Đến nay, sau một năm thực hiện, Nghị quyết đã góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng…
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các ban Đảng tỉnh ủy xây dựng hướng dẫn; tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh để quán triệt nghị quyết của Trung ương và tỉnh; xây dựng kế hoạch về tiến độ triển khai thực hiện nghị quyết một cách cụ thể và phân công rõ nội dung các công việc cho từng cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện.
Việc tổ chức lấy ý kiến góp ý để chuẩn bị kiểm điểm của các tập thể và cá nhân cơ bản đúng quy định và hướng dẫn của Trung ương. Những ý kiến gợi ý, góp ý của các tập thể và cá nhân đã được tổng hợp, tập hợp, tiếp thu một cách khá đầy đủ, trung thực, khách quan và tương đối chính xác.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị báo cáo kiểm điểm của nhiều tập thể hết sức nghiêm túc, cầu thị, bám sát vào 3 vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị và hướng dẫn của các ban đảng Trung ương. Nhiều cấp ủy, tập thể đã đi sâu làm rõ các khuyết điểm, yếu kém của tập thể và cá nhân liên quan đến các vấn đề cấp bách bức xúc, nổi cộm của địa phương, tìm ra các nguyên nhân và giải pháp cụ thể.
Trên cơ sở đó, việc tổ chức kiểm điểm đã được tiến hành nghiêm túc, tự giác. Đặc biệt là đã chỉ ra được các ưu điểm, khuyết điểm; phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân, trong đó có người đứng đầu; xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong các khuyết điểm, yếu kém của tập thể. Qua kiểm điểm, chưa thấy biểu hiện lợi dụng kiểm điểm để nói xấu, nhấn mạnh khuyết điểm với động cơ không trong sáng, hạ uy tín lẫn nhau hoặc gây mất đoàn kết nội bộ.
Có thể khẳng định, qua một năm triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) với các nhóm giải pháp nêu ra, nhất là qua đợt tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình ở các cấp ủy đảng, đã đem lại một số kết quả quan trọng, có tác dụng tích cực trong công tác xây dựng Đảng tại Đắk Nông.
Trước hết, thông qua việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết và các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương, đã góp phần củng cố, nâng cao và tạo sự thống nhất nhận thức tư tưởng trong các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên về tình hình suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay; thấy rõ tính cấp bách và sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong điều kiện thực hiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế. Từ đó, mỗi cấp ủy và cán bộ, đảng viên thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với vận mệnh của Đảng, của dân tộc, đề cao ý thức tự giác trong việc thực hiện Nghị quyết.
Việc chuẩn bị báo cáo và tiến hành kiểm điểm, tự phê bình, phê bình kỹ lưỡng của tập thể và cá nhân đã giúp các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cấp ủy viên thấy rõ hơn những ưu điểm của mình để tiếp tục phát huy; những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm để kịp thời sửa chữa, khắc phục. Với thái độ thẳng thắn, chân thành trên tinh thần đồng chí, qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đã góp phần làm cho nội bộ nhiều cơ quan, địa phương có sự hiểu biết, cảm thông và chia sẻ với nhau hơn; nhiều người đã nhận dạng rõ hơn, sâu sắc hơn những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, làm cơ sở để mỗi người đánh giá ưu điểm, khuyết điểm mình chính xác hơn. Đây là một dịp tốt để mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận, soi xét lại chính mình, qua đó tự điều chỉnh suy nghĩ, hành động của bản thân và có những giải pháp cụ thể để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm.
Trong năm 2012, toàn tỉnh đã có 375/375 TCCSĐ tiến hành kiểm điểm tập thể và cá nhân, có 3 TCCSĐ phải kiểm điểm lại lần thứ 2, có 90 đồng chí là cấp ủy viên hoặc đảng viên phải viết lại bản kiểm điểm lần thứ 2. Thông qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, cùng với việc nhận rõ những khuyết điểm, yếu kém của mình, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và từng cấp ủy viên đã đề ra được phương hướng phấn đấu và các giải pháp cụ thể, phù hợp để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm.
Trên cơ sở kết quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, từ Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đến các cấp ủy địa phương đã và đang tích cực sửa chữa, khắc phục khuyết điểm bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, có hiệu quả như: tiến hành rà soát, điều chỉnh hoặc thu hồi các dự án đã được cấp phép nhưng chậm triển khai hoặc chủ đầu tư không có khả năng thực hiện; rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy và sắp xếp, bố trí lại cán bộ ở một số cơ quan, đơn vị cho phù hợp; chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra, và kết luận để điều chuyển hoặc xem xét, xử lý kỷ luật đối với những cán bộ, đảng viên, công chức có dư luận liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; tập trung xem xét, giải quyết các vụ khiếu kiện lâu ngày và đưa ra xét xử những vụ án lớn, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Những việc làm cụ thể, thiết thực nêu trên có tác dụng tích cực trong xã hội và bước đầu đem lại niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân vào việc thực hiện Nghị quyết.
Sau khi kiểm điểm các cấp uỷ Đảng, tập thể lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể đã xác định những nhiệm vụ cần lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết làm ngay, trong đó tập trung: chống những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm; quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc; khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ; nâng cao chất lượng chuyên nghiệp đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng Đảng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những đồng chí lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã cố gắng điều chỉnh hành vi, giữ gìn đạo đức, phẩm chất; tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị; nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc được giao. Về phía cá nhân, người được phê bình, góp ý, nhìn chung đều nghiêm túc tự kiểm điểm và tiếp thu những ý kiến góp ý đúng đắn, xác đáng của các tổ chức và cá nhân; tự giác xem xét, đánh giá, nhìn lại mình cả về ưu điểm và khuyết điểm; đồng thời chân thành, thẳng thắn đóng góp ý kiến cho các đồng chí khác và cho tập thể.
Sau một năm thực hiện, với những kết quả cụ thể ban đầu, có thể khẳng định việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng và được sự quan tâm sâu sắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh Đăk Nông trong năm 2012; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Th.s Phan Thăng An
Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương II- Ban Tổ chức Trung ương