHNT được trình bày một cách công khai. Quyền tự do sáng tạo của người nghệ sĩ được tôn trọng. Một trong những yêu cầu trong Nghị quyết của Đảng cũng như các cơ chế chính sách của Nhà nước để tạo điều kiện cho văn hóa, VHNT phát triển chính là mong muốn có được nhiều tác phẩm tốt, có chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật, hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ và nhân văn.
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc còn tiếp thu có chọn lọc những quan điểm sâu sắc và thực tiễn sự nghiệp phát triển văn hóa của nước ta sau những năm chiến tranh kết thúc đã được thể hiện trong Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị khóa VI, đặc biệt là quan điểm đổi mới tư duy đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI khẳng định.
Vừa qua tại Hội thảo khoa học “Tổng kết 15 năm Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, do Liên hiệp VHNT Việt Nam tổ chức với sự tham gia của nhiều văn nghệ sĩ, đại diện các bộ, ngành đã có nhiều ý kiến sâu sắc. Nhiều người đồng tình với nhận xét của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp VHNT Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn, cho rằng: Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về văn học là những nghị quyết hay, sâu sắc, toàn diện, thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trên lĩnh vực văn hóa và VHNT.
Nhưng nhiều tham luận cũng đặt ra câu hỏi, Nghị quyết của Đảng về văn hóa thì hay như vậy nhưng ai là người chỉ đạo thực hiện? Cơ chế chính sách về văn hóa, VHNT ra sao để đưa Nghị quyết vào đời sống? Và quan trọng hơn là con người, nhân tố chính, biến những khát vọng, lý tưởng ấy thành hiện thực? Những ý kiến phát biểu của GS. Hà Minh Đức, GS. Phong Lê, GS. Phương Lựu, GS. Tô Ngọc Thanh, NSND Chu Thúy Quỳnh, Lê Tiến Thọ, Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Nhà thơ Bằng Việt... và cả ý kiến của đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, bằng tấm lòng, tình cảm chân thành của người trí thức, văn nghệ sĩ, đã nhìn thẳng vào sự thật để chỉ ra những cái được, cái mất trong đời sống VHNT hiện nay. Nhiều người đã thấy sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, một diện mạo mới trong đời sống văn hóa, VHNT xuất hiện với sự phong phú, đa dạng, dân chủ trong sáng tạo... nhưng cùng với nó, nhiều vấn đề phức tạp xuất hiện về tư tưởng đạo đức, lối sống. Có những hiện tượng phản văn hóa, người giàu trí tưởng tượng của 20, 30 năm trước không dám nghĩ tới, không hình dung ra nó lại diễn ra như vậy. Gia đình là hạt nhân của xã hội, chúng ta có hàng vạn Gia đình được phong tặng danh hiệu gia đình văn hóa mới, nhưng những gì đang diễn ra trong nhiều gia đình hiện nay, những bất công của xã hội đã tác động tới từng con người, đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam đang có nguy cơ tan rã... Một bộ phận công quyền từ Trung ương đến địa phương, nhất là cấp xã, phường - dùng theo chữ của GS. Phong Lê - “thiếu thân thiện với người dân”. Chính sách đối với trí thức chưa được cải thiện... Nhiều người khẳng định rằng chỉ cần Nhà nước đầu tư cho văn hóa, cho VHNT, cho các hộ gia đình thuộc diện chính sách, đầu tư cho bệnh viện, cho trường học bằng một phần nhỏ đầu tư cho kinh tế chắc chắn tình hình văn hóa, xã hội không xuống cấp tới mức đáng lo ngại như hiện nay.
Cũng cần nói thêm rằng từ sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đến nay, Đảng và Chính phủ đã quan tâm hơn tới việc hỗ trợ cho VHNT. Những năm đầu tiên được hỗ trợ từ 10 - 15 tỷ đồng một năm cho 10 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương. Từ năm 2006 đến nay, mức hỗ trợ cho văn nghệ sĩ và báo chí cao nhất là 80 tỷ đồng/năm phục vụ việc sáng tạo các tác phẩm, công trình VHNT và báo chí. Nhờ nguồn hỗ trợ này cùng với kinh phí thường xuyên hoạt động của các hội, nhiều hoạt động VHNT và các dự án sáng tạo tác phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước đã được ra đời kịp thời, đặc biệt là những tác phẩm viết về các đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử truyền thống dân tộc, công cuộc đổi mới, đề tài cho thiếu nhi... Nhưng cái được lớn nhất không thể tính được bằng tiền, mà chính là đã giữ cho sự nghiệp phát triển VHNT cách mạng ổn định, đảm bảo định hướng sáng tác, tạo được sự ổn định về mặt tư tưởng cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Và trên hết là giữ được sự ổn định cho đất nước.
Trong một cuộc hội thảo do Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương tổ chức, nhạc sĩ Ca Lê Thuần, nhà văn Vũ Hạnh đã cảnh báo về một cuộc xâm lăng văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt ở nước ta. Một cuộc xâm lăng không đổ máu nhưng nó diễn ra ở nhiều bình diện, ở nhiều cấp độ khác nhau. Từ lời ăn tiếng nói trên miệng các cô gái Việt xinh đẹp dẫn chương trình đến các biển hiệu quảng cáo trong các quán ăn, nhà hàng, doanh nghiệp. Cái khó lớn nhất hiện nay trong quá trình hội nhập và phát triển, đó là cố gắng giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bởi song hành cùng với hội nhập và phát triển là sự triệt tiêu, băng hoại nhiều giá trị văn hóa, đạo đức đã từng tạo nên sự độc đáo, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam. Cuộc chiến trong việc giữ gìn và bảo vệ văn hóa dân tộc ngày nay không phân định ranh giới. Cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác, những giá trị nhân nghĩa, tử tế luôn đồng hành cùng với những mưu toan hèn hạ, vụ lợi, những điều tốt và cả không tốt từ văn hóa nước ngoài đang ảnh hưởng tới xã hội Việt Nam.
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về VHNT là một chiến lược phát triển văn hóa, VHNT lâu dài của Đảng và Nhà nước ta, sẽ cùng đồng hành với xã hội ta trong nhiều năm nữa. Nhiều người mong muốn giữ cho được định hướng ấy, có cơ chế, chính sách phù hợp với sự phát triển của đất nước trong từng giai đoạn phát triển của lịch sử. Nhưng điều cốt lõi như Nghị quyết đã xác định, vấn đề then chốt là CON NGƯỜI. Người chỉ đạo định hướng. Người quản lý điều hành. Người thực hiện trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. Chỉ có vậy văn hóa Việt Nam mới vượt qua được những khó khăn, thách thức như hiện nay để tiếp tục phát triển./.
Nhà văn ĐỖ KIM CUÔNG